(vhds.baothanhhoa.vn) - “Giờ cuộc sống người dân ở đây đầy đủ hơn. Nếu thiếu mắm, thiếu gạo thì trong vườn có rau, vào rừng có luồng. Nếu không làm được du lịch thì chăn nuôi, trồng trọt cung cấp cho những hộ làm du lịch... Bà con no ấm thì cán bộ vui”- đó là những chia sẻ của anh Vi Thế Thiệp, người từng có 18 năm làm Trưởng bản, rồi kiêm Bí thư Chi bộ bản Hang, xã Phú Lệ (Quan Hóa).

Trưởng bản Hang giúp người dân thoát nghèo

“Giờ cuộc sống người dân ở đây đầy đủ hơn. Nếu thiếu mắm, thiếu gạo thì trong vườn có rau, vào rừng có luồng. Nếu không làm được du lịch thì chăn nuôi, trồng trọt cung cấp cho những hộ làm du lịch... Bà con no ấm thì cán bộ vui”- đó là những chia sẻ của anh Vi Thế Thiệp, người từng có 18 năm làm Trưởng bản, rồi kiêm Bí thư Chi bộ bản Hang, xã Phú Lệ (Quan Hóa).

Trưởng bản Hang giúp người dân thoát nghèoAnh Vi Thế Thiệp (ngoài cùng bên phải) đi thăm hộ dân làm du lịch cộng đồng bản Hang. Ảnh: VIỆT ANH

Mong bà con có cái ăn, cái mặc

Trưởng bản Hang sinh năm 1981, người dân tộc Thái. Nhìn Vi Thế Thiệp, người đối diện vẫn nhầm tưởng anh phải nhiều hơn tuổi 40. Dáng cao to, giọng chắc nịch, khuôn mặt đậm chất sương gió núi rừng.

18 tuổi anh Thiệp lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Năm 2003, khi 22 tuổi, Vi Thế Thiệp được bầu làm Trưởng bản và làm liên tục trong 9 năm. Từ năm 2012, anh làm Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Hang cho đến nay.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, như câu chữ của Vi Thế Thiệp: “Gia đình tôi nghèo xơ xác. Theo tục lệ, khi con cái ra ở riêng, bố mẹ sẽ cho con trâu, con bò làm vốn, nhưng do nhà nghèo quá, tôi ở riêng chỉ có 2 bàn tay trắng”. Từ không có gì, anh không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp người dân thoát nghèo, là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Thanh Hóa.

Gần 20 năm làm cán bộ bản, Vi Thế Thiệp luôn đau đáu một điều: “Bản thân lúc nào cũng mong bà con có cái ăn, cái mặc. Không mơ ước giàu nhưng cố gắng không được đói nghèo. Bàn tay tôi không có gì, chỉ có chút kinh nghiệm và chút kiến thức và tôi cứ thế, đi từng bước một".

Từ giúp người dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt

Bản Hang có 61 hộ, 298 nhân khẩu. Trước đây, cuộc sống bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Năm 2003, trong vai trò trưởng bản, vấn đề được anh Thiệp đặt lên hàng đầu là giúp người dân phát triển kinh tế để thoát nghèo. Vẫn biết câu chuyện thoát nghèo ở miền núi chưa bao giờ dễ nhưng nếu chỉ dừng ở dám nghĩ mà không dám làm thì có thể cái nghèo còn mãi đeo bám với người dân bản Hang.

Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống lúa mới vào sản xuất, là giải pháp đầu tiên được Trưởng bản Hang tổ chức triển khai. Tiếp đó, anh Thiệp tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chủ yếu nuôi bò, lợn, cá, chuyển từ trồng sắn sang trồng luồng, cây gỗ vườn. Năm 2003, từ 8ha sắn đầu tiên chuyển sang trồng luồng thì đến nay, diện tích trồng luồng ở bản Hang là 67ha. “Cây luồng bán không được cao nhưng cho thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng sắn. Nhiều bà con đã thoát nghèo nhờ cây luồng. Năm 2012, khi làm kiêm Bí thư chi bộ, tôi đã cùng với chi ủy bàn bạc, thống nhất ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế. Trong đó, nêu rõ: Một hộ phải có 2 con bò, 2-3 con lợn trở lên và 30-50 con gà, vịt. Rất mừng, bà con thực hiện tốt, mang lại hiệu quả thiết thực”, anh Thiệp cho biết.

Đến vận động bà con làm du lịch cộng đồng

Song song với phát triển chăn nuôi, trồng trọt, vào năm 2003, anh Thiệp đã tìm cách kết nối tour du lịch sinh thái cộng đồng đến bản Hang. Câu chuyện bắt đầu từ khi có Dự án phát triển du lịch cộng đồng của FFI (Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế). FFI kết hợp cùng xã Phú Lệ chọn 3 hộ gia đình ở bản Hang, trang bị cơ sở vật chất tối thiểu như nhà vệ sinh, chăn, đệm để đạt chuẩn trở thành homestay.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, nhiều khách nước ngoài muốn đến bản Hang nhưng số nhà làm du lịch lại không đủ đáp ứng. Trưởng bản Hang lại đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động bà con làm du lịch cộng đồng. Anh Thiệp nhớ lại: “Du khách muốn đến tham quan ngày càng nhiều là điều kiện thuận lợi để góp phần cải thiện đời sống Nhân dân. Tôi nói với bà con: Nhà nào đang làm thì làm thêm, chưa làm thì cố gắng làm để đón khách. Nếu không làm được du lịch thì đầu tư bán chăn ga, gối đệm, tăng gia sản xuất chăn nuôi, trồng trọt để cung cấp cho những hộ làm du lịch”.

Được sự đồng thuận của bà con, đến nay, bản Hang đã có 49/61 hộ tham gia làm du lịch cộng đồng, trong đó có 12 hộ làm thường xuyên. Người dân đã tự mua sắm các trang thiết bị, chỉnh trang, xây dựng công trình phục vụ du khách. Hiện đã có 100% số hộ có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Làm du lịch cộng đồng đã mở ra cho người dân nơi đây hướng đi mới trong phát triển kinh tế, mà cái được nhất đó là nâng cao giá trị thu nhập. Hộ thấp nhất, thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm, hộ cao nhất khoảng 350-400 triệu đồng/năm.

Theo chia sẻ của Trưởng bản Vi Thế Thiệp, khách đến bản Hang chủ yếu là khách nước ngoài. Thời điểm cao nhất là vào năm 2019 bản đón hơn 4.000 lượt khách quốc tế và 2.000 lượt khách trong nước. “Thời điểm này, chúng tôi đã kết nối thêm với 5 công ty du lịch ở Hà Nội và Hòa Bình. Ngày nào, chúng tôi cũng đón khách. Trong những năm từ 2016 - 2020, bản Hang vinh dự là điểm về đích cho Cuộc thi Marathon băng rừng Việt Nam...”.

Có điều gì cuốn hút ở bản Hang chăng? Tôi bỗng tự hỏi. Vì thực tế, so với một số điểm du lịch cộng đồng ở các địa phương khác, bản Hang vẫn rất đỗi bình dị. Bản Hang cũng có ruộng bậc thang, nhà sàn, cơm lam, bánh ú, cá đồ, gà nướng, canh môn... Nhưng có một điểm nhấn quan trọng mà khi nghe Trưởng bản Hang trải lòng, tôi nghĩ, đó là lựa chọn rất riêng, rất cá tính của Vi Thế Thiệp. Anh nói: “Nhiều công ty vào đây muốn được đầu tư, chuyển trạng thái rừng và địa hình nhưng quan điểm của tôi là hãy cứ để hoang sơ, dân dã, đúng bản sắc núi rừng, khách nước ngoài họ rất thích cái nguyên sơ, mộc mạc đấy. Ở bản Hang, 100% nhà dân còn giữ nếp nhà sàn. Hơn nữa, không thay đổi đồng nghĩa với việc bản sắc dân tộc được bảo tồn và phát huy”.

Ở Vi Thế Thiệp còn rất nhiều việc làm có sức lan tỏa. Như vào cuối năm 2019, anh đã thành lập Hợp tác xã Du lịch và Thương mại Thái Sơn, đấu thầu gần 10ha đất bỏ hoang để cải tạo, đầu tư phát triển nông nghiệp và kinh doanh du lịch, tạo việc làm cho gần 10 lao động địa phương. Vào cuối năm 2020, bản Hang được công nhận là thôn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có sự đóng góp lớn của Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Vi Thế Thiệp. Bản đã huy động sức dân với hơn 600 triệu đồng và 2.000 ngày công để xây dựng các công trình...

Sau gần 20 năm làm cán bộ bản, anh Vi Thế Thiệp đã góp phần quan trọng giảm hộ nghèo của bản từ gần 50% xuống còn 0%, nâng thu nhập bình quân đầu người từ 22 triệu đồng (năm 2014), đến nay là 34,1 triệu đồng. “Đồng chí Vi Thế Thiệp là đảng viên gương mẫu, tích cực, luôn đồng hành, sát cánh cùng người dân. Ở đồng chí có cách làm sáng tạo và rất hiệu quả. Nếu không có đồng chí sẽ không có du lịch cộng đồng bản Hang phát triển như ngày hôm nay”, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quan Hóa Trần Thị Phương Thúy cho biết.

Vi Thế Thiệp cho biết anh còn đang ấp ủ nhiều điều. Riêng với du lịch cộng đồng bản Hang, anh còn muốn làm suối cá, hồ bơi, kéo điện vào hang Pó Mười... Anh trải lòng: “Khó nhiều hơn thuận. May mắn, còn có người dân ủng hộ, đồng thuận và cùng bắt tay để làm. Đời sống bà con bản Hang giờ đã bước sang trang mới với nhiều màu sắc tươi vui hơn, đúng là chưa giàu nhưng không còn ai đói nghèo... Với cán bộ bản, đó là niềm hạnh phúc nhất”.

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]