(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu nhắc đến những phụ nữ “vĩ đại” trong lịch sử dân tộc Việt, có thể nào không kể tên Bà Triệu cưỡi voi đánh giặc; người vợ “tào khang” của vua Lê Thái Tổ; Hoàng Thái hậu mẫu mực có công dạy dỗ, hình thành tài năng, nhân cách minh quân Lê Thánh Tông... Những người phụ nữ xứ Thanh - người vợ - người mẹ, bằng tài năng, đức độ và lòng dũng cảm... đã trực tiếp và gián tiếp góp phần làm nên những "nốt thăng" trong lịch sử dân tộc.

Phụ nữ xứ Thanh: Nữ nhân xứ Thanh lưu danh sử sách

Nếu nhắc đến những phụ nữ “vĩ đại” trong lịch sử dân tộc Việt, có thể nào không kể tên Bà Triệu cưỡi voi đánh giặc; người vợ “tào khang” của vua Lê Thái Tổ; Hoàng Thái hậu mẫu mực có công dạy dỗ, hình thành tài năng, nhân cách minh quân Lê Thánh Tông... Những người phụ nữ xứ Thanh - người vợ - người mẹ, bằng tài năng, đức độ và lòng dũng cảm... đã trực tiếp và gián tiếp góp phần làm nên những “nốt thăng” trong lịch sử dân tộc.

Phụ nữ xứ Thanh: Nữ nhân xứ Thanh lưu danh sử sáchĐền thờ Bà Triệu là nơi để Nhân dân xa gần chiêm bái, tưởng nhớ vị vua bà anh hùng.

“Ru con con ngủ cho lành/ Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi/ Muốn coi lên núi mà coi/ Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi, đánh cồng". Bà Triệu là một nhân vật lịch sử - nữ tướng trẻ anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Sinh ra ở vùng núi Quan Yên, nay là xã Định Tiến (Yên Định), từ nhỏ cô gái Triệu Ẩu (Triệu Trinh Nương hay Triệu Thị Trinh) vốn đã có khí chất hơn người, thường ham mê luyện tập võ nghệ. Gặp giai đoạn đất nước bị giặc Ngô xâm lược tàn ác, dù là nữ nhi song Triệu Ẩu đã sớm nuôi chí lớn. Ở tuổi xuân đẹp nhất của người con gái, Triệu Ẩu đã nổi tiếng với câu nói: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”.

Để thực hiện khát vọng, năm 248, khi mới ngoài 20 tuổi (theo các tài liệu sử, Triệu Trinh Nương sinh năm 226) bà và anh trai là Triệu Quốc Đạt chọn đỉnh núi Nưa làm căn cứ khởi binh, chiêu mộ tướng sĩ, ngày đêm luyện tập mưu sự việc lớn. Khi lực đã đủ mạnh, hai anh em cùng dẫn quân xuống đánh thành Tư Phố (ngày nay là phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) - căn cứ quân sự của giặc Ngô trên đất Cửu Chân. Khởi nghĩa đang diễn ra thì thủ lĩnh Triệu Quốc Đạt chẳng may lâm bệnh, qua đời, nữ tướng Triệu Trinh Nương được tướng sĩ tôn làm thủ lĩnh.

Tương truyền, mỗi khi ra trận, Bà Triệu thường mặc áo giáp vàng, cài trâm vàng, đi guốc ngà, cưỡi voi vô cùng uy dũng, chỉ một tiếng thét xung trận cũng khiến giặc khiếp sợ. Bởi vậy mới có câu: “Hoành qua đương hổ dị. Đối diện Bà vương nan”, được hiểu là múa giáo đánh hổ dễ, đối mặt vua bà thì thực khó.

Trước thanh thế của cuộc khởi nghĩa ở đất Cửu Chân do Bà Triệu khởi xướng, nhà Ngô ở phương Bắc vô cùng lo sợ. Chúng vừa tăng cường viện binh đàn áp, vừa tìm mọi cách mua chuộc, hòng nhằm lung lay ý chí Bà Triệu. Chúng phong bà là “Lệ Hải Bà Vương” (Nữ vương xinh đẹp ở vùng biển), rồi cho vàng bạc, châu báu... nhưng chẳng thể làm lay chuyển ý chí của vị vua bà.

Tuy nhiên, khi tương quan lực lượng quá lớn, cuộc khởi nghĩa khó bề chống đỡ, không chấp nhận rơi vào tay giặc, Bà Triệu đã lên đỉnh núi Tùng ở đất Bồ Điền tuẫn tiết. Cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ nhà Ngô do Bà Triệu khởi xướng tuy thất bại song có ý nghĩa to lớn. Tiếp nối Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Bà Triệu biểu thị cho tinh thần bất diệt “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục thời Nguyễn ngợi ca: “Con gái nước ta có nhiều người hùng dũng lạ thường. Bà Triệu Ẩu thật xứng đáng là người sánh vai được với Hai Bà Trưng. Xem thế thì há có phải chỉ Trung Quốc mới có đàn bà danh tiếng như chuyện Thành Phu Nhân và Nương Tử Quân mà Bắc sử đã chép đâu”.

Không uy dũng xung trận như Bà Triệu, Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần - người vợ tào khang của vua Lê Thái Tổ lại chọn cách hy sinh thân mình để chồng làm nên nghiệp lớn.

Người vợ ấy đã nên duyên cùng Lê Lợi từ những ngày ông còn là Phụ đạo Khả Lam. Đến khi chồng xưng Bình Định Vương, nơi núi rừng Lam Sơn phất cờ khởi nghĩa, bà vẫn toàn tâm một lòng theo hầu không nề hà gian khó, hiểm nguy, chăm lo việc quân lương, hậu cần để chồng và tướng sĩ đánh giặc. Năm 1425, khi cùng chồng và nghĩa quân Lam Sơn tiến vào Nghệ An đánh giặc Minh xâm lược thì bà mất.

Tương truyền, khi đến thành Triều Khẩu, nghĩa quân chuẩn bị vượt sông thì sóng gió, giông tố nổi lên mù mịt, người, ngựa, voi đều vô cùng khiếp sợ. Người dân trong vùng cho biết, sông có thần Giản Hộ, cứ ba năm lại phải hiến cho thần một người con gái đẹp. Còn theo sách Đại Việt thông sử: Lê Thái Tổ đến thành Triều Khẩu ở huyện Hưng Nguyên, nơi này có đền thờ thần Phổ Hộ (Giản Hộ). Ban đêm vua mộng thấy có vị thần đến bảo: “Tướng quân cho tôi một người thiếp, tôi sẽ xin phù hộ tướng quân diệt giặc, làm nên nghiệp đế”. Hôm sau vua gọi các bà vợ đến, kể lại giấc mơ và hỏi: “Có ai chịu đi làm vợ thần không? Sau này ta lấy được nước sẽ lập con người ấy làm Thiên tử”. Không ai nói gì, chỉ có bà Phạm Thị Ngọc Trần quỳ xuống, thưa: “Nếu minh công giữ lời hứa thì thiếp nguyện xả thân. Ngày sau làm nên nghiệp lớn chớ phụ con thiếp”. Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi lập ra vương triều Hậu Lê vẫn không quên chuyện ở thành Triều Khẩu năm xưa, bảo rằng: “Bà ấy đáng làm chúa cả trăm vị thần nước ta, không ai dám trái”.

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, minh quân Lê Thánh Tông được sử liệu và dân gian nhắc đến với sự ngợi ca và biết ơn. Dưới sự trị vì của ông, chính trị ổn định, đất nước hùng cường với nhiều thành tựu to lớn, đời sống người dân no đủ. Và theo các sử gia đương thời cũng như hậu thế, ngoài tài năng thiên bẩm, nhân cách của vị vua sáng có được nhờ sự giáo dục, dạy dỗ của mẹ - Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao - người con gái sinh ra ở mảnh đất Đồng Phang nay là xã Định Hòa (Yên Định). Dân gian tương truyền, khi còn nhỏ, có vị dị nhân gặp cô bé Ngọc Dao đã khen ngợi: “Đứa trẻ này ngày sau sẽ trở thành mẹ thiên hạ”. Lớn lên với dung mạo xinh đẹp, Ngô Thị Ngọc Dao vào cung, được vua Lê Thái Tông rất mực yêu quý.

Tuy nhiên, khi vua Lê Thái Tông đột ngột qua đời thì biến cố cũng xảy đến với mẹ con bà. Trải qua bể dâu, con trai Lê Tư Thành (Lê Thánh Tông) lên ngôi, bà được phong làm Hoàng Thái hậu. Nói về con người Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, văn bia Khôn Nguyên Chí Đức tại Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh còn ghi: “Hoàng Thái hậu sinh ra đã có tư chất cao quý, thuần hóa, thiên tư cẩn thận, luôn luôn cần kiệm, không thích xa hoa, may vá thêu thùa chẳng rời tay, cỗ bàn cơm rượu rất biết cách... đối xử với mọi người luôn giữ vẻ ôn hòa... Dùng lễ để thờ người trên, lấy ân để tiếp kẻ dưới... Lấy đức cần kiệm để giáo hóa thiên hạ, dùng điều khoan hậu để khuyên bảo quan gia. Cung kính tông miếu, thờ phụng quỷ thần, điều không đúng lý không làm, việc mà bất chính không đoái... Thánh Tông Hoàng đế tuy là bậc hùng tài đại lược, thần vũ anh minh nhưng luôn kính cẩn chuyên cần nghe theo lời dạy bảo của Thái hậu... Lễ nhạc văn chương được rạng rỡ, sĩ phong dân tục bỗng chốc thuần hậu, đều nhờ ở sức của Thái hậu. Bà nghiêm nhưng không ác, giản dị mà đàng hoàng, chăm chỉ tuân theo lễ pháp... Trong cung không kẻ sang, người hèn nào không gọi là phật sống... Thái hậu là người có công lớn với xã tắc, mưu tính rộng lớn sâu xa, xử trí mọi việc luôn thích đáng... xứng đáng là người đứng đầu trong các vương hậu của nước Đại Việt”.

Dù sinh ra làm phận nữ nhi, song cả cuộc đời mình, Quang Thục Hoàng Thái hậu đã dành toàn bộ tâm huyết, tài năng cho những vị vua nhà Lê. Văn bia Khôn Nguyên Chí Đức khẳng định: “Đối với Thái Tông thì có sự chuyên cần phò tá, đối với Thánh Tông thì có ơn dưỡng dục, đối với thánh thượng (Hiến Tông) thì có tình yêu thương”. Đó chẳng phải là “Phúc đức tại mẫu” như đúc kết của người xưa...

Bà Triệu hay Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần; Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao... là những nữ tiền nhân xuất chúng đã góp phần vào sự “rạng danh” phụ nữ xứ Thanh.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]