(vhds.baothanhhoa.vn) - Với khát vọng góp sức mình đưa ngành y tế tỉnh nhà vươn cao, vươn xa, những năm qua đội ngũ y bác sĩ, nhất là các bác sĩ trẻ đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển kỹ thuật mới. Qua đó, năng lực chuyên môn của bản thân được nâng cao rõ rệt, góp phần xây dựng uy tín cho bệnh viện, nâng cao niềm tin của Nhân dân.

Thầy thuốc trẻ với khát vọng làm chủ công nghệ mới

Với khát vọng góp sức mình đưa ngành y tế tỉnh nhà vươn cao, vươn xa, những năm qua đội ngũ y bác sĩ, nhất là các bác sĩ trẻ đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển kỹ thuật mới. Qua đó, năng lực chuyên môn của bản thân được nâng cao rõ rệt, góp phần xây dựng uy tín cho bệnh viện, nâng cao niềm tin của Nhân dân.

Thầy thuốc trẻ với khát vọng làm chủ công nghệ mớiBác sĩ Lưu Đức Thọ (bên trái) cùng đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhi bị chấn thương.

Khoa Chấn thương, chỉnh hình, thẩm mỹ và bỏng, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa được thành lập từ tháng 7-2009 trên cơ sở tách từ khoa Ngoại chung. Bác sĩ Lưu Đức Thọ, Trưởng khoa cho biết: “Thời kỳ mới thành lập, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, khoa chỉ mới điều trị được bệnh lý nhẹ, không xử lý được những ca khó, phức tạp. Đến nay, sau 12 năm nỗ lực, phát triển, khoa đã làm chủ được nhiều tiến bộ công nghệ mới trong khám và điều trị; nhiều kỹ thuật ở cấp Trung ương đã được áp dụng thường niên, xử lý được hầu hết bệnh lý nặng, phức tạp về chấn thương và bỏng, tỷ lệ chuyển tuyến luôn giữ ở mức dưới 1%”.

Hiện tại, Khoa Chấn thương, chỉnh hình, thẩm mỹ và Bỏng đã và đang áp dụng nhiều kỹ thuật cao, như: Xử lý các loại thương tích gãy xương ở trẻ em bằng nẹp vít, đinh nội tủy, đặc biệt là đóng đinh đàn hồi trên màn tăng sáng cho các loại gãy xương dài, hoặc kéo nắn trên màn tăng sáng kết hợp với xuyên kim qua da cố định xương. Về chỉnh hình có các kỹ thuật: chữa các dị tật, chữa bàn chân khoèo, bàn chân thuổng, trật khớp gối bẩm sinh. Đối với tạo hình có kỹ thuật vá da mỏng, da xẻ đôi, da dày bằng dao lấy da chạy điện hiện đại...

Với vai trò người đứng đầu khoa và nhiệt huyết tuổi trẻ, bác sĩ Lưu Đức Thọ cùng các đồng nghiệp đã không ngừng trau dồi, học tập, khám phá thêm nhiều kiến thức mới. Bản thân anh thường xuyên tham gia học tập kinh nghiệm tại các bệnh viện lớn trong và ngoài nước. Bác sĩ Thọ chia sẻ: “Khi nhìn bệnh nhi phải chuyển tuyến là lúc tôi thấy bất lực. Cảm giác đó rất khó chịu. Vì vậy, tôi quyết tâm dốc hết khả năng để đưa kỹ thuật mới về áp dụng tại khoa. Được nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của bệnh nhân và gia đình là động lực lớn lao để tôi kiên trì, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng dịch vụ kỹ thuật mới, hiện đại, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại khoa”.

Hàng năm, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đều liên kết, phối hợp với các tổ chức y tế phi chính phủ đến khám và điều trị miễn phí cho bệnh nhi nặng. Trong đó, Tổ chức Children Action (Thụy Sỹ) chuyên khám và điều trị cho trẻ em mắc dị tật, bỏng. “Đây chính là cơ hội lớn để các y bác sĩ, nhất là bác sĩ trẻ như tôi được tiếp cận, chuyển giao những kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu. Riêng năm 2020, Bệnh viện Nhi đã triển khai ứng dụng 10 kỹ thuật mới ở nhiều chuyên ngành khác nhau, nhiều ca bệnh khó đã được cứu chữa thành công, tỷ lệ chuyển tuyến giảm còn 5,2%", bác sĩ Thọ cho biết.

Còn với bác sĩ trẻ Lâm Tiến Tùng, Trưởng đơn nguyên Giảm đau, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thì: “Khi học ở Nhật Bản chuyên ngành Gây mê hồi sức, tôi có cơ hội làm quen với kỹ thuật chống đau cho bệnh nhân ung thư. Nhận thấy đây là kỹ thuật mang lại hiệu quả và rất cần thiết cho người bệnh, tôi đã xin học bổng và tiếp tục theo học chuyên ngành này. Sau khi tu nghiệp trở về, được sự ủng hộ của ban giám đốc, bệnh viện đã mở phòng khám và áp dụng luôn kỹ thuật này. Đây được đánh giá là một kỹ thuật chuyên sâu, độ khó cao”. Được biết, kỹ thuật chống đau cho bệnh nhân ung thư được thực hiện theo 2 phương pháp: diệt hạch giao cảm ở bụng đối với ung thư dạ dày, gan, lách, tụy… thực hiện 1 lần và có hiệu quả giảm đau trong vòng 6 tháng; lưu que catheter ngoài màng cứng dành cho mọi loại ung thư, có thể sử dụng được hết đời. Chi phí cho mỗi lần điều trị khoảng trên 2 triệu đồng. Phương pháp chống đau theo mô hình của Nhật Bản đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Ở Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa là một trong những bệnh viện đầu tiên áp dụng phương pháp này.

Theo bác sĩ Lâm Tiến Tùng, Lưu Đức Thọ thì việc học kỹ thuật mới, tiên tiến cũng giống như việc học văn hóa. Muốn học được nhanh, thành thạo thì bản thân mỗi bác sĩ trẻ phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng cho mình ở mức “khá” trở lên. Bên cạnh đó, là sự kiên trì, vững tâm, bởi việc chuyển giao kỹ thuật càng khó thì thời gian học càng dài và đòi hỏi bác sĩ phải hy sinh thời gian, công sức để nghiên cứu, hoàn thiện kỹ thuật.

Ngày nay, ứng dụng khoa học - công nghệ là nền tảng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nên nhiều bệnh viện đã coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt qua các năm. Nhiều bác sĩ trẻ đã được cử đi nghiên cứu, đào tạo, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp nhận những kỹ thuật mới tại các trường đại học, bệnh viện lớn trong nước và các nước có nền y học phát triển mạnh như: Anh, Mỹ, Nhật Bản, Singapore... Đến nay, nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến được các bệnh viện tuyến tỉnh triển khai, như: phẫu thuật nội soi sử dụng cánh tay Robot Dex lấy sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên; kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học Solitaire ở bệnh nhân nhồi máu não cấp do tắc mạch máu lớn... Bên cạnh đó, các bệnh viện đều có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để đội ngũ y bác sĩ trẻ được tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ từ xa.

Được biết, riêng trong năm 2020, ngành Y tế Thanh Hóa đã triển khai thành công 115 kỹ thuật mới tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, góp phần tạo nên những kỳ tích trong việc cứu sống các ca bệnh nặng, hiểm nghèo. Trong đó, các thầy thuốc trẻ bằng trí tuệ, tài năng, sự kiên trì đã có những đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của toàn ngành thông qua áp dụng các thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng hệ thống y tế thông minh.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]