(vhds.baothanhhoa.vn) - Du khách có dịp ghé thăm Bảng Môn đình xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) sẽ bắt gặp tại đây một phiến đá vô cùng đặc biệt, Nhân dân địa phương vẫn thường gọi đó là “Hòn đá Sư Lộ” - gắn liền với tên tuổi của vị Thám hoa nổi tiếng khắp vùng và được hậu thế nhắc đến là “Người thầy bên đường”.

“Hòn đá Sư Lộ” và chuyện người thầy dạy học bên đường

Du khách có dịp ghé thăm Bảng Môn đình xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) sẽ bắt gặp tại đây một phiến đá vô cùng đặc biệt, Nhân dân địa phương vẫn thường gọi đó là “Hòn đá Sư Lộ” - gắn liền với tên tuổi của vị Thám hoa nổi tiếng khắp vùng và được hậu thế nhắc đến là “Người thầy bên đường”.

“Hòn đá Sư Lộ” và chuyện người thầy dạy học bên đường

Trân trọng tấm lòng của thầy giáo dạy học bên đường Nguyễn Sư Lộ, hậu thế đã khắc tấm văn bia tưởng nhớ đến ông.

Trong lịch sử khoa cử thời phong kiến, xã Hoằng Lộc được biết tới như một vùng đất khoa bảng, với 12 người đỗ đại khoa, trong đó có 7 người được khắc tên trên văn bia Quốc Tử Giám. Trong số đó, có Thám hoa Nguyễn Sư Lộ.

Tên thụy là Văn Đạt, nhưng đến nay sử liệu và dân gian đều nhắc đến ông với tên gọi thân mật: Nguyễn Sư Lộ. Nổi tiếng bởi học vấn uyên thâm được dân làng kính trọng, nhưng ông không lấy sự hiểu biết của mình làm điều kiêu ngạo. Ngược lại, hàng ngày thường ra phiến đá bên đường cái cạnh nhà ngồi đọc sách, viết chữ. Người làng qua lại, trẻ em đi học về có điều gì chưa hiểu, chữ nào chưa biết đến hỏi đều được ông giảng giải tận tình. Lâu dần, phiến đá ông ngồi giống như bục dạy học của thầy giáo.

Tương truyền, lúc sinh thời ông vẫn thường giản dị mà nói: “Học trò đi học thì phải vào nhà học, phải theo bài bản. Nhưng trong đời có bao nhiêu người không được đi học, không có lớp. Và cũng có bao nhiêu điều phải học ngoài nhà trường. Lớp học giữa đường cũng là lớp học”. Cảm kích tấm lòng của ông, người đời tôn kính thường gọi ông là Sư Lộ (người thầy dạy học bên đường).

“Hòn đá Sư Lộ” và chuyện người thầy dạy học bên đường

Phiến đá nơi cụ Nguyễn Sư Lộ xưa kia ngồi dạy học bên đường, ngày nay được đặt ngay ngắn trong khuôn viên di tích Bảng Môn đình như lời nhắc nhớ về người thầy giáo đặc biệt.

Nguyễn Sư Lộ hoàn toàn không phải một giai thoại. Ông sinh năm 1519, với văn tài hơn người, khoa thi năm Giáp Dần 1554 ông đã đỗ Đệ nhất giáp đệ tam danh (Thám hoa), làm quan đến chức Hữu Thị lang Bộ Lại, tước Đoan Túc hầu.

Một điều đặc biệt, Bảng nhãn Bùi Khắc Nhất - một trong những công thần nổi tiếng thời Lê Trung hưng, làm quan đến chức Thượng thư, tước Quận công chính là con rể của cụ Nguyễn Sư Lộ.

Thương cậu học trò Bùi Khắc Nhất nhà nghèo mà ham học, thầy giáo Nguyễn Sư Lộ đã dốc lòng dạy dỗ, bồi đắp với hi vọng học trò thành tài. Không chỉ vậy, Nguyễn Sư Lộ còn gả con gái đầu của mình là Nguyễn Thị Sen cho cậu học trò ngoan hiền. Không phụ tấm lòng của thầy giáo, cũng đồng thời là bố vợ, năm 1564 nho sinh Bùi Khắc Nhất đã đỗ Bảng nhãn, đề tên mình lên bảng vàng. Sau đó, vào năm 1598, con trai Nguyễn Sư Lộ là nho sinh Nguyễn Thứ cũng thi đỗ Đệ Nhị Giáp Tiến sĩ.

Dù ở làng khoa bảng, nhưng đỗ đạt hiển hách như gia đình cụ Nguyễn Sư Lộ cũng là chuyện hiếm. Bởi vậy trong dân gian vẫn còn lưu truyền lời ngợi ca: “Phụ, tử, tế đại đăng khoa/Nhất nhị tam danh tụ nhất gia” (cha, con, rể đều đỗ đại khoa. Nhất nhị tam danh họp một nhà).

Dù đỗ đạt và thành công trên quan trường, nhưng hậu thế lại nhắc nhớ đến ông trong vai trò thầy giáo. Trong cuốn Địa chí văn hóa Hoằng Hóa do tác giả Ninh Viết Giao chủ biên đã đánh giá Nguyễn Sư Lộ là một trong những thầy giáo giỏi thời phong kiến.

“Hòn đá Sư Lộ” và chuyện người thầy dạy học bên đường

Di tích Bảng Môn đình - biểu tượng cho truyền thống hiếu học của làng quê khoa bảng Hoằng Lộc.

Trải qua thời gian, tên tuổi của Nguyễn Sư Lộ vẫn được nhắc đến với niềm tự hào về truyền thống dạy và học của vùng đất cổ Hoằng Lộc. Phiến đá nơi Nguyễn Sư Lộ ngồi dạy học xưa kia được Nhân dân trân quý gọi là “Hòn đá Sư Lộ” và ngày nay, được đặt trong khuôn viên Bảng Môn đình, là niềm kiêu hãnh của người dân địa phương.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]