(vhds.baothanhhoa.vn) - So về tuổi đời, nhà thơ Lê Đáng (hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa) cách tôi quãng độ gần một con giáp. Nhưng hễ lúc nào gặp chị, tôi cũng bị cái sự trẻ trung, nhiệt huyết, yêu đời và niềm đam mê dành cho thơ của chị làm cho ghen tỵ. Đọc thơ của chị thấy vừa cá tính vừa mềm mại, ướt át; vừa rất đời mà cũng rất phiêu diêu... Dẫu cuộc sống còn nhiều bộn bề, lo toan, Lê Đáng vẫn cứ nồng nàn, vẫn cứ tình tứ thơ.

Nhà thơ Lê Đáng - người viết những câu thơ hạnh phúc giữa đời thường

So về tuổi đời, nhà thơ Lê Đáng (hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa) cách tôi quãng độ gần một con giáp. Nhưng hễ lúc nào gặp chị, tôi cũng bị cái sự trẻ trung, nhiệt huyết, yêu đời và niềm đam mê dành cho thơ của chị làm cho ghen tỵ. Đọc thơ của chị thấy vừa cá tính vừa mềm mại, ướt át; vừa rất đời mà cũng rất phiêu diêu... Dẫu cuộc sống còn nhiều bộn bề, lo toan, Lê Đáng vẫn cứ nồng nàn, vẫn cứ tình tứ thơ.

Nhà thơ Lê Đáng - người viết những câu thơ hạnh phúc giữa đời thườngChân dung nhà thơ Lê Đáng.

Niềm yêu thích, đam mê văn chương được nhen nhóm tự bao giờ, nhà thơ Lê Đáng không thể hình dung tường tận. Chỉ biết rằng, chị bắt đầu những trang viết đầu tiên từ năm 2017, khi đang theo học thạc sĩ lý luận và phương pháp văn, Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Và kể từ quãng ấy, ngôn ngữ thơ cứ thế quyện chặt trong đời sống tâm hồn chị. Nó gần gũi, thân thuộc, tự nhiên, thủy chung và tận hiến như người tình không bận tâm lời ước hẹn.

Ngược xuôi giữa đời thường...

Thăng hoa trong cảm xúc, đó là một điều không hề dễ, nhất là khi ta vẫn phải hằng ngày, hằng giờ quay cuồng với cuộc sống mưu sinh, lo toan, bộn bề. Nhà thơ Lê Đáng bước vào “cuộc tình” với thơ từ bao sự bộn bề như thế. Lê Đáng là người mẹ đảm của 4 đứa con, là cô giáo dạy văn dễ mến của nhiều thế hệ học trò, là “nữ tướng” sát cánh cùng chồng xông pha “thương trường”, nghề tay trái làm bất động sản, vừa rồi lại nỗ lực làm chủ một quán cà phê khá đông khách... Nghĩa là ngay giữa đời thường, Lê Đáng đóng nhiều vai, vai nào cũng muốn tròn đầy. Vì vậy nên Lê Đáng lúc nào cũng tất bật, tính toán tiền bạc cũng chẳng chi li bằng thời gian. Bao giờ Lê Đáng hẹn: “Đúng 9 giờ, chị em mình gặp nhau nhé” mà chỉ cần chậm trễ chút thôi là vuột mất chị. Hẹn hò nhau được rồi cũng chẳng thảnh thơi mà nhâm nhi cho trọn cốc cà phê. Ríu rít nói chuyện thơ phú nhưng em thì nghển cổ nói vọng từ ngoài vào, chị thì luôn tay pha chế, miệng vẫn trả lời rất duyên. Bập bõm vậy mà chuyện thơ vẫn cứ vui, rôm rả, hai chị cười ngặt nghẽo.

Chờ Lê Đáng nghỉ tay, nhấp ngụm cà phê, tôi hỏi:

- Bận bịu, lo toan thế thì thời gian, tâm hồn nào chị dành cho thơ?

Nhà thơ Lê Đáng cười bảo: Không phải ở giai đoạn nào mình cũng có thể viết được. Mình không thể viết lý luận phê bình nếu mình không tìm được sự tri âm với con chữ, tác giả. Mình phải trò chuyện được với con chữ để thấy được sau “cánh đồng chữ” ấy là chân dung, diện mạo tinh thần của người viết. Đối với thơ cũng vậy. Nếu cảm nhận về thế giới xung quanh một cách hời hợt sẽ không thể làm thơ nhưng nếu tâm mình quá chấp niệm thì cũng không thể bật lên những ý thơ sâu sắc, chạm vào cảm xúc độc giả. Bởi lẽ, cốt lõi của thơ nó là cảm xúc. Nếu bạn nghĩ hôm nay mình sẽ viết một bài thơ, bạn chưa chắc đã viết được. Chỉ khi bạn cảm nhận thật kỹ về đời sống, thăng hoa với cảm xúc thì lúc ấy thơ mới thực sự là thơ”.

- Vậy những câu thơ của chị được viết như thế nào?

- Viết bên ly cà phê, viết bên những tiếng ồn ã bên ngoài, xô bồ cuộc sống. Và viết ngay trong những khoảng thời gian bận bịu nhất của mình, có cả những khoảnh khắc vừa ôm con nhỏ, vừa cho con bú, vừa viết. Lê Đáng trả lời rất nghiêm túc. Trong ánh mắt, nụ cười của chị, tôi cảm nhận được những khoảnh khắc ấy đã đem lại cho chị niềm hạnh phúc rất riêng.

Thơ... là hành trình đi đến tận cùng cảm xúc

Lê Đáng đã là nhà thơ quen thuộc của nhiều độc giả trong và ngoài tỉnh với nhiều tác phẩm thơ, lý luận phê bình đăng tải trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương; từng đoạt giải tại cuộc thi “Sáng tác văn học trẻ” do Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức năm 2018. Lê Đáng cũng đã ra mắt bạn đọc tập thơ đầu tay với nhan đề rất gợi: “Đò ngang ngược sóng” (2021, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn). Hơn 70 bài thơ được đưa vào tập thơ, xoay quanh những chủ đề chính: tình yêu, gia đình, quê hương, thế sự... Trong đó, chiếm phần lớn dung lượng tác phẩm là những vần thơ tình.

Rất dễ nhận thấy một điều, thơ tình của Lê Đáng mềm mại, nồng nàn, đắm say, ướt át. Yêu như là tận hiến: “Người rũ cuộc sống Đế Vương/ vật vã kiếm em vui đời hành khất/ bỏ lại sau lưng tính toan được mất/ “Bên em - chốn ấy... thiên đường/ Em viết câu thơ hạnh phúc giữa đời thường/ bí mật về cuộc kiếm tìm và gặp gỡ/ duyên trước năm trăm lần ngoái đầu đến bây giờ ta vui vì mắc nợ/ trả tận những kiếp sau” (Tình yêu là gì...?)... Những ấm nóng, rạo rực, hân hoan của tình yêu đủ sức hồi sinh những điều tưởng như là thường: “Có lúc nào em không nghĩ về anh/ Gương mặt ấy... nụ cười và ánh mắt/ Những cái nắm tay, những vòng ôm thật chặt/ Giữa biển chiều con sóng cũng xô nghiêng/ Xa nhau rồi kỷ niệm có vùi quên?/ Khi hơi thở đã từng nghe rất thật/ May mắn biết yêu - đâu tính toan được mất/ Chỉ sống một lần, mình đã sống cho nhau” (Tự cảm). Chữ tình trong thơ Lê Đáng bao giờ cũng mang sức nặng của sự tròn đầy, thăng hoa, là “bản giao hưởng đôi trái tim lênh loang”. Tròn đầy không phải là ý niệm của vẹn toàn, sóng đôi mà đó là dâng tràn trong xúc cảm. Nên đôi thật tốt, rẽ ngang, cách biệt cũng không sao, điều quan trọng là đôi ta đã sống trọn với từng thăng hoa trong cảm xúc: “Ta đi tìm nhau (có lẽ) từ khi Đất Trời chưa phân ranh giới/ Tìm nhau lúc vạn vật hỗn mang/ Tìm nhau giữa tăm tối sình lầy/ Khi bông hoa chưa biết nở/ Con chim chưa biết hót/ Con bướm chửa biết bay/ Mặt trời còn trốn đâu đây/ Ta đã tìm nhau.../ Mặt trời thương tình Mặt trời mới nhô cao/ Con chim động lòng líu lo ca hát/ Bông hoa ban bung mình khao khát/ Ta đã gặp nhau...” (Ta đã yêu như thế...).

Đọc tập thơ “Đò ngang ngược sóng” của Lê Đáng, trong không gian tình yêu nồng nhiệt ấy, độc giả như đang chìm vào những dòng suy tưởng, đối thoại của anh và em. Những vần thơ em viết cứ da diết, nồng nàn nhưng không kém phần quyết liệt, mạnh mẽ, vừa rất cuồng nhiệt mà vẫn luôn lý trí, tỉnh táo làm chủ cuộc yêu: “Người mang tình cảm ra chia/ Ta cho người tất, ta về tay không”; “Em đã sống cuộc đời sóng bể/ Ghềnh thác cuộc người chênh mấy cũng cân”. Đừng ngộ nhận rằng yêu là yêu đến cuồng si, là chìm đắm dẫu biết vô vọng, là hố sâu vực thẳm mới là hết lòng yêu. Em yêu theo cách của riêng mình: “Khi ngũ vị cay, ngọt, mặn, chát không còn đọng đầu môi/ Cả cái đắng cũng chẳng còn thú nữa/ Mặc giữa trời đông nồng hương sữa/ Mình đi về phía không nhau”. Với em, anh là một niềm riêng nhất: “Em đã cất anh vào một miền riêng/ Lặng lẽ thiêng liêng chỉ mình em biết” (Ấy là khi câu thơ em ôm chứa mọi vui buồn)... Trong cuộc yêu đắm say ấy, em dường như là người có phần chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ hơn: “Tôi định nói nữa rằng tôi thường chăm chồng nhiều hơn vào những lúc anh ấy dở hơi/ Bằng đôi tay yêu thương và trái tim đầy kiêu hãnh/ Bình thản rót nụ cười vào khoảng chông chênh của ngày sâu thẳm/ Thắp lửa tin yêu... sỏi đá cũng hữu tình”. Vì tình yêu, em trút bỏ dần những “gai nhọn” dẫu biết rằng phần nào sẽ đớn đau: “Vườn của anh/ cây trái của anh/ em giữ cho em những đóa hồng/ long lanh sắc thắm đầy kiêu hãnh/ trút bẻ gai dần để yêu anh” (Của anh và em).

Ở chiều ngược lại, anh hiện diện trong những câu thơ rất đời thường, trong những nhớ nhung, suy tưởng rất thật. Dường như, trước em, cảm giác anh có đôi chút ngập ngừng, hiền lành quá: “Anh/ người đàn ông không mang nét thư sinh/ chẳng hào hoa phong nhã/ Anh/ Người đàn ông không biết rót mật chắp cánh vào lời nói/ để em vui/ chẳng dám cầm tay em giữa chốn đông người/ Anh lành như đất” (Anh)... Anh yêu em trái tim yêu da diết nhưng đọc câu thơ nào cũng thấy chút rụt rè, bâng khuâng: “Em có biết rằng tôi vẫn mãi đi tìm/ Nông sâu ánh nhìn nhân thế/ Tôi chẳng để ý đâu, biết rằng đời dâu bể/ Chỉ sợ khoảng trống em tôi biết lấp sao đầy” (Giấc trưa của biển). Ấy vậy nhưng, anh chính là mảnh ghép em tìm kiếm, là nét dung hòa với tính cách, là chốn yên bình để em tin tưởng tựa vào: “Anh/ người đàn ông lặng nhìn khi thấy em một mình đối diện bóng đêm/ trở trăn cùng những vần thơ, những bản nhạc tình sầu muộn/ kiên nhẫn chờ em trút tận dỗi hờn”. Rồi cũng là anh, anh vì em mà biết lấp đi những vụng về, vì em mà lãng mạn cùng: “Anh đan sợi nắng vàng hong trên khoé mắt/ vụng về viết những vu vơ/ rướn mình khều mảnh trăng trời dát bạc/ nâng niu khóm hoa dại bên đường/ bằng chan chứa yêu thương”.

Trong cả tập thơ “Đò ngang ngược sóng”, Lê Đáng chủ yếu sử dụng thể thơ tự do để bộc lộ cảm xúc, trải tiếng lòng mình. Viết về đề tài muôn thuở như tình yêu, Lê Đáng không đi vào lối mòn cũ, sáo rỗng. Lê Đáng dẫn dụ bạn đọc đi qua thang bậc cảm xúc bằng ngôn ngữ, hình ảnh thơ trong sáng, giọng thơ mượt mà, đắm say vị tình, vị đời, chiêm nghiệm, suy tư. “Mình là người trong cuộc, yêu như thế, thương như thế nên mình không thể viết khác được. Nó là đời sống thực, cảm xúc thực đi vào trong thơ” - nhà thơ Lê Đáng tâm sự. Những câu thơ của Lê Đáng là ngôn ngữ bật nẩy từ cảm xúc chân thật. Bởi vậy, ngoài những bài thơ tình (là chủ đạo), những bài thơ thế sự (tuy chiếm tỷ lệ không nhiều) nhưng đủ sức ghi dấu ấn, hấp dẫn bạn đọc (Chiều trên mặt bằng thị trấn, Phía sau ô cửa, Buông, Viết ở khu cách ly,...). Với chị, sống và đi đến tận cùng cảm xúc là niềm hạnh phúc, dẫu đó là giữa đời thường hay chân trời sáng tạo...

Bài và ảnh: Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]