(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Bên cạnh phong tục tập quán cổ truyền như tục thờ cúng, lễ tết, nghi lễ trong việc cưới, việc tang, lễ hội cũng là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng quan trọng của người Mông tại các huyện miền núi Thanh Hóa. Trong một năm người Mông tổ chức nhiều lễ hội, song lễ hội quan trọng nhất phải kể đến ở đây là lễ hội Gầu Tào.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người Mông ở xứ Thanh và Lễ hội Gầu Tào

(VH&ĐS) Bên cạnh phong tục tập quán cổ truyền như tục thờ cúng, lễ tết, nghi lễ trong việc cưới, việc tang, lễ hội cũng là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng quan trọng của người Mông tại các huyện miền núi Thanh Hóa. Trong một năm người Mông tổ chức nhiều lễ hội, song lễ hội quan trọng nhất phải kể đến ở đây là lễ hội Gầu Tào.

Gầu Tào trong tiếng Mông có nghĩa là “chơi ngoài trời”, tiếng Quan Hóa là “Sải Sán” - tức đạp núi. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, là hình ảnh thu nhỏ đời sống tâm linh, đời sống văn hóa tinh thần, vật chất của đồng bào dân tộc Mông. Lễ hội mở ra nhằm mục đích cầu phúc hoặc cầu mệnh. Hội cầu phúc được tổ chức bởi một gia đình không có con, ít con hoặc sinh con một bề nhằm cầu mong có con. Hội cầu mệnh được tổ chức bởi một gia đình thường hay ốm đau bệnh tật, con cái yếu ớt, thậm chí có con bị chết; mùa màng, vật nuôi lụi dần. Thời gian mở hội thường trong khoảng từ ngày mùng 1 đến ngày 15 tháng Giêng.

Theo phong tục của người Mông, đã tổ chức lễ hội này phải tổ chức liên tiếp trong 3 năm. Mỗi năm hội được tổ chức trong 3 ngày. Nếu gia đình nào chỉ tổ chức 1 năm thì hội sẽ kéo dài trong 9 ngày.

Để lễ hội có thể diễn ra, gia đình thường phải chuẩn bị mọi thứ trong suốt một năm trước đó. Công việc quan trọng nhất đối với mỗi gia đình là tìm và dựng cây nêu. Trong tâm thức của người Mông, cây nêu được coi là cây thiêng, là tín hiệu của hội, của hạnh phúc và sự ấm no. Do vậy, cây nêu được dựng trong lễ hội phải là cây mai hay cây tre to, ngọn dài và có lá.

Tùy mục đích tổ chức lễ hội mà người được cử đi tìm và dựng cây nêu cũng khác nhau. Nếu là hội cầu phúc thì gia chủ phải nhờ anh trai, chị dâu (những người có con cả trai, cả gái) chặt cây về dựng nêu. Riêng gia chủ cầu mệnh, mong mọi người trong gia đình đều được mạnh khỏe xin đuổi hết bệnh tật ốm đau, làm ăn tấn tới thì phải cử hai thanh niên khỏe mạnh trong dòng họ đi tìm và dựng nêu.

Lễ dựng nêu được tổ chức từ ngày 26 đến ngày 29 tết. Địa điểm dựng nêu đồng thời cũng là địa điểm mở hội. Nếu lễ hội sẽ tổ chức trong 3 ngày thì chỉ dựng một cây nêu. Nhưng nếu lễ hội tổ chức trong 9 ngày thì phải dựng 3 cây nêu theo hình tam giác cân ở giữa đỉnh đồi. Trên ngọn cây nêu, người ta thường treo hai sải vải lanh màu đen xen lẫn màu đỏ (biểu tượng của mặt trời). Trên cây nêu còn treo một quả bầu đựng nước, một túm ngô giống, một bó lúa giống (biểu tượng của sự được mùa, no ấm). Việc dựng nêu ngoài ý nghĩa tâm linh, cầu khấn còn có ý nghĩa thông báo về việc tổ chức lễ hội cho mọi người. Khi cây nêu được dựng xong, người trong bản hay các vùng khác nhìn thấy sẽ biết rằng: năm nay làng này sẽ mở hội Gầu Tào và dân bản sẽ chuẩn bị áo váy, bố trí thời gian đi dự hội, trai gái ở bản trên bản dưới cũng hẹn ước nhau đầu năm đến bên cây nêu gặp mặt.

Lễ hội gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Người quản lý lễ hội là gia chủ. Bên cạnh gia chủ, sẽ có 2 hoặc 3 trung niên hoặc người già thạo đường ăn nói, thay mặt gia chủ giải quyết mọi sự. Nếu gia chủ là người ít nói năng, chậm chạp thì có thể nhờ và ủy quyền cho một người thay mặt mình. Ngoài ra cần có xừ quan (quản lý) chăm lo việc ăn uống, có hấu pầu tờ (quản củi đuốc), hấu pầu giê (trông nom xay, giã, giần sàng) cùng với xừ quan. Nhờ có sự trợ giúp của những người này, mọi thứ diễn ra trong lễ hội sẽ chu đáo và toàn vẹn hơn.

Mở đầu lễ hội, gia chủ, thầy mo cùng các già làng, trưởng bản có uy tín nhất sẽ làm lễ cúng. Mâm cúng có thủ lợn - con vật nuôi gần gũi nhất của người Mông. Mục đích của lễ cúng là nhằm mời tổ tiên, thần linh về dự hội. Đồng thời cầu khấn cho năm mới mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt, cuộc sống của đồng bào Mông ấm no, may mắn, hạnh phúc. Sau phần lễ là phần hội với các hoạt động văn hóa – văn nghệ dân gian, thể thao dân tộc diễn ra hết sức tưng bừng, sôi nổi ...

Đầu tiên là hội thi hát dân ca Mông. Đây là nơi được đông người đến xem nhất. Theo phong tục, các cụ ông, cụ bà, người trung tuổi mở đầu cho hội hát, tiếp đó là trai gái trong các bản Mông... Lúc đầu tập thể nam hát chào hỏi cả tập thể nữ nhưng về sau từng đôi tách riêng ra và lúc này chỉ còn từng đôi hát ống kín đáo, tế nhị, nhịp nhàng, dìu dặt, thủ thỉ tâm tình.

Bên cạnh khu hội hát là hội múa. Các trai bản, thôn nữ lần lượt thử tài nhau qua các điệu múa sênh tiền, múa khèn, múa kiếm, múa võ tay không, múa mác, múa gậy... Đặc sắc nhất trong khu hội này là phần thi đấu khèn của các chàng trai. Trong cuộc thi khèn, những người đàn ông Mông hoàn toàn lột xác, lúc này họ là những người nghệ sĩ thực thụ đang thăng hoa với những điệu múa và tiếng khèn mê đắm núi rừng. Thi đấu khèn là dịp để những người đàn ông dân tộc Mông thể hiện được sự tài hoa, mạnh mẽ của mình và cũng là dịp để các cô thiếu nữ tìm cho mình một người chống như ý.

Trong lễ hội, người ta chuẩn bị những bãi đất rộng để các trò chơi thể thao dân tộc có thể diễn ra. Một số trò chơi tiêu biểu như: Đánh quay, đẩy gậy, kéo co, đá bóng... Tất cả các trò chơi này khiến cho không khí lễ hội càng thêm phần rôm rả. Khách gần, khách xa, người già, người trẻ ai thích chơi trò gì thì tìm đến sân ấy. Đám hội nào cũng nườm nượp người dự. Điều đặc biệt khi đến với lễ hội này đó là các vị khách tham gia thường sẽ mang góp một thứ theo khả năng của họ. Người thì ống gạo, người thì ngô, người lại mang theo hũ rượu, xách đôi gà... ai mang đến đều phải vào làm lễ cầu chúc gia chủ trước tiên, sau là cầu chúc cho mọi người yên vui khỏe mạnh, tiếp nữa là cầu chúc cho mùa màng bội thu, lợn gà đầy chuồng, đầy sân. Đáp lễ, chủ nhà nói lời cảm tạ và biết ơn ghi sâu lòng hào phóng của khách. Đêm xuống khách xa, người cao tuổi được mời về nhà gia chủ nghỉ ngơi còn mọi người (phần lớn là nam nữ thanh niên) đốt những đống lửa to ngồi quây quần hát đối đáp dân ca Mông, nghe thổi sáo, đàn môi. Tiếng sáo, đàn môi nghe thật bồi hồi, xao xuyến. Từ đêm hội này, nhiều đôi trai gái Mông đã nên duyên vợ chồng.

Kết thúc lễ hội, gia chủ làm lễ cúng, cây nêu được hạ xuống. Thầy cúng đốt thẻ giấy, hốt than cho vào gáo nước, vừa đi vừa cầu khấn. Sau mỗi đoạn khấn vái, thầy lại hớp một ngụm nước phun ra xung quanh, gia chủ cầm bầu rượu hạ từ trên nây nêu đi theo sau thầy cúng, cũng vẩy rượu ra khắp nơi với mục đích cầu mong sự may mắn và thịnh vượng sẽ lan tỏa đến khắp nơi. Gia chủ cầm mảnh vải đỏ mang về treo trong nhà để cầu mong hạnh phúc đời đời.

Lễ hạ nêu cũng rất quan trọng. Nếu là hội cầu phúc, ông chủ hội chọn một đôi trai gái, một đôi nam nữ đứng tuổi đông con rước nêu về. Gia chủ gác cây nêu ở đằng sau nhà hoặc chẻ ra làm giát giường mong sớm có con. Nếu mở hội cầu mệnh thì rước cây nêu đến gác ở chỗ vách đá khô ráo cầu mong mạnh khỏe.

Từ bao đời nay, lễ hội Gầu Tào đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang tính tâm linh và có ý nghĩa cao đẹp. Sau một năm bận rộn với những lo toan thường nhật, tham gia trẩy hội, mọi người có dịp giải tỏa những lo âu, phiền muộn của cuộc sống thường nhật, được thư giãn tinh thần với những trò chơi lành mạnh trong ngày hội, được thăm hỏi, giao duyên kết bạn với nhau... Tất cả điều đó đã làm nên sức sống mãnh liệt của lễ hội Gầu Tào, biến nó trở thành nhu cầu, khát vọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mông nói riêng, các dân tộc anh em khác nói chung.

Mạnh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]