(vhds.baothanhhoa.vn) - Nỗi đau đuối nước đã và vẫn đang hiện hữu trong đời sống hàng ngày, ở bất cứ đâu. Để rồi nhìn lại những con số thống kê người tử vong vì đuối nước chúng ta không khỏi giật mình xót xa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗi đau... thủy thần

Nỗi đau đuối nước đã và vẫn đang hiện hữu trong đời sống hàng ngày, ở bất cứ đâu. Để rồi nhìn lại những con số thống kê người tử vong vì đuối nước chúng ta không khỏi giật mình xót xa.

Dù đã hơn nửa tháng xảy ra sự việc đau lòng, người dân xã Tây Hồ (Thọ Xuân) vẫn ám ảnh bởi cái chết thương tâm do đuối nước của em Nguyễn Tuấn A, lớp 7A (Trường THCS Tây Hồ). Một người dân cho biết: Ngày 21/5, khi cháu Tuấn A đi lao động dọn vệ sinh tại trường, vì trời nóng đã cùng các bạn trong lớp ra sông Bàn Thạch (Nông giang) gần trường để tắm. Sông Bàn Thạch có những chỗ sâu đến 8m, chảy qua địa bàn hơn 20 xã trên của huyện Thọ Xuân. Vì không biết bơi, lại trượt chân vào chỗ nước sâu nên cháu gặp nạn.

Sông Bàn Thạch (Thọ Xuân) khu vực xảy ra tai nạn đuối nước đau lòng.

Chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của bà Đỗ Thị Bảy (bà ngoại cháu Tuấn A), nỗi buồn và tang thương vẫn đang bủa vây cả không gian. Trong lời kể rưng rưng của mình, bà Bảy cho biết: “Bố mẹ cháu li hôn khi cháu mới hơn một tuổi, kể từ đấy mẹ con cháu về ở với ông bà. Cháu là đứa trẻ chăm ngoan, được thầy cô và bạn bè quý mến. Ai có thể ngờ cháu ra đi khi tuổi trẻ đầu xanh...”

Còn mẹ cháu, chị Lê Thị Nguyệt suy sụp hẳn kể từ khi con mình gặp nạn: “Thấy con thiếu thốn tình cảm khi còn nhỏ, một người mẹ cứ nghĩ cố gắng làm lụng, không quản vất vả để bù đắp cho cháu. Nhưng không ngờ... khi nghe tin con mình gặp nạn, em mới biết mình đã mất đi tài sản lớn nhất của cuộc đời. Mọi cố gắng của người làm mẹ chẳng còn nghĩa gì khi không còn con. Từ nhỏ đến khi gặp nạn, mỗi khi hỏi cháu về ước mơ của mình, cháu thường nói chỉ mong có một gia đình có bố và mẹ, để mỗi dịp lễ, tết con không thấy mình cô đơn... Điều tưởng chừng như tất yếu của mọi đứa trẻ lại là ước mơ của con mình, nhưng em cũng không làm được cho con...”.

Câu chuyện của chị với tôi bị gián đoạn bởi nhiều lần nước mắt tuôn rơi. Và tôi hiểu, đó không chỉ là giọt nước mắt xót con. Ở đó, còn là sự tự vấn, trách mình của một người mẹ. Rời căn nhà ấy, tôi cũng tự hỏi mình, đứa trẻ kia có một giađình đúng nghĩa, sự quan tâm bao bọc thực sự của người làm cha, mẹ thì sinh mệnh của em... liệu có khác!

Cũng trên sông Bàn Thạch đoạn chảy qua xã Tây Hồ, năm 2016 đã xảy ra trường hợp em Nguyễn Văn Th. (10 tuổi) khi đi câu cá, không may bị trượt chân, gặp nạn đuối nước. Cùng với đó là trường hợp của cháu bé Lê Bảo Tr. (3 tuổi) con gái anh Lê Huy Sơn, trú tại thôn 2 do sự bất cẩn, sơ ý của gia đình đã rơi xuống sông tử vong...

Trường hợp cháu bé 4 tuổi Lê Đức Q. (thôn 13 xã Bắc Lương), huyện Thọ Xuân cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm của người lớn. Theo lời kể của gia đình, vào sáng ngày 1/4/2018 chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy một giờ đồng hồ do người lớn sơ ý không để mắt khiến cháu tự đi ra bờ ao nhà hàng xóm chơi và đuối nước. Chị Lê Thị Lan, mẹ cháu tâm sự: “Bây giờ có nói gì thì cháu cũng không thể trở lại. Chỉ tự trách mình về sự sơ suất, bất cẩn... khiến con trẻ gặp nạn mà thôi”.

Và gần đây nhất là vụ việc đuối nước xảy ra ngày 8/4 tại xã Phú Sơn (Tĩnh Gia) khiến dư luận không khỏi bận tâm. Vì sự bất cẩn của người lớn đã khiến ba cháu nhỏ tử vong ngay tại khu vực ao gần nhà. Sự ra đi của con trẻ vĩnh viễn không thể thay đổi. Có chăng sau đó là nỗi đau và tự trách mình của người lớn. Tuy nhiên, mọi chuyện xảy ra đã quá muộn để rồi người trong cuộc chỉ còn biết nhắc đến hai từ “giá như”.

Dạy trẻ học bơi là một trong những kỹ năng cần thiết để phòng, chống đuối nước.

Ông Lê Viết Minh - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thọ Xuân cho biết: “Để phòng, chống nguy cơ và hiểm họa do đuối nước, song song với công tác tuyên truyền để người dân hiểu về nguy cơ đuối nước thì huyện Thọ Xuân cũng tổ chức, phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở các lớp dạy hè của các cháu nhỏ trong độ tuổi (6-14). Bên cạnh đó, với các xã xa trung tâm thì huyện có chính sách hỗ trợ kinh phí để mỗi xã lắp đặt bể bơi mi ni tại trường tiểu học để dạy bơi cho các em học sinh...”.

Thanh Hóa là tỉnh với diện tích lớn, dân số đông, trong đó năm 2017, tổng số trẻ em trên địa bàn tỉnh là hơn 880.000 (đứng thứ ba cả nước). Và theo thống kê, trong năm 2017 cả tỉnh đã ghi nhận 84 trường hợp trẻ bị tử vong vì tai nạn, thương tích. Trong đó có 72 trường hợp tử vong vì đuối nước.

Bà Lê Thị Tuyết - Phó Phòng Bảo vệ Chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Để giảm thiểu tối đa nguy cơ đuối nước xảy ra với trẻ em cần thiết có sự tăng cường quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; nâng cao nhận thức về việc giáo dục kỹ năng sống (kỹ năng phòng, chống đuối nước) ở trẻ...”.

Theo đó, để phòng, chống nguy cơ đuối nước, mỗi năm Sở LĐ-TB&XH có chương trình phối hợp với các huyện mở lớp dạy bơi cho các cháu trong độ tuổi. Năm 2018 có 3 lớp học ở ba huyện Đông Sơn, Nông Cống, Hoằng Hóa đã và đang được triển khai với tổng số hơn 100 cháu được học bơi. Tính đến hết năm 2017, cả tỉnh có 51 bể bơi trên địa bàn 18 huyện, thị, thành phố đã và đang tổ chức dạy bơi cho trẻ em.

Được biết, trong thời gian tới Thanh Hóa là một trong 8 tỉnh của cả nước được thụ hưởng “Dự án hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam”, dự án do Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với chương trình Vận động chính sách y tế toàn cầu thuộc “chiến dịch hành động vì trẻ em không thuốc lá” của Hoa Kỳ thực hiện.

Hy vọng với những chương trình, dự án phòng, chống đuối nước được triển khai. Cùng với các chính sách cụ thể. Và việc nâng cao tinh thần, trách nhiệm, ý thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng người dân, những sự vụ đau lòng xảy ra do đuối nước được can thiệp và giảm thiểu tối đa. Để đuối nước, thực sự không còn là nỗi ám ảnh!

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]