(vhds.baothanhhoa.vn) - Chiến tranh lùi xa. Hào hùng, mất mát, đau thương... cũng đã trở thành một phần lịch sử dân tộc. Vậy nhưng, với những con người trực tiếp sống, chiến đấu dưới bom đạn thì ngày tháng ấy giống như cuốn phim đen trắng quay chậm được bảo quản, cất kĩ trong ngăn sâu kí ức, không thể xóa nhòa. Và đó là câu chuyện của những cô gái - cụ bà thuộc Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải (Hoằng Hóa) đã từng hơn một lần bắn rơi máy bay của đế quốc xâm lược hơn 50 năm về trước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải: Những ký ức sống cùng lịch sử

Chiến tranh lùi xa. Hào hùng, mất mát, đau thương... cũng đã trở thành một phần lịch sử dân tộc. Vậy nhưng, với những con người trực tiếp sống, chiến đấu dưới bom đạn thì ngày tháng ấy giống như cuốn phim đen trắng quay chậm được bảo quản, cất kĩ trong ngăn sâu kí ức, không thể xóa nhòa. Và đó là câu chuyện của những cô gái - cụ bà thuộc Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải (Hoằng Hóa) đã từng hơn một lần bắn rơi máy bay của đế quốc xâm lược hơn 50 năm về trước.

Trong 30 năm chiến tranh vệ quốc của dân tộc, những đóng góp về tinh thần, vật lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa cho hai miền Nam - Bắc đâu thể đong đếm hết. Và còn cả những chiến công vang dội, hiển hách góp phần vào chiến thắng của quân dân cả nước. Chúng ta đã biết đến một trung đội Lão dân quân Hoằng Trường dùng súng trường bộ binh bắn rơi “thần sấm con ma” của Không lực Hoa Kỳ trên bầu trời Miền Bắc vào ngày 14/10/1967, đánh dấu con số 2.400 chiếc máy bay phản lực của kẻ thù bị ta bắn rơi. Sự kiện ấy đã trở thành niềm cảm hứng bất tận khơi dậy tinh thần đối diện, chiến đấu anh dũng với mọi kẻ thù của quân dân Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung.

Vậy nhưng, ở bài viết này, người viết lại muốn giới thiệu đến bạn đọc câu chuyện, chiến tích của một trung đội khác. Cũng với nhiệm vụ bảo vệ vùng biển Lạch Trường, đóng quân trên núi Linh Trường để trực chiến máy bay, tàu chiến của kẻ thù, song song chiến đấu cùng với trung đội Lão dân quân Hoằng Trường và làm nên những chiến công hiển hách không kém các “lão dân quân”. Đó là chính là trung đội nữ dân quân Hoằng Hải (Hoằng Hóa).

Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải.

Khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá Miền Bắc, cùng với cả nước, một dải bờ biển, cửa sông, cửa lạch ở xứ Thanh trở thành mục tiêu phá hoại của kẻ địch nhằm “cắt đứt” tuyến giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. Và vùng biển Lạch Trường (Hoằng Hóa) trong những năm tháng ấy đã chứng kiến sự ác liệt vô cùng của cuộc chiến vệ quốc.

Với địa thế phía đông giáp biển, phía nam giáp dãy núi Linh Trường và xã Hoằng Trường, xã Hoằng Hải trong chiến tranh có tuyến đường quốc phòng chạy qua dài hơn 2 km. Đây là con đường chiến lược vận chuyển xe pháo, vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm về cửa biển Lạch Trường (Hoằng Hóa) và Lạch Hới (Sầm Sơn). Vì thế, đây là một trong những xã nằm trong vùng chiến lược trọng điểm “cửa ngõ ra vào” của máy bay Mỹ. Hiểu điều đó, cùng với việc xác định chuyển hướng chiến lược từ thời bình sang thời chiến thì địa phương còn được lệnh từ cấp trên canh gác khu vực bờ biển và núi Linh Trường. Bởi vậy, năm 1966, Trung đội nữ dân quân xã Hoằng Hải đã được thành lập với những cô gái lứa tuổi mười tám, đôi mươi, người đã có gia đình, người vẫn còn xuân xanh... nhưng ở họ là sự căng tràn sức trẻ, nhiệt huyết cho nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển quê hương. Trung đội được thành lập với 16 con người, trong đó chỉ có duy nhất một đồng chí nam là xã đội phó phụ trách binh khí, kỹ thuật. Chi bộ với 5 đảng viên do nữ dân quân Nguyễn Thị Thanh làm Chính trị viên.

Những cô gái căng tràn sức trẻ ngày ấy giờ đây, người ít tuổi nhất cũng đã ở ngoài ngưỡng thất thập cổ lai hy. Nhưng cũng thật may mắn khi phần đa các cụ giờ vẫn còn sống, dù mắt có mờ, chân có chậm và đôi bàn tay run run song ký ức về cuộc chiến ngày ấy trong câu chuyện kể với chúng tôi thì dường như mọi thứ vẫn còn vẹn nguyên.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Hồ Thị Chuông, Lê Thị Nhõi (từ trái qua phải) dù tuổi đã cao song vẫn khá minh mẫn.

Chúng tôi tìm gặp bà Hồ Thị Chuông, trung đội trưởng nữ dân quân Hoằng Hải, bà cũng là người “chị cả” nhiều tuổi nhất trong số các thành viên nữ của Trung đội ngày ấy. Ở tuổi 81, ngoài nếp nhăn in hằn trên gương mặt và cơ thể người nữ dân quân miền biển, bà cười nhẹ nhàng: Tôi chẳng có gì ngoài những ký ức thời đạn bom. “Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải được thành lập với nhiệm vụ bảo vệ bờ biển và núi Linh Trường. Ban ngày trực máy bay, ban đêm trực tàu chiến” - nữ trung đội trưởng già bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng lời kể rành mạch.

Chỉ là những cô gái vùng biển vốn chỉ quen với đan lưới, bắt cá, cào ngao... Cuộc đời nào đã biết đến súng đạn sát thương. Ấy vậy mà, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Từ khi được biên chế vào Trung đội nữ dân quân, không quản thời tiết mưa bão, đạn bom, họ đã nỗ lực, miệt mài tập luyện sử dụng thành thạo vũ khí, đặc biệt là súng 12 ly 7, bố trí trận địa trực máy bay trên dãy núi Linh Trường. Khi ấy, trung đội chọn vị trí đóng quân trực chiến ở đỉnh đồi 181 - nơi cao nhất của núi Linh Trường. Từ đây, các nữ dân quân có thể quan sát hoạt động của máy bay Mỹ, lại được ngụy trang bởi cây rừng nên rất khó bị phát hiện.

Lắng nghe câu chuyện các cụ kể về những tháng ngày trực chiến trên đỉnh đồi 181, hơn một lần tôi lén lấy tay chùi nước mắt: “Mỗi người được cấp 18 kg lương thực mà gạo ít, khoai sắn thì nhiều nên bữa đói nhiều hơn no, tự nấu nướng, sinh hoạt với nhau ở trên đấy. Vì nấu nướng trên đỉnh đồi, lại phải tránh không để kẻ thù phát hiện nên cơm bữa sống bữa chín, muối rang làm thức ăn. Nhưng đói cũng không đáng sợ bằng việc thiếu rau xanh và cả thèm chút vị mặn mòi của biển. Tranh thủ những ngày mưa âm u, rét mướt, máy bay giặc ít hoạt động các chị em trong trung đội “đánh liều” xuống núi, men ra bờ biển cào ít dắt, ngao, kiếm vài con cá để cải thiện bữa ăn đạm bạc. Thậm chí là trở về vườn nhà vặt vội ít rau xanh để rồi lại vội vã trở lên trực chiến. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa rét thì dầm dề, ướt át, muỗi vắt hành hạ, vừa buồn lại nhớ nhà. Dù rằng, từ trên đỉnh đồi nhìn xuống đã có thể thấy thấp thoáng những căn nhà nhỏ trong xóm nhưng chẳng ai dám từ bỏ trận địa. Những lúc như vậy, chị em chỉ biết ôm nhau cùng khóc rồi cười, rồi hát. Hát những ca khúc như Dòng Cửu Long; Cửa Tùng biển lớn... để động viên nhau cùng cố gắng và hi vọng về ngày chiến thắng...”.

Với tất cả nhiệt huyết và quyết tâm, ngày 11/11/1967, một tốp máy bay của kẻ địch bất ngờ tiến công từ cửa biển Lạch Trường vào đất liền. Cả trung đội nữ dân quân Hoằng Hải đã bình tĩnh, can đảm đồng loạt nổ súng. Và ngay từ loạt đạn đầu tiên, một máy bay Mỹ đã bị tiêu diệt. Sự kiện những nữ dân quân chân yếu tay mềm bắn rơi máy bay lúc bấy giờ đã lan tỏa niềm tin và sự hứng khởi trong quân dân cả nước. Bởi vậy, chỉ sau đó hai ngày (13/11/1967) Bác Hồ đã viết thư khen ngợi, tặng Huy hiệu cho Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải. Trong thư Bác viết: “Thân ái gửi các cháu dân quân... Ngày 11/11/1967 các cháu đã chiến đấu dũng cảm bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ, cùng với thành tích to lớn chống Mỹ cứu nước của phụ nữ cả nước, chiến công của các cháu càng làm rạng rỡ thêm truyền thống phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang. Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu và tặng mỗi cháu một Huy hiệu, các cháu cũng luôn cố gắng học tập, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi cùng bà con địa phương và quân dân cả nước giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa”.

Được sự động viên, khen ngợi của Bác cùng các cấp lãnh đạo, nhân dân, Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải như được tiếp thêm sức mạnh cho tinh thần chiến đấu hăng say. Vậy nên, chỉ sau đó 5 ngày, tức vào ngày 16/11/1967, Trung đội phối hợp với đơn vị xã bạn bắn rơi cùng lúc 1 máy bay AD6 của kẻ địch. Và ngay sau đó, các cô gái anh hùng một lần nữa nhận được thư khen ngợi cùng Huy hiệu của Bác Hồ kính yêu. Chỉ trong chưa đầy tuần lễ, liên tiếp những chiến công đã được Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải giành được vô cùng vẻ vang. Và đó mãi là ký ức hào hùng theo các bà, các mẹ đến hết cuộc đời.

Sau mỗi chiến công được lập lại là một lần Trung đội nữ dân quân vất vả di dời trận địa để tránh bị giặc phát hiện. Và những tháng mùa đông rét buốt, trời tối đen như mực, cả Trung đội chị em phải âm thầm chuyển pháo, súng đạn, đồ dùng sang vị trí khác, bảo toàn lực lượng. Sau những tháng năm kiên trì bám vững trận địa, hoàn thành sứ mệnh lịch sử, năm 1973 Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải chính thức kết thúc nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ cửa biển và dãy núi Linh Trường. Từ đây, họ lại trở về với cuộc sống dưới đỉnh đồi 181, mỗi người một số phận, cuộc đời, lại lăn lộn với cuộc sống mưu sinh. Người lấy chồng sinh con, nhưng cũng có người lầm lũi cuộc đời cô độc vì đã “quá lứa lỡ thì”.

Như Trung đội trưởng Hồ Thị Chuông, đến bây giờ ở tuổi 81 bà vẫn cứ một mình: “sau khi rời Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải, tôi tiếp tục tham gia thanh niên xung phong ở các tuyến đường từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Lúc trở về đã ngoài 30 nên không thuận lợi để lập gia đình”. Thời gian trôi mau, thanh xuân đi qua, tuổi già ập đến. Đến bây giờ, ngoài những ký ức trong năm tháng lửa đạn chiến tranh thì niềm vui với người nữ dân quân ngày nào chính là mỗi dịp được “tụ họp” các thành viên trong Trung đội để trò chuyện, chia sẻ, ôn lại kỉ niệm cùng nhau. Đến thời điểm tôi tìm về gặp các cụ, thật may mắn khi được biết 13 trong 16 thành viên của Trung đội vẫn còn sống và khá minh mẫn. Nhưng cũng khá ngậm ngùi khi được biết, nhiều cụ dù tuổi đã cao song cuộc sống vật chất cũng nhiều khó khăn, vất vả. Rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, nhân dân địa phương và cả cộng đồng.

Với những chiến công và thành tích đóng góp trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, ngày 26/4/2018, Chủ tịch nước đã tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải (Hoằng Hóa) “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Mong rằng, lễ công bố quyết định tặng danh hiệu của Chủ tịch nước sẽ sớm được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức. Bởi danh hiệu là món quà động viên tinh thần quý giá cho những con người đã không tiếc tuổi trẻ, công sức thậm chí là máu xương cho dân tộc.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]