(vhds.baothanhhoa.vn) - Manh nha từ cuối năm 2007, cuối năm 2011 làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng (xã Xuân Hòa, Như Xuân) cơ bản hoàn thành, đi vào hoạt động, do Tỉnh Đoàn Thanh Hóa làm chủ đầu tư theo nguồn vốn của Trung ương Đoàn. Làng thanh niên hiện đã được chuyển thành thôn Thanh niên, nhưng 141 hộ dân tại đây vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều hộ dân thôn Thanh Niên “khát” sổ đỏ

Manh nha từ cuối năm 2007, cuối năm 2011 làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng (xã Xuân Hòa, Như Xuân) cơ bản hoàn thành, đi vào hoạt động, do Tỉnh Đoàn Thanh Hóa làm chủ đầu tư theo nguồn vốn của Trung ương Đoàn. Làng thanh niên hiện đã được chuyển thành thôn Thanh niên, nhưng 141 hộ dân tại đây vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Đầu năm 2014, trong chuyến thăm tại làng thanh niên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chỉ đạo: “Xây dựng làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng (Như Xuân) thành điểm sáng về phát triển kinh tế để nhân dân trong vùng học tập.”

Có thể nói, Dự án “Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng” dưới sự quản lý của Tổng đội TNXP, được kỳ vọng cao bởi tính khả thi, hiệu quả. Mục tiêu của dự án là góp phần vào việc di dân, giãn dân, bảo vệ hành lang đường Hồ Chí Minh, củng cố mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, xây dựng tổ chức đoàn, hội vững mạnh tại những đơn vị khó khăn. Trong đó, ưu tiên bộ đội xuất ngũ, thanh niên đậu đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đặc biệt có chuyên môn trong lĩnh vực lâm nghiệp, hộ dân làm nông nghiệp vùng dự án...

Trên tổng diện tích 600 ha, Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng thu hút trên 141 hộ gia đình thanh niên từ các khu vực đến sinh sống, tập trung phát triển kinh tế, phân chia thành 4 cụm dân cư. Theo đó, nhằm tạo cơ chế, động lực giúp hộ dân yên tâm sản xuất, mỗi đoàn viên thanh niên khi định cư tại đây được cấp 400m2 đất ở, 3,2ha đất canh tác, cùng nhiều chính sách khác...

Thế nhưng, đã nhiều năm trôi qua, nhiều hộ dân sinh sống tại đây vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Không những vậy, thời gian qua, hàng chục ngôi nhà bỏ hoang, vắng bóng người, cây cối mọc um tùm, rậm rạp, nhiều hạng mục công trình xuống cấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Nhiều hộ dân ở thôn Thanh Niên, xã Xuân Hòa (Như Xuân) đóng cửa chuyển đi nơi khác do gặp nhiều khó khăn.

Bà Khương Thị Thiết (SN 1958, cụm dân cư số 3) cho hay: Từ khi bà theo vợ chồng con trai lên Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng lập nghiệp, phát triển kinh tế, cuộc sống ban đầu hết sức khó khăn, các cháu dưới 6 tuổi không được làm thẻ BHYT, cùng nhiều chính sách vùng khó khăn khác.

Anh Lô Văn Dao ( SN 1983, cụm dân cư số 1) lên đây từ năm 2011, cho hay: “Nói không quá chứ mãi đến cuối năm 2017, người dân ở làng thanh niên này mới được thụ hưởng các chính sách về an sinh xã hội, làm thẻ BHYT. Trước đây, người dân không được hưởng bất kỳ một chính sách hỗ trợ đặc thù nào của vùng khó khăn”.

Được biết, mặc dù các chính sách đã về với người dân, tuy nhiên nhiều nhà đến nay không có nước sinh hoạt, phải mua nước bình về nấu, tắm giặt nhờ ở những nhà khác.

Hơn 7 năm sinh sống, định cư, anh Lê Nhật Duyệt (SN 1986, cụm dân cư số 2) trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, đổi thay ở đây. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, giọng nói ngượng nghịu như lần đầu tiếp xúc với báo chí, anh cho biết ước mơ lớn nhất bây giờ của gia đình cũng như hơn 141 hộ dân sinh sống ở Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng là được cấp “sổ đỏ”. Bởi theo anh “an cư thì mới lập nghiệp” được.

Thực tế, các hộ tuy được cấp đất ở và đất sản xuất, song đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tháng 9/2017, thể theo nguyện vọng của người dân, Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng được công nhận là thôn Thanh Niên, thuộc xã Xuân Hòa với 124 hộ/320 nhân khẩu. Lúc này, công dân Làng thanh niên lập nghiệp mới được hưởng đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ, đồng thời thụ hưởng các chính sách về giáo dục, y tế, chính sách vùng khó khăn... như những công dân ở những nơi khác.

Anh Hoàng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh Hóa, cho biết: “Đến nay, 100% người dân sinh sống, làm việc tại Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng đều được thụ hưởng nhiều chính sách của Nhà nước, đời sống cơ bản cải thiện. Cái khó lớn nhất hiện nay là công tác cấp quyền sử dụng đất ở, giao đất sản xuất cho các hộ dân chưa được tháo gỡ, dẫn đến việc thế chấp vay vốn của hộ dân gặp khó khăn. Hiện, vẫn chưa có tổng đội trưởng, tổng đội phó chuyên trách điều hành quản lý của tổng đội; cán bộ của tổng đội chưa đủ so với đề án...”

Cũng theo anh Thanh, sắp tới Tỉnh Đoàn Thanh Hóa sẽ xin ý kiến Trung ương Đoàn bàn giao đất ở, đất sản xuất cho tỉnh Thanh Hóa, giao UBND huyện Như Xuân chỉ đạo phòng TN&MT tiến hành đo đạc, cắm mốc, tiến tới cấp sổ đỏ cho 141 hộ dân Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng, đồng thời Tỉnh Đoàn được phép giao khoán cho các hộ dân...

Con đường “an cư, lạc nghiệp” của 141 hộ dân Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng vẫn còn nhiều gian nan, hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan, đoàn thể, người dân nơi đây sẽ sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, đúng như lời căn dặn của Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]