Sử gia Lê Văn Hưu - người viết nên bộ Đại Việt sử kí đầu tiên trong lịch sử
UBND huyện Thiệu Hoá vừa tổ chức Lễ hội Đền thờ Lê Văn Hưu năm 2025 nhân 703 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu (23/3 năm Nhâm Tuất 1322 - 23/3 năm Ất Tỵ 2025).
Phần mộ, tượng đồng, bia ký khắc ghi tiểu sử, sự nghiệp của nhà sử học Lê Văn Hưu được lưu giữ tại xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Ảnh: Hoa Mai/TTXVN
Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần, niên hiệu Kiến Trung thứ 6, đời vua Trần Thái Tông (1230). Từ khi sinh ra đến lúc đỗ đạt thành danh, Lê Văn Hưu được sống trong bối cảnh chính trị xã hội khá yên bình, thuận lợi. Sử sách về thời kỳ này có rất ít ghi chép về thiên tai, mất mùa, đói kém trên phạm vi cả nước nói chung và Thanh Hoá nói riêng.
Theo các tài liệu còn lưu giữ cho biết Lê Văn Hưu từng theo học thầy đồ họ Nguyễn làng Phúc Triền (Kẻ Bôn) và phần nào được truyền thụ kiến thức từ gia đình bên ngoại (họ Đỗ).
Ông đỗ khoa thi Đại tị được tổ chức lần thứ ba, năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247). “Toàn thư” đã ghi về khoa thi này như sau: “Mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn; Đặng Ma La đỗ thám hoa. Cho 48 người đỗ thái học sinh, xuất thân theo thứ bậc khác nhau”
Ông có sự nghiệp quan trường khá thuận lợi trải qua 5 đời vua Trần với nhiều cương vị khác nhau (Hàn lâm viện Thị độc Kiểm pháp quan của Viện Đăng Văn, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc Sử Viện giám tu, Thượng thư bộ Binh). Nhưng người đời sau vẫn nhớ đến Lê Văn Hưu với tư cách là một nhà sử học - người viết nên bộ Đại Việt sử kí đầu tiên trong lịch sử dân tộc.
Trong bài tựa sách Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên đã đánh giá: “Lê Văn Hưu là người chép sử giỏi thời Trần”. Trong bài nói đầu của bộ Đại Việt sử ký tục biên, tác giả Phạm Công Trứ và Hồ Sĩ Dương viết rõ: “... xưa kia Hàn lâm viện học sĩ quốc sử viện giám tu là Lê Văn Hưu, vâng mệnh Trần Thái Tông biên soạn bộ Đại Việt sử ký, bắt đầu từ Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu Hoàng, và quan làm sử triều ta là Phan Phu Tiên vâng mệnh Nhân Tông biên soạn nối tiếp bộ Đại Việt sử ký chép từ Trần Thái Tông đến khi người Minh trở về nước....”.
Hầu hết các sử gia nổi tiếng của Việt Nam thời phong kiến như Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ, Hồ Sĩ Dương, Lê Hi, Nguyễn Quý Đức, Lê Quý Đôn... đều khẳng định Lê Văn Hưu là người mở đầu cho nền sử học chính thống ở nước ta.
Các nhà sử học sau này cũng đều nhận định về vai trò “khai mở” nền sử học Việt Nam của Lê Văn Hưu. GS Phan Huy Lê trong bài Đại Việt sử ký toàn thư Tác giả - Văn bản - Tác phẩm, mục Lê Văn Hưu với Đại Việt sử ký đã đưa ra nhận định: “Trước và sau Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, đã có những bộ sử như Sử ký của Đỗ Thiện, Việt chí của Trần Phổ, Trung hưng thực lục, (Đại) Việt sử lược; An Nam chí lược của Lê Trắc, Việt sử cương mục của Hồ Tông Thốc..., những công trình thu thập các truyền thuyết dân gian như Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp... Đó là những tác phẩm và tác giả đặt cơ sở cho sự ra đời của nền sử học Việt Nam, một bộ phận tạo thành của nền văn hoá Thăng Long đang phát triển rực rỡ lúc bấy giờ. Trong bối cảnh ấy, Lê Văn Hưu với tư cách là người đứng đầu Viện Quốc sử, đã biên soạn bộ Đại Việt sử ký, bộ quốc sử đầu tiên của nước ta... Trong lịch sử phát triển của nền sử học Việt Nam, Đại Việt sử ký giữ vị trí bộ quốc sử đầu tiên”.
Bộ sử Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu biên soạn và hoàn thành vào năm Thiệu Long thứ 15 (1272) đời vua Trần Thánh Tông. Bộ sử ghi chép lại những sự kiện quan trọng diễn ra trong gần 15 thế kỷ, từ thời Triệu Vũ Đế cho tới vua Lý Chiêu Hoàng. Bộ Đại Việt sử ký bao gồm 30 quyển. Sau khi bộ quốc sử hoàn tất, ông được vua Trần Thánh Tông xuống chiếu khen ngợi và ban thưởng.
Qua Đại Việt sử ký, có thể thấy được quan điểm, tư tưởng của nhà sử học lỗi lạc Lê Văn Hưu. Ông đánh giá rất cao lãnh tụ các cuộc khởi nghĩa, điển hình như khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Ông cũng phê phán trực diện những hành vi tật xấu, trái đạo lý của bậc làm vua, như đoạn nhận xét về vua Lý Thần Tông.
Lê Văn Hưu được đánh giá như “Tư Mã Thiên của Việt Nam” với việc biên soạn thành công bộ Đại Việt sử kí - bộ sách lịch sử đầu tiên trong thời kì quân chủ ở Việt Nam. Cách biên soạn và các quan điểm, góc nhìn của Lê Văn Hưu về lịch sử là sản phẩm thời đại của ông và các phần bình luận này đã được các nhà sử học đời sau bảo lưu trong bộ Đại Việt sử kí toàn thư.
Lê Văn Hưu sống rất thọ. Ông qua đời ngày 23 tháng 3 năm Nhâm Tuất (1322), hưởng thọ 93 tuổi, mộ táng tại bản quán - làng Phủ Lý, Đông Sơn (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá).
Hoàng Trang (CTV)
{name} - {time}
-
2025-04-25 10:56:00
Võ tướng dốc lòng vì sự nghiệp Trung hưng nhà Lê
-
2025-04-25 08:00:00
[WOW! THANH HÓA] Chó Lài sông Mã - Báu vật rừng xanh
-
2025-04-18 10:04:00
Trần Khát Chân từ nhân vật chính sử đến huyền sử
Phạm Xuân Bích và tấm lòng trung nghĩa
Nữ cán bộ trẻ năng động, giàu nhiệt huyết
Nhà văn Lê Xuân Giang và những nỗi ám ảnh không thể thoát ra
Xanh mãi với thời gian
Lê Thánh Tông - Minh quân trong lịch sử dân tộc
[WOW! THANH HÓA] Khu tưởng niệm giáo viên và học sinh hy sinh tại công trường đê Nam sông Mã
Nguyễn Viết Toại và phong trào Cần Vương