(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 15/03/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 37 ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 58 ngày 13/03/2019 của UBND tỉnh về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đến nay cơ bản các xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập đã triển khai đảm bảo các bước quy trình theo đúng kế hoạch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đồng thuận và niềm tin

Thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 15/03/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 37 ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 58 ngày 13/03/2019 của UBND tỉnh về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đến nay cơ bản các xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập đã triển khai đảm bảo các bước quy trình theo đúng kế hoạch.

Xã Hạnh Phúc là một trong những xã thuộc diện sáp nhập của huyện Thọ Xuân (theo phương án, xã Hạnh Phúc sẽ sáp nhập vào thị trấn Thọ Xuân). Sau khi xây dựng kế hoạch, xây dựng phương án, tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt và hội nghị toàn thể Đảng bộ để quán triệt, triển khai phương án sáp nhập và các văn bản của Trung ương, của tỉnh, của huyện và của xã liên quan đến sáp nhập xã, đến thời điểm này, xã Hạnh Phúc đã hoàn thành niêm yết danh sách cử tri và sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri vào ngày 12/5/2019. Theo chia sẻ của ông Hoàng Văn Bằng - Chủ tịch UBND xã Hạnh Phúc: Qua các lần tổ chức hội nghị, tỷ lệ cử tri tham gia tương đối cao. Việc sáp nhập được cán bộ, đảng viên, nhân dân rất đồng thuận. Sáp nhập vào thị trấn, người dân Hạnh Phúc có nhiều thuận lợi hơn trong phát triển văn hóa, kinh tế. Sắp tới đây, khi tổ chức lấy ý kiến cử tri, tỷ lệ phải đạt trên 90%.

Sau khi sắp xếp 20 xã, thị trấn thành 9 xã thị trấn, huyện Thọ Xuân còn 30 đơn vịhành chính trực thuộc gồm 27 xã, 3 thị trấn. Thọ Xuân cũng là huyện có số xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập lớn nhất tỉnh. Xác định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, UBND huyện đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Huyện ủy là Trưởng ban. Đồng thời thành lập 9 tổ chỉ đạo đối với 9 cụm xã phải sáp nhập. Bên cạnh đó huyện đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, phương án sáp nhập...

Ngày 25/3/2019, UBND huyện Thọ Xuân đã ban hành Kế hoạch số 49 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, quy trình, thời gian... Ngày 28/3/2019, huyện đã tổ chức hội nghị hướng dẫn thực hiện các bước quy trình như tổ chức lấy ý kiến cử tri, tiếp nhận các bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai... Ngày 5/4/2019, UBND huyện đã tổ chức hội nghị triển khai, thống nhất phương án đặt tên và bố trí trụ sở làm việc đối với các xã, thị trấn sau sáp nhập. Bà Hà Thị Ngân - Trưởng phòng Nội vụ huyện Thọ Xuân cho biết: “UBND huyện đã triển khai đảm bảo các bước quy trình theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh. Tình hình của địa phương cơ bản ổn định, cán bộ, đảng viên cơ bản thống nhất với chủ trương, phương án sáp nhập...”.

Niêm yết danh sách cử tri tại xã Minh Dân (Triệu Sơn).

Đối với huyện Triệu Sơn, sau khi sắp xếp 3 xã, thị trấn thành 1 thị trấn; thành lập mới 1 thị trấn. Sau sắp xếp còn 34 đơn vị hành chính gồm 32 xã, 2 thị trấn. Trước đó, huyện Triệu Sơn đã đưa ra 2 phương án: Phương án 1 đó là sáp nhập 3 xã: Minh Dân, Minh Châu, Minh Sơn vào thị trấn; phương án 2 là sáp nhập xã Minh Dân vào thị trấn. Đối với phương án 1 đã không được lựa chọn do sau sáp nhập quy mô sẽ rất lớn. Phương án 2 được chọn vì Minh Dân là xã duy nhất không đạt cả 2 tiêu chí về dân số và diện tích. Tại thời điểm này, UBND xã Minh Dân đã hoàn thành việc niêm yết danh sách cử tri với tổng số 2430 cử tri. Bí thư Đảng ủy xã Minh Dân, ông Nguyễn Văn Mỳ phấn khởi cho biết: “Tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân tương đối tốt. Tôi tin với khí thế này, tỷ lệ phải đạt tới 95% trong lần lấy ý kiến cử tri sắp tới”.

Nếu như với Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố thì Triệu Sơn là huyện giảm số thôn nhiều nhất tỉnh. Trong việc sắp xếp lại địa giới hành chính cấp xã, tuy không phải là địa phương có số xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập nhiều nhưng Triệu Sơn cũng đã có những cách làm mà ở đó đã chọn ra phương án tối ưu nhất, đem ra phân tích một cách dân chủ, công khai và quan trọng là tìm ra được sự đồng thuận của nhân dân. Ông Lê Kim Chất - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Triệu Sơn cho rằng: “Có được sự đồng thuận của nhân dân lại phải bắt đầu từ tâm tư của cán bộ. Cán bộ làm không tốt là không tạo được sự đồng thuận, phải cho người dân hiểu được rằng, sáp nhập lại thì người được lợi đầu tiên là người dân chứ không phải ai khác...”.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển KT-XH của tỉnh Thanh Hóa, khả năng quản lý của chính quyền cơ sở. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã gắn với việc mở rộng, thành lập đơn vị hành chính đô thị nhằm tăng tỷ lệ đô thị hóa, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Theo kế hoạch, các huyện, thị, thành phố sẽ hoàn thành hồ sơ trình UBND tỉnh trước ngày 10/6/2019.

Sau khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến toàn tỉnh Thanh Hóa giảm 78 đơn vị (12,2%) còn 557 đơn vị, gồm 494 xã, 34 phường, 29 thị trấn; diện tích tự nhiên bình quân mỗi đơn vị lên 19,9 km2 (tăng 2 km2), dân số bình quân lên 6.827 người (tăng 838 người).

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]