(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Kể từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã Yên Thái (huyện Yên Định) như được tiếp thêm một luồng sinh khí mới khiến từ làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng thấy người dân hăng hái làm ăn, cải thiện chất lượng cuộc sống, đóng góp sức người, sức của làm đổi thay nhanh diện mạo của xã. Điều đó ngày càng trở nên rõ nét, nhất là sau khi địa phương nhận được quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2015 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sức sống mới trên quê hương Yên Thái

(VH&ĐS) Kể từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã Yên Thái (huyện Yên Định) như được tiếp thêm một luồng sinh khí mới khiến từ làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng thấy người dân hăng hái làm ăn, cải thiện chất lượng cuộc sống, đóng góp sức người, sức của làm đổi thay nhanh diện mạo của xã. Điều đó ngày càng trở nên rõ nét, nhất là sau khi địa phương nhận được quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2015 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Từ điểm xuất phát thấp

Cách đây 5 năm trước, mảnh đất Yên Thái còn là một vùng quê thuần nông, ngành nghề chưa phát triển; thu nhập bình quân mới chỉ đạt 11,8 triệu đồng/ người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 23,6%; cơ sở vật chất hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, chợ, nhà văn hóa, công sở xã... đều thiếu và yếu, chưa đáp ứng được với yêu cầu của sự phát triển. Trước chủ trương xây dựng NTM của Đảng, mặc dù có được sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị nhưng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng chỉ mạnh dạn xây dựng kế hoạch hoàn thành đến năm 2019. Bởi kết quả khảo sát cho thấy, xã mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí, 11 tiêu chí còn lại đòi hỏi phải mất rất nhiều kinh phí, thời gian mới có thể đạt được.

Vì vậy, để tiết kiệm tối đa thời gian, ngay sau khi tiếp thu chủ trương, kế hoạch của cấp trên, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã quán triệt sâu sắc; đồng thời xây dựng nội dung chương trình thông qua Đảng bộ - HĐND thành chủ trương, nghị quyết lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, Đảng ủy đã thành lập BCĐ xây dựng NTM do đồng chí Bí thư Đảng bộ làm Trưởng ban và các tổ giúp việc do người đứng đầu các chi, hội, đoàn thể làm tổ trưởng. “Lúc đầu hoạt động của BCĐ và các tổ công tác gặp rất nhiều lúng túng do các thành viên chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Yên Định, BCĐ xã đã bám sát vào các tiêu chí NTM để đánh giá tỷ lệ % chưa đạt, trên cơ sở đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên đảm nhận. BCĐ xã cũng giao cho các tổ công tác thường xuyên giao ban để nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân và những khó khăn cần tháo gỡ; đồng thời có trách nhiệm xây dựng các kế hoạch phù hợp, sát với đặc thù của từng cơ quan, đơn vị, từ đó mới đưa ra các giải pháp thực hiện” - Bí thư Đảng ủy, Trưởng BCĐ NTM xã Yên Thái - Hoàng Văn Hiếu cho biết.

Công sở và trung tâm văn hóa xã Yên Thái được xây mới khang trang.

Để chương trình xây dựng NTM sớm trở thành một phong trào rộng lớn trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, xã đã đồng thời tiến hành nhiều cách làm hiệu quả. Đầu tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, giúptừng người dân, cộng đồng dân cư dần hiểu rõ, xây dựng NTM chính là xây dựng hạ tầng kỹ thuật tiên tiến mà ở đó, nhân dân là chủ thể được “biết”, được “bàn”, được “làm” và được “hưởng thụ”. Trong quá trình tổ chức thực hiện, chính quyền địa phương luôn tranh thủ các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, của huyện đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tập trung cho sự phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây mới công sở, tu bổ xây dựng các hạng mục trường học, trạm y tế...).

Đồng thời, hỗ trợ nhân dân bằng các chính sánh của trên như: hỗ trợ sản xuất vụ đông, các loại cây trồng mới cho giá trị kinh tế cao (ớt, ngô ngọt...). Mặt khác đã tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn ngân sách cao nhất cho xây dựng hạ tầng cơ sở nhằm làm giảm đi sức nặng đóng góp cho nhân dân. Việc huy động nhân dân đóng góp, xã đặc biệt thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, các khoản thu được đưa ra họp bàn công khai, minh bạch dựa trên nguyên tắc “đồng tình, tự nguyện; tránh tùy tiện, áp đặt”. Xã cũng xác định “Xây dựng NTM phải bắt đầu từ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân” nên công tác chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động luôn được xã quan tâm hàng đầu.

Ngoài đóng góp sức người, sức của, nhiều hộ dân còn tự nguyện góp đất, hiến đất để mở rộng và bê tông hóa hàng chục km đường liên thôn.

Vì vậy, ngoài khuyến khích người dân đầu tư mở rộng kinh doanh, sản xuất, UBND xã còn thường xuyên chỉ đạo HTX dịch vụ nông nghiệp tích cực liên doanh, liên kết với các công ty, doanh nghiệp để mở rộng diện tích vùng ớt xuất khẩu, cây ngô ngọt, nâng giá trị thu nhập trên ha canh tác; đồng thời chuyển một số diện tích đất lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại lúa - cá - vịt vừa giải quyết việc làm cho số lao động nông nhàn, vừa cho giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa nước thông thường...

Đến danh hiệu “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”

Với những cách nghĩ, cách làm đúng đắn kể trên nên mặc dù không nằm trong diện được hưởng 100% nguồn thu từ việc cấp quyền sử dụng đất, song với quyết tâm chính trị cao của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và nhân dân, chương trình xây dựng NTM của xã Yên Thái vẫn vươn lên bứt phá toàn diện. Nổi bật phải kể đến là trong sản xuất nông nghiệp, người dân đã đưa cơ giới hóa vào thu hoạch, trồng trọt; đồng thời tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi theo tư duy hàng hóa, vừa đảm bảo được khâu tiêu thụ, vừa hạn chế những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.

Trong hoạt động kinh doanh, các hộ dân đã đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng hóa các mặt hàng, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ của nhân dân địa phương và các xã lân cận. Đáng nói là, địa bàn xã ngày càng xuất hiện nhiều nhân tố làm kinh tế giỏi, những mô hình mới, những cách thức sản xuất kinh doanh sáng tạo... góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) từ 16,09% (2010) lên 18,4 % (2015), nâng thu nhập bình quân đầu người lên 30,327 triệu đồng/ người/ năm (tăng 18,43 triệu đồng so với năm 2010), giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,09%.

Mô hình cá lúa vịt của hộ gia đình ông Lê Trường Giang (thôn Mỹ Bi) hiện đang tạo công ăn việc làm cho 20 - 30 lao động trên địa bàn xã.

Thu nhập của người dân được nâng cao, công tác xã hội hóa xây dựng NTM trên quê hương Yên Thái nhờ đó cũng thêm dễ dàng, thuận lợi. Không ít hộ gia đình ngoài tự giác đóng góp theo mức quy định còn ủng hộ thêm sức người, sức của, thậm chí góp đất, hiến đất để xây dựng đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa thôn khang trang, sạch đẹp... Chỉ tính từ năm 2011 - 2015, nhân dân trong xã đã hiến 15,4 ha đất và đóng góp hơn 10 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục công trình theo quy định. Nhiều con em xa quê được tuyên truyền, vận động cũng gửi tiền về ủng hộ xây dựng, góp phần làm chuyển biến nhanh về diện mạo, tạo đà phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực, đưa xã “về đích” NTM năm 2015, vượt trước 4 năm so với kế hoạch ban đầu.

Về lại Yên Thái sau một năm vùng quê này được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM, cảm nhận rất rõ một sức sống mới đang lan tỏa. Từ làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng thấy người dân nói chuyện làm ăn, con cái học hành, dựng nhà dựng cửa... Toàn là những chuyện lớn phải lo nhưng giờ đây họ đã lo với một tâm thế khác - tâm thế của sự lạc quan, tin tưởng.

Mai Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]