(vhds.baothanhhoa.vn) - Hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thương Hiền đã dành cả thanh xuân cho nghề và những âu lo về sự tồn tại của nghệ thuật truyền thống giữa cơn bão kinh tế thị trường.

NSƯT Thương Hiền: Không thể níu kéo mùa xuân khi trời đã sang hạ

Hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thương Hiền đã dành cả thanh xuân cho nghề và những âu lo về sự tồn tại của nghệ thuật truyền thống giữa cơn bão kinh tế thị trường.

NSƯT Thương Hiền: Không thể níu kéo mùa xuân khi trời đã sang hạ

Thương Hiền từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã có năng khiếu ca hát. Giữa lúc đang ôn cuối cấp và thi đại học, nghe tin có tuyển diễn viên chị và một số người bạn của mình quyết định tham gia. “May mắn gia đình tôi rất tiến bộ. Bố tôi cầm tờ giấy báo trên tay đã nói: Nghề nào cũng đáng tự hào, trong gia đình có một người làm diễn viên thật là hay. Và tôi đã rẽ sang nghệ thuật thay vì truyền thống sư phạm của cả gia đình", chị Thương Hiền chia sẻ.

Vào trường, cái duyên đầu tiên là chị được xếp vào khoa sân khấu. Những câu chèo bắt đầu ngấm từ đó để rồi ngay sau khi vào đoàn nghệ thuật chèo chị lập tức được nhận vai chính thứ. Và những năm tiếp theo chị liên tục giành được huy chương vàng các kỳ hội diễn và liên hoan sân khấu chèo toàn quốc.

Có lẽ hành trình nghệ thuật của NSƯT Thương Hiền xuôi chèo mát mái hơn những người khác, bởi chị sinh ra đúng thời mà nghệ thuật truyền thống đang phát triển, khán giả có xu hướng quay về và tìm kiếm những giá trị truyền thống, xã hội cũng vừa dứt khỏi cơ chế bao cấp dịch chuyển sang kinh tế thị trường.

Chị nhớ lại, năm 2001, bước ngoặt lớn trong hành trình nghệ thuật là chị can đảm nhận vai Súy Vân trong vở “Súy Vân giả dại”. 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 1 Bằng khen cho cá nhân chính là trái ngọt của hơn 3 tháng ròng rã tập để tham gia Hội diễn Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc. Tiếp sau đó, năm 2005, vai diễn Cốm trong “Cà phê chín đỏ” đã mang về cho chị thêm chiếc Huy chương Vàng và vở diễn được xếp vào một trong 4 tác phẩm hiện đại hay nhất trong tổng số 18 đơn vị tham gia Hội diễn Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 2011, tại Liên hoan Sân khấu Chèo toàn quốc về đề tài hiện đại ở Thái Bình, khi thử sức với vai Đào lệch trong vở “Vẹt” cũng đã mang về cho chị thêm 1 tấm Huy chương Vàng.

Chia sẻ về sự may mắn, NSƯT Thương Hiền cười: “Chẳng có con đường nào ta đi mà không có những gập ghềnh. Nói đi thì phải nói lại, nếu không tạo được niềm tin cho ban lãnh đạo, ban chuyên môn, không có sự yêu và đam mê nghề thì liệu nghề có tìm đến mình. Thời gian mới vào đoàn, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Đi diễn cả tháng ở miền núi, xa và nhớ con, khi về nhà thật buồn vì con không nhận ra mẹ. Yêu nghề là vậy, nhưng không tránh khỏi nhiều khoảnh khắc muốn buông bỏ để cuộc sống gia đình đỡ cực. Nhiều khi tôi phải tự động viên, gồng mình dậy và tự an ủi: Mình như con chim đang cất tiếng hót, tự nhiên không hót nữa thì còn gì niềm vui và lý tưởng. Sống thế thì chỉ là sự tồn tại”.

Và chị đã vượt qua từng nấc của sự khó khăn về kinh tế và tinh thần. Từ năm 2009 đến năm 2014 là giai đoạn thăng hoa cả trong nghệ thuật và kinh tế với chị. Để đến giờ chị vẫn nghĩ, sự may mắn nhất chính là chị đã đi đúng hướng và không bị chùn bước.

Ngoài tài năng thì hơn hết là sự khổ luyện thành tài, luôn luôn học hỏi lắng nghe. Vì thế, kể cả đến lúc này, hàng đêm chị vẫn mở YouTube nghe các đàn anh đàn chị ở Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Chèo Việt Nam... mà học hỏi. Nghe và thấm, thấm rồi thì sẽ gửi hồn mình vào từng câu chèo, từng số phận nhân vật. Chị chia sẻ: Nhiều người không thành công vì họ phân tâm, còn sống với hiện tại mà chưa sống với vai diễn, chưa nhập hồn vào nhân vật. Có thể vì thế mà khi diễn vai Súy Vân, mới ngoài 24 tuổi, gầy gò chỉ chưa đầy 40kg, chị đã phải độn áo bông để người to lớn hơn. Những bi thương, bất hạnh, hạnh phúc của Súy Vân khiến chị không ít lần rơi nước mắt. “Cuộc đời mình cũng na ná như cô Súy Vân, có những nỗi buồn, bất hạnh, có sự khủng hoảng trong đời sống gia đình, vì thế mà tôi nhập tâm hoàn toàn vào vai diễn. Đặc biệt trong màn cuối cùng khi Súy Vân đứng bờ đê để buông mình xuống sông, tôi tưởng như đó là sự giải thoát cho chính mình”.

Thời gian trôi, mỗi tuổi mỗi già đi, nhưng lửa nghề không bao giờ hết, chẳng lâu nữa chị sẽ là khán giả ngồi xem các thế hệ sau mình diễn trên sân khấu. “Tôi lo lắm, mọi chi phí, sinh hoạt đều theo số tiến, nhưng chi phí đầu tư cho nghệ thuật thì lại vào số lùi. Cơ chế là vậy, mà tâm huyết của các nghệ sĩ trẻ giờ cũng giảm sút nhiều. Sống trong không khí nghệ thuật thế này, và trong hoàn cảnh như bây giờ chắc gì thế hệ chúng tôi đã thành công? Ngày xưa chúng tôi được đi diễn miền núi, người dân chờ đợi và háo hức. Điều đó tạo cho diễn viên sự yêu nghề, diễn xong một vai diễn thì được vỗ tay không ngớt, mỗi lần di chuyển từ vùng này sang vùng kia được các bà các mẹ cho quà là vài củ khoai, bắp ngô. Đó là chất xúc tác, là động lực để nghệ sĩ yêu nghề, không muốn phụ lòng khán giả, phải cố gắng hoàn thiện mình hơn. Còn giờ đây khán giả đến với nghệ sĩ ít lắm rồi, họ lựa chọn cho mình một hình thức thưởng thức nghệ thuật khác. Mỗi lần đi diễn với diễn viên là trách nhiệm phục vụ, với người xem, đôi khi sự tập trung chỉ dồn vào màn hình điện thoại. Để các nghệ sĩ trẻ thành công, có lẽ không chỉ dùng từ tâm huyết, đam mê mà còn là kiên cường và có lý tưởng”.

Rồi chị kể về chuyện ngày xưa: “Đến nhà hát lúc ấy như bước vào không gian khác. Từ cửa đã nghe tiếng trống, phách, đàn, sáo nhị rộn ràng. Còn chưa kể ở khu tập thể nhà hát, tiếng luyện giọng vang lên quanh mỗi ngôi nhà. Chính điều đó tạo sự hưng phấn và giữ lửa nghề cho các nghệ sĩ. Giờ đây, các em lo chạy show, tìm việc làm, hết thời gian để luyện hát. Đặc biệt, hát bolero, hát dân ca nhiều thì dễ mất màu sắc của chèo. Sẽ chẳng bao giờ có được không khí ngày xưa!”.

30 năm gắn bó với nghề, chứng kiến những thay đổi, sát nhập của các đoàn nghệ thuật xứ Thanh. Hiện chị làm Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn Nghệ thuật Dân ca dân vũ, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa. Công việc mới giúp chị có thêm những niềm vui vì chị có thêm thời gian, điều kiện để hiểu về sự phong phú của các làn điệu dân ca, dân vũ xứ Thanh. Tuy nhiên, là lãnh đạo đoàn mà không có “quân” đôi khi cũng làm chị chạnh lòng. Mỗi lần có chương trình mới là chị lại phải tìm nhân sự từ các đoàn nghệ thuật chèo, tuồng, cải lương. Dẫu biết đôi khi để thực hiện mơ ước là phải vượt lên hoàn cảnh, nhưng sâu thẳm trong chị là sự chông chênh, lo âu.

Không thể níu kéo mùa xuân khi trời đã sang hạ, cái nắng chói chang ấy khiến người ta dễ mỏi mệt. Sinh năm 1973, nghĩa là NSƯT Thương Hiền sẽ tiếp tục phải chứng kiến thêm một giai đoạn thăng trầm của nghệ thuật truyền thống. Thật khó để tránh được, dẫu biết trước ngày mai, nhưng trái tim đa cảm của nghệ sĩ là vậy, chị vẫn mong chờ, hết hạ thì sẽ có những ngày thu tươi mát, dễ chịu.

Bài và ảnh: Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]