(vhds.baothanhhoa.vn) - Cuộc đời nghệ sĩ (NS), nhất là NS đã “hưu” rồi, có lẽ chả gì vui hơn là vẫn được tiếp tục cống hiến. Nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội từ năm 1993 đến nay, nhưng NS violon Tuyết Chinh vẫn hàng ngày luyện đàn, gặp gỡ bạn bè và biểu diễn kiếm tiền.

Nghệ sĩ violon Tuyết Chinh: Gặp nhau là đàn, là hát

Cuộc đời nghệ sĩ (NS), nhất là NS đã “hưu” rồi, có lẽ chả gì vui hơn là vẫn được tiếp tục cống hiến. Nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội từ năm 1993 đến nay, nhưng NS violon Tuyết Chinh vẫn hàng ngày luyện đàn, gặp gỡ bạn bè và biểu diễn kiếm tiền.

Nghệ sĩ violon Tuyết Chinh: Gặp nhau là đàn, là hátNghệ sĩ Tuyết Chinh bên cây đàn violon.

Tôi đùa rằng, đây là NS hiếm có ở xứ Thanh vì từ lúc nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội thì việc kiếm tiền và thời gian đứng trên sân khấu lại nhiều hơn khi đang công tác. Đó là sự thật và cũng là may mắn của người NS. Ca sĩ được mời đi biểu diễn đã khó, nhất là không ở độ tuổi thanh xuân tươi đẹp thì NS biểu diễn nhạc cụ lại càng ít hơn. Nhưng với NS Tuyết Chinh lại chưa hẳn, nếu không có dịch bệnh COVID-19 ngày nào chị cũng có show.

Khi còn bé, lần đầu tiên theo chân người lớn đi xem Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân vào Thanh Hóa biểu diễn phục vụ bộ đội ở Sân bay Sao Vàng (nay là Sân bay Thọ Xuân), chị đã mê mẩn nữ NS mặc quân phục cầm cây đàn nhỏ nhắn. Từ đó những giấc mơ chập chờn rồi có một ngày chị sẽ được đứng trên sân khấu biểu diễn. Đến năm 14 tuổi, sau khi trúng tuyển hệ trung cấp, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), “tôi vui sướng nghĩ mình đang đến gần hơn giấc mơ”.

NS Tuyết Chinh chia sẻ: Vào trường các thầy hỏi học đàn gì, tôi bảo: em học violon. Các thầy ngạc nhiên lắm, vì mình ở quê chưa từng tiếp xúc với nhạc cụ phương Tây, chưa bao giờ tiếp cận gần với âm nhạc cổ điển thế giới. Thầy có hỏi lý do, nhưng khi ấy tôi chỉ nói: Em thích violon.

Cái ý thích tưởng rất vô thức của một thiếu nữ ấy đã đi theo NS violon Tuyết Chinh hơn 55 năm. “Nhớ lại hồi đó, trường chúng tôi sơ tán trên Hà Bắc, mỗi người ở trong một nhà dân. Vì không chịu được tiếng luyện đàn cả ngày của tôi, nên gia đình đã bố trí cho tôi ra góc vườn ở. Thế mà tôi vẫn kiên trì luyện. Trong âm nhạc bác học, piano được gọi là “ông vua”, còn violon được gọi là “hoàng hậu” vì sự nhỏ nhắn nhẹ nhàng. Thời gian học violon chỉ đứng sau thời gian học hành, thực tập của các sinh viên ngành y. Sau này, nghĩ lại tôi tự hỏi: Vì điếc không sợ súng nên tôi dũng cảm thế chăng? Có lẽ chỉ sự say mê mới thúc tôi cứ thế lao theo. Lớp học 15 bạn rơi rụng dần trước khi ra trường, còn tôi, đến nay vẫn luôn coi cây đàn là người bạn thân, là niềm vui dài trong cuộc đời mình”.

Năm 1971, NS Tuyết Chinh về Đoàn Ca múa Thanh Hóa (nay là Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn). Những ngày tháng rong ruổi đi biểu diễn cùng các đồng nghiệp khiến chị thấy cuộc đời thật giá trị. Đó là chuyến đi ra đảo Hòn Mê cùng nhóm xung kích của đoàn vào những năm 1972. Chòng chành trên chiếc thuyền đánh cá khiến các nữ NS say sóng không biết gì, nhưng đặt chân lên đảo, với sự nhiệt tình của người lính, các NS đã ca vang tiếng hát góp vui động viên tinh thần các chiến sĩ. Rồi nhiều chuyến lưu diễn ở Hủa Phăn của nước bạn Lào trong 2 năm 1973-1974, mỗi lần chia tay từ bản này sang bản khác, dù xe nổ máy chờ nhưng sự bịn rịn của mọi người, khiến các NS còn dùng dằng rất lâu. Những tình cảm đó đã tạo động lực và nguồn cảm hứng để NS luôn mong muốn được đứng trên sân khấu biểu diễn phục vụ khán giả.

Thời gian ấy ở Đoàn Ca múa Thanh Hóa cũng có tới 5-6 người chơi violon. Nhưng nay chỉ còn 2 nữ NS Tuyết Chinh và Phạm Minh Nghĩa tiếp tục chơi đàn. Bí kíp của chị là: “Mình đã chọn nghề thì cứ kiên trì, tổ nghề không phụ những người cần mẫn và thủy chung”.

NS sống trong thời bao cấp có biết bao là khó khăn. Nuôi 3 đứa con nhỏ, quanh quẩn với cái nghèo, cái khổ mãi. Quần áo chị em mặc lẫn nhau. Có những thời gian phải gửi con về quê vì không kham nổi. “Nhưng so với các ngành nghề khác thì NS còn may mắn lắm. Chúng tôi có lương nhà nước, chúng tôi được khán giả thương yêu, đi đến đâu cũng động viên, chăm sóc, thăm hỏi. Và may mắn hơn các đồng nghiệp, tôi có chồng làm cùng nghề, luôn động viên chứ không bị ép “chuyển nghề” hoặc ở nhà chăm con”.

Cứ thế, hơn 55 năm qua chị vẫn đều đặn luyện đàn và biểu diễn. Quan điểm của chị “được đàn được hát là vui”. Vì thế nhóm 6 NS “chớm già” đã cùng nhau lập ban nhạc Chiều tím. 20 năm rồi, người đàn người hát, họ chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống qua âm nhạc.

Mỗi lần xem các chị biểu diễn, dưới ánh đèn sân khấu, quả thật chẳng ai ngờ họ đã ngót nghét tuổi 70, có người đã gần 80 tuổi, nhưng vẫn say mê nghệ thuật.

“Sẽ có nhiều người cho rằng chúng tôi ham hố gì chăng? Nhưng tôi chỉ nghĩ được đứng trên sân khấu là niềm tự hào. Giá trị của chúng ta đâu chỉ cân đo bằng của cải vật chất. Nếu vì tiền thì các con tôi có thể phục vụ và báo hiếu cha mẹ hoàn toàn tốt. Nhưng chúng ta sống phải có giá trị riêng, không lệ thuộc. Tôi vui vì dù 70 tuổi tôi vẫn còn giá trị với cuộc sống này. Vì thế mà tôi đi biểu diễn, tôi dạy các bạn yêu cây đàn violon. Tôi không có thời gian để buồn”.

Thực sự tôi ngưỡng mộ NS Tuyết Chinh vì điều đó. Nhìn ánh mắt nụ cười chị, tôi chợt nhận ra những lo âu không sợ gì chỉ sợ tuổi già của mình hóa ra rất thừa thãi. Mỗi độ tuổi hạnh phúc lấp lánh một cách khác nhau và mang vẻ đẹp riêng. 70 tuổi chị có cái đẹp của sự an yên, yêu thương với gia đình, gắn bó và say mê với cây đàn violon.

Huyền Chi


Huyền Chi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]