(vhds.baothanhhoa.vn) - Băng qua con đường rừng yên ả, chúng tôi hỏi thăm đến nhà anh Đỗ Duy Hưng ở thôn Tam Quy, xã Hà Tân (Hà Trung). Trước đó, liên lạc qua điện thoại, anh bảo: “Em cứ hỏi nhà anh Hưng khuyết tật nuôi ong, cắt tóc, tư vấn bảo hiểm nhân thọ, người dân ai cũng biết”.

Nghị lực của người đàn ông khuyết tật

Băng qua con đường rừng yên ả, chúng tôi hỏi thăm đến nhà anh Đỗ Duy Hưng ở thôn Tam Quy, xã Hà Tân (Hà Trung). Trước đó, liên lạc qua điện thoại, anh bảo: “Em cứ hỏi nhà anh Hưng khuyết tật nuôi ong, cắt tóc, tư vấn bảo hiểm nhân thọ, người dân ai cũng biết”.

Nghị lực của người đàn ông khuyết tật

Anh Đỗ Duy Hưng ở thôn Tam Quy hỗ trợ người dân “làm cầu” nuôi ong.

Chàng quân nhân trẻ và giấc mơ “vỡ vụn”

Căn nhà nhỏ yên bình nằm dưới giàn hoa giấy được chủ nhân cắt tỉa cẩn thận. Người đàn ông ở tuổi 45 với những vết nhăn in hằn trên gương mặt, đón tôi bằng những bước đi tập tễnh. Vừa dẫn khách đi thăm “vườn ong” của gia đình, anh Hưng trải lòng về cuộc đời sóng gió của mình.

Năm 1998, tốt nghiệp THPT, anh nhập ngũ và được đơn vị cho đi học ở Trường Sĩ quan Pháo binh (Sơn Tây, Hà Nội). Sau nhiều phấn đấu học tập, anh về công tác ở Tiểu đoàn trinh sát pháo binh 703 đóng ở xã Quang Trung (Bỉm Sơn).

Tuy nhiên, biến cố xảy đến khi một lần trên đường công tác trở về đơn vị, anh bị chiếc xe ô tô mất lái đâm trúng. Tỉnh dậy trong bệnh viện sau cơn đau đớn thể xác bất ngờ, anh không còn tin vào những gì tai mình nghe thấy.

“Bác sĩ bảo chân trái đã dập nát hoàn toàn, không còn khả năng phục hồi nên phải cắt bỏ. Còn chân phải bị dập mắt cá nên vẫn còn hy vọng phục hồi”, anh Hưng nhớ lại.

Nghị lực của người đàn ông khuyết tật

Biến cố bất ngờ khiến anh Hưng phải cắt bỏ hoàn toàn một bên chân.

Anh ra quân với kết quả giám định thương tật mất 71% sức khỏe. Chàng trai 22 tuổi trở về quê nhà trĩu nặng u buồn, vỡ vụn những giấc mơ, dự định trước đó.

Anh tâm sự: Suốt hai năm liền tôi đóng cửa, nhốt mình trong phòng tối và chỉ biết khóc thầm. Mối tình đầu ngỡ đẹp như hoa cũng rời bỏ. Trách ông trời sao bất công, số phận sao lại bất hạnh đến thế. Nghĩ cuộc đời mình vậy là chấm hết. Những ngày tháng sắp tới sẽ phải sống ra sao? Lo lắng mình sẽ thực sự trở thành gánh nặng cho cha mẹ nghèo. Rồi ánh mắt thương hại, lời bàn tán ra vào của người xung quanh… nỗi đau cơ thể và ưu tư âu lo ngấm ngầm dằn vặt khiến đầu óc nhiều khi đau đớn muốn vỡ tung. Nhưng tôi cũng dần hiểu, nếu như số phận đã không bắt mình chết, vậy thì mình phải sống. Chứ đâu thể trốn tránh mãi!

Đến “ông chủ” của những đàn ong

Không chấp nhận là phế nhân trong mắt mọi người, gánh nặng cho gia đình, anh từng bước “bỏ gậy”, tập đi và “giải phóng đôi tay”. Nhờ sự mai mối của người hàng xóm tốt bụng, anh nên duyên cùng cô gái chân quê, thương anh thực sự. Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ dùng toàn bộ tài sản để mua bò nuôi. Hàng ngày, trên những quả đồi cao, anh vẫn tập tễnh những bước chân theo sau đàn bò.

Đến năm 2008, do giá bò xuống thấp, đôi chân không lành lặn sau thời gian dài leo đồi cũng bắt đầu có dấu hiệu đau đớn. Biết không thể gắn bó với công việc cũ, vợ chồng anh quyết định bán đi toàn bộ đàn bò, dùng số tiền có được mua miếng đất gần nhà và mở tiệm cắt tóc.

“Từ nhỏ, tôi đã tự biết cầm kéo cắt tóc cho mọi người, đến khi vào quân ngũ cũng thường xuyên cắt tóc cho đồng đội. Nên khi mở tiệm cắt tóc không phải đi học. Người dân cũng thương mình vất vả nên đến ủng hộ. Đến thời điểm hiện tại, trung bình mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 300 nghìn đồng nhờ công việc cắt tóc”, anh Hưng cho biết.

Không chỉ cắt tóc, anh còn tham gia khóa học tư vấn bảo hiểm nhân thọ. Cũng bởi sự chân thành, ham học hỏi của anh, nhiều khách đã ký hợp đồng bảo hiểm. Vậy nhưng, ở thời điểm hiện tại, người ta biết đến anh nhiều hơn trong vai trò của một người nuôi ong thành công, có nhiều kinh nghiệm.

Nghị lực của người đàn ông khuyết tật

Sau thời gian tìm hiểu, anh Đỗ Duy Hưng đã “bén duyên” với nghề nuôi ong mật.

Là một người yêu lao động, anh Hưng nhìn thấy lợi thế của nghề nuôi ong ở quê hương mình là những rừng sến Tam Quy lâu năm, đan xen cây rừng và bạt ngàn đồi cây ăn quả (vải, nhãn)... Anh vào mạng internet tìm hiểu, mua sách đọc, học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước về nghề nuôi ong. Sau thời gian chuẩn bị, anh quyết tâm tạo ra nguồn mật ong chất lượng.

Khởi đầu chỉ với 3 đàn, sau 2 năm đã nhân lên thành 40 đàn, đỉnh điểm năm 2020 gia đình anh có 80 đàn ong.

Không chỉ nuôi ong lấy mật, anh Hưng còn cung cấp nguồn giống cho người dân có nhu cầu.

Anh cho biết: “Thực sự là thành công ngoài mong đợi. Vì ban đầu chỉ nghĩ nuôi lấy mật ong dùng cho gia đình là chính. Trung bình, một đàn (bọng) ong một năm cho khoảng 10 chai mật. Mật được lấy chỉ trong khoảng thời gian từ cuối tháng 2 đến tháng 9, sau đó để ong nghỉ ngơi, ngủ đông. Mỗi năm, trừ mọi chi phí, tôi được lãi hơn 80 triệu đồng từ nuôi ong”.

Nghị lực của người đàn ông khuyết tật

Anh Đỗ Duy Hưng hi vọng mang đến cho người tiêu dùng nguồn mật ong chất lượng

Từ thành công của bản thân, anh Đỗ Duy Hưng còn mạnh dạn đề nghị với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi đăng ký tham gia chuyển giao kỹ thuật nuôi ong cho NKT, thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam.

Đến nay, đã có 12 hộ dân thanh công nhờ học hỏi kinh nghiệm nuôi ong từ anh. Ngay ở thời điểm tôi ghé thăm nhà, bác Sinh - một thương binh là người địa phương cũng đến gặp, nhờ anh Hưng làm cầu nuôi ong. Bác cho biết: “Ở đây, chú Hưng được mệnh danh là ông chủ của những đàn ong đấy. Chú ấy không chỉ nuôi ong giỏi mà còn tận tình hướng dẫn, giúp đỡ nhiều gia đình trong xã có nhu cầu, “mát tay” với nghề lắm”.

Vượt lên số phận bất hạnh, xây dựng kinh tế gia đình bằng chính đôi bàn tay, khối óc và nghị lực bản thân, anh Đỗ Duy Hưng còn đồng cảm với những số phận kém may mắn.

Hưởng ứng chương trình “Cùng em đến trường” do Hội bảo trợ NKT và trẻ mồ côi huyện Hà Trung phát động, gia đình anh Hưng đang hỗ trợ mỗi năm 2.400.000 đồng cho em Nguyễn Tuấn Anh - một trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (bố là NKT đã mất vì ung thư, mẹ bỏ đi khi em mới 10 tháng tuổi) trên địa bàn xã Hà Tân.

Anh Hưng chia sẻ: “Bản thân đã trải qua những bất hạnh cuộc sống nên tôi hiểu được ý nghĩa của sự sẻ chia, giúp đỡ. Mỗi người “cho” đi một chút, cũng là cách chúng ta đang “gieo” những mầm thiện trong cuộc đời này”.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]