(vhds.baothanhhoa.vn) - Chồng bị liệt phải ngồi xe lăn, con gái mắc chứng trầm cảm, nhưng 10 năm qua, người phụ nữ bé nhỏ ấy đã dũng cảm vượt qua khó khăn, là chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Trong “cơn bĩ cực”, chị đã trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế và những con dế nhỏ được chị nhắm đến. Chị là Lê Thị Thắng, ở thôn Vân Cát, xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy).

Từ người phụ nữ nghèo thành bà chủ nuôi dế

Chồng bị liệt phải ngồi xe lăn, con gái mắc chứng trầm cảm, nhưng 10 năm qua, người phụ nữ bé nhỏ ấy đã dũng cảm vượt qua khó khăn, là chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Trong “cơn bĩ cực”, chị đã trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế và những con dế nhỏ được chị nhắm đến. Chị là Lê Thị Thắng, ở thôn Vân Cát, xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy).

Từ người phụ nữ nghèo thành bà chủ nuôi dếTrung bình một năm, chị Lê Thị Thắng thu nhập 500 - 600 triệu đồng từ nghề nuôi dế.

Ở cuối đường hầm...

Cuối năm 2010, tai họa ập xuống với gia đình người phụ nữ này. Chồng chị Thắng là anh Phạm Xuân Việt, trong lúc đi làm thợ xây bị ngã từ tầng 3 xuống. Tai nạn khiến anh bị gãy cột sống, chèn ép tủy.

Nhà anh chị vốn nghèo. Tài sản lớn nhất là căn nhà cấp 4 lụp xụp. Được sự hỗ trợ từ họ hàng, người thân, chị đưa chồng ra Hà Nội điều trị. Gần 1 năm chăm chồng, chị đã được người nhà bệnh nhân cùng phòng giới thiệu về trang trại nuôi dế của họ. Chị Thắng nhớ lại: "Biết được hoàn cảnh gia đình tôi, người phụ nữ đó rất nhiệt tình. Chị kể về những thành công từ nghề nuôi dế mang lại và muốn tôi thử sức, cứu gia đình. Tại thời điểm đó, tôi như đang ở phía cuối đường hầm tối tăm, hoàn toàn bế tắc vì chồng đổ bệnh, chi phí điều trị đã vài trăm triệu, tất cả đều vay mượn. Không còn cách nào khác, tôi gật đầu nghe theo”.

Không hình dung thành, bại ra sao, khi ấy chị Thắng chỉ nghĩ được điều duy nhất, phải quyết tâm để cứu gia đình. Chị đi đi lại lại giữa việc chăm chồng và học hỏi, tham quan mô hình trang trại nuôi dế của người phụ nữ ấy tại TP Hà Nội và tỉnh Nam Định.

Cuối năm 2011, chồng chị ra viện. Anh về nhà nhưng phải nằm liệt trên giường. Thời gian này, con gái đầu của chị cũng tốt nghiệp cao đẳng. Để lo việc cho con, chị lại đi vay mượn. Nhưng may mắn đã không mỉm cười, con chị không xin được việc, rồi bị trầm cảm.

Họa vô đơn chí dồn gia đình vào bĩ cực, song không đánh gục được ý chí của người phụ nữ tảo tần. Nhớ lại câu chuyện của người nhà bệnh nhân cùng phòng, chị Thắng suy nghĩ và ngày càng nung nấu về mô hình nuôi dế. Chị vay 30 triệu đồng từ nguồn vay xóa đói giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cẩm Thủy để bắt đầu thực hiện mô hình. Từ đây, mở ra bước ngoặt mới với gia đình chị. “Cuộc gặp gỡ với người phụ nữ trước đây, tôi xem như định mệnh. Ở cuối đường hầm, tôi đã nhìn thấy ánh sáng...”, chị nói.

Đến hồi thái lai...

Với số vốn ít ỏi 30 triệu đồng, không đủ để chị mua con giống và đầu tư xây chuồng trại. Thương chị, anh em, họ hàng lại hỗ trợ. Đầu năm 2012, chị nuôi lứa dế đầu tiên. Sau 35 ngày, cho ra dế thương phẩm. Tuy nuôi thành công nhưng bán lại thất bại. Do không có đầu ra nên chị rong ruổi với chiếc xe máy Cub 50 đi bán hàng cả trong và ngoài huyện. Chị nhớ lại: “Tôi cứ nghĩ, mọi việc suôn sẻ nhưng không đơn giản. Tôi đi các nhà hàng, chào bán nhưng đều bị từ chối vì họ chưa ăn con này bao giờ. Tôi xuống các bến xe, ai thấy cũng lắc đầu. Hàng không bán được thì đi cho. Lứa đầu tiên lỗ, hơi nản nhưng tôi không đầu hàng”.

Chị tiếp tục với lứa dế thứ 2, rồi dùng mạng xã hội giới thiệu sản phẩm. Những nỗ lực cuối cùng cũng cho kết quả, nhiều cuộc điện thoại gọi đến cho chị. Những người khách đầu tiên là những người đã được chị cho dế.

Thị trường ngày được mở rộng, từ trong đến ngoài tỉnh, chủ yếu là Hà Nội, Bắc Ninh. Mỗi tháng, chị xuất chuồng từ 6-7 tạ dế thương phẩm với giá 100 nghìn đồng/kg. Trung bình một năm, trừ chi phí, mang lại thu nhập cho chị khoảng 500 - 600 triệu đồng.

10 năm, chị đã hướng dẫn thành công cho hàng chục mô hình nuôi dế trong Nam ngoài Bắc. Trên đất Cẩm Vân, nhiều chị em phụ nữ cũng đã thành công. “Khi bắt đầu nuôi dế, khó về kỹ thuật chăm sóc, từ đẻ trứng, nở con, tách đàn. Khi có kinh nghiệm, nuôi dễ dàng hơn nhưng phải chú ý đến thức ăn, tránh rau bị nhiễm thuốc trừ sâu... Đặc biệt, phải tạo môi trường thuận lợi, thoáng mát để dế dễ sinh trưởng”, chị Thắng cho biết.

Nhìn lại hành trình đã qua, chị khóc. Trong hình dung, chị chưa bao giờ dám nghĩ đến thành quả ngày hôm nay. Nợ nần đã trả hết. Tới đây, gia đình chị sẽ chuyển về ngôi nhà mới. Bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân xúc động khi nói về chị: “Sự vượt khó của chị Thắng khiến nhiều người nể phục. Chị lúc nào cũng đưa chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác”.

Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai. Dẫu còn những trăn trở về cuộc sống gia đình nhưng với chị Thắng, giai đoạn khốn khổ nhất đã qua. Ở phía cuối đường hầm, chị đã tìm thấy ánh sáng...

Bài và ảnh: Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]