(vhds.baothanhhoa.vn) - Nói về Thượng thư Nguyễn Quán Nho, người Vạn Hà ai cũng thuộc câu ca dao: “Thượng thư Lê Hy, thiên hạ sầu bi, Tể tướng Vãn Hà, thiên hạ âu ca”. Sách “Đại Nam quốc sử diễn ca” cũng ghi: Bởi ai thiên hạ âu ca/ Chẳng quan Tham tụng Vạn Hà là chi”. Những câu nói ấy đã phần nào giúp hậu thế hiểu thêm tính cách con người và sự thanh liêm chính trực của ông.

Nguyễn Quán Nho - Tể tướng Vãn Hà, thiên hạ âu ca

Nói về Thượng thư Nguyễn Quán Nho, người Vạn Hà ai cũng thuộc câu ca dao: “Thượng thư Lê Hy, thiên hạ sầu bi, Tể tướng Vãn Hà, thiên hạ âu ca”. Sách “Đại Nam quốc sử diễn ca” cũng ghi: Bởi ai thiên hạ âu ca/ Chẳng quan Tham tụng Vạn Hà là chi”. Những câu nói ấy đã phần nào giúp hậu thế hiểu thêm tính cách con người và sự thanh liêm chính trực của ông.

Nguyễn Quán Nho - Tể tướng Vãn Hà, thiên hạ âu ca

Đền thờ Tể tướng Nguyễn Quán Nho, Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

Tiến sĩ Nguyễn Quán Nho (1638 - 1708), tên hiệu Giản Trai, tên thụy Ôn Nhã, là người xã Vãn Hà, huyện Thụy Nguyên (nay là thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa). Mồ côi cha từ bé, nhà nghèo hai mẹ con sống lay lắt qua ngày bằng nghề mò cua, bắt ốc, đan thừng. Sách “Kẻ chăn trâu kỳ dị” có ghi, vì quá nghèo đói mà Nguyễn Quán Nho thường xuyên phải sang hàng xóm mượn nồi nấu cơm nhưng thực chất là về vét hạt cơm chét còn lại dưới đáy nồi để ăn cầm cự. Dần dần hàng xóm hiểu chuyện, cố ý dành lại nhiều phần cơm cháy hơn một chút. Bởi thế mà Nguyễn Quán Nho thường được gọi là “chàng Cháy”.

Chàng Cháy rất ham học. Những lúc mẹ đi làm thuê cho nhà giàu, cậu đi theo, áp tai vào vách nghe thầy giảng bài cho con chủ nhà, lại lấy que củi vạch chữ lên nền đất. Thậm chí, cậu còn dùng gai tập viết từng con chữ lên thân xương rồng, trên lá chuối. Đêm đến đèn dầu không có để thắp, Quán Nho học cách của Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi lấy đom đóm bỏ vào vỏ trứng gà làm đèn. Nhờ sáng dạ, chăm chỉ, chẳng bao lâu Quán Nho đã thuộc hết chữ.

Vượt qua đói rét, khó khăn, khoa thi năm Đinh Mùi (1667) niên hiệu Cảnh Trị đời vua Lê Huyền tông, cậu học trò ấy đã đỗ Đồng Tiến sĩ. Theo sử sách ghi lại, ngày tân khoa Nguyễn Quán Nho vinh quy bái tổ, hàng tổng hàng huyện tấp nập kiệu cáng, cờ quạt rước ông. Lúc này mẹ Quán Nho biết con đã hiển vinh nhưng vẫn bình thản ra ao làng vớt bèo về nuôi lợn, lý trưởng làng Vạn Hà mời bà về dự lễ rước quan trạng cùng dân, bà gạt đi mà rằng: “Nó thi đỗ là việc của nó sao lại phải đón rước, tôi đang bận vớt bèo!”. Quan nghè Nguyễn Quán Nho nghe kể lại vội vàng xuống khỏi võng điều, cởi áo gấm, phẩm phục, xắn quần chạy ra ao làng cầm gậy vớt bèo cùng mẹ cho đến khi đầy rổ hai mẹ con mới về dự tiệc cùng làng. Về sau có câu thành ngữ lưu truyền việc này: “Vinh quy bái tổ sau rổ bèo đầy”.

Sau này, Nguyễn Quán Nho đi làm quan ở Ninh Bình, công việc bận bịu không về thăm mẹ được nên gom góp tiền bổng lộc sắm cho mẹ già chiếc áo lụa nhân dịp tết, sai lính đem về. Mẹ ông giở ra thấy tấm áo cả đời khó nhọc bà chưa từng được mặc, nhưng bà tỏ ra không vui vì nghĩ đây là của bất chính, bà bảo “Bổng lộc của quan là dầu mỡ của dân”. Nói rồi bà đốt tấm áo, gói nắm tro gửi lại cho quan nghè. Mở gói quà chỉ còn nắm tro, Quán Nho hiểu thâm ý của mẹ rằng làm quan phải sống thanh liêm, không được bòn rút, đục khoét của dân lành. Và suốt đời ông chưa khi nào quên lời mẹ nhắn nhủ.

Quan lộ thuận lợi, Nguyễn Quán Nho lần lượt giữ nhiều vị trí, chức vụ, từ Phó đô ngự sử (1684); Tả Thị lang Bộ Lại (1691); Thượng thư Bộ binh (1693); Thượng thư Bộ lại; Tri lục phiên (trông coi công việc của 6 phiên, 6 cơ quan tham vấn cho 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công ở triều đình nhà Lê). Khi giữ chức Tham tụng (Tể tướng), ông được chúa Trịnh cho kiêm chức Tả hiến tư giảng.

Nguyễn Quán Nho - Tể tướng Vãn Hà, thiên hạ âu ca

Bức tranh cổ, khắc họa chân dung Tể tướng Nguyễn Quán Nho.

Sách “Lịch triều tạp kỉ” của Ngô Cao Lăng viết: Mùa thu năm Bính Tý (1696) thi các quan trong, quan ngoài, Khang Vương (Trịnh Căn) triệu ông vào nghĩ đầu bài và bảo giữ bí mật. Ông nói chuyện với người, không ngờ hơi lộ, có kẻ hoạn thụ ở phủ chúa tâu lên. Khang Vương giận lắm, cắt chức Tể tướng giáng ông xuống làm Tả Thị lang ở bộ ấy, rồi sau nhận chức đài ngự sử 7 năm.

Năm Nhâm Ngọ (1702), ông được phục chức cũ, lại làm Tể tướng rồi thăng Thượng thư bộ Lễ coi việc tòa Trung thư, tước Hương giáng bá. Lúc đó cùng với ông có Lê Hy ở Thạch Khê cũng giữ chức Thượng thư. Tuy vậy, Lê Hy tính tình đố kỵ nghiêm khắc trong khi ông thì xử sự khoan hậu, thiên hạ được nhờ. Câu ca “Thượng thư Lê Hy, thiên hạ sầu bi/ Tể tướng Vãn Hà, thiên hạ âu ca” ra đời với ý nghĩa đó.

Trong cuộc đời 40 năm làm quan, trải qua 4 đời vua Lê Huyền tông, Lê Gia tông, Lê Hy tông và Lê Dụ tông, Nguyễn Quán Nho luôn thể hiện là một vị quan thanh liêm, hết lòng phụng sự Nhân dân, phụng sự đất nước.

Làm quan với chức cao vọng trọng nhưng ông luôn sống giản dị, khoan dung, làm hết chức phận, một lòng phò vua, giúp chúa, chăm lo công việc, hết lòng yêu thương, gần gũi người dân. Thường xuyên quan tâm đến công tác đê điều, phòng lụt bão, miễn giảm một số thuế khóa cho dân. Dưới sự quản lý, chăm lo của ông, mùa màng quanh năm tươi tốt, Nhân dân được sống trong cảnh ấm no, hạnh phúc. Tiếng lành đồn xa, Nhân dân khắp chốn truyền tụng nhau công lao to lớn của trạng “Cháy” Nguyễn Quán Nho người Vạn Hà.

Tài năng và đức độ của Nguyễn Quán Nho được thể hiện qua bức thư của Thái tử Trịnh Cương (sau là chúa An Đô Vương) gửi cho ông, khi đã nghỉ hưu tại quê nhà. Trong thư có viết: “Tôi gửi lời kính thăm thầy. Tôi thấy lòng thầy trung thành thâm cảm; trước là giúp bề trên, sau là yêu tôi mà thầy giữ lấy lẽ chính. Tôi đã được ân nghĩa, còn lâu, tôi chẳng quên đâu...”. (Văn tài võ lược xứ Thanh - NXB Thanh Hóa 2017).

Năm Vĩnh Thịnh - Đinh Hợi (1707), ông về hưu ở tuổi 70. Hơn một năm sau ông mất, và được thăng Lại bộ Thượng thư, tước Quận Công. Về nơi cửu tuyền ông được nhà Lê truy phong là Trung đẳng thần, đến thời Nguyễn gia phong là Cương ý dực bảo trung lương, Thượng đẳng thần. Khi mất đi, tài sản ông để lại không đủ xây dựng nhà thờ cho chính mình, mãi sau một viên quan địa phương nể trọng tài đức và sự thanh liêm, nên đứng ra kêu gọi quyên góp xây dựng đền thờ ông ngay tại mảnh đất nhà thờ ngày nay.

Đền thờ Tể tướng Nguyễn Quán Nho ở tiểu khu 5, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa), được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Ngôi đền có quy mô không lớn, nhưng cổ kính, trang nghiêm. Nằm ngay trong khu đất của gia đình ông Nguyễn Quán Quyền, đền thờ có mái ngói rêu phong, nóc nhà trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt, trước cửa có đôi nghê chầu. Dẫn chúng tôi vào trong thăm đền thờ cụ tổ của dòng họ, ông Nguyễn Quán Quyền, Trưởng tộc họ Nguyễn Quán ở thị trấn Thiệu Hóa giới thiệu tường tận về quy mô, những hiện vật liên quan đến cụ Nguyễn Quán Nho còn được lưu giữ. Đặc biệt là bức chân dung cụ với nét vẽ khá tinh xảo của một họa sĩ nhà Thanh (Trung Quốc) vẽ tặng khi cụ được triều đình cử đi sứ phương Bắc. Ông Quyền tự hào nói: “Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, rất nhiều người được cử sang phương Bắc làm công tác ngoại giao, nhưng có lẽ chỉ mình cụ tổ Nguyễn Quán Nho được triều đình nhà Thanh cử người vẽ tranh tặng. Nghe nhiều câu chuyện truyền miệng kể lại, khi được tiếp xúc với vua nhà Thanh, cụ Nguyễn Quán Nho đối đáp rất thông minh nên nhà vua nước bạn có cảm tình, cử người vẽ tranh tặng”.

Kể từ sau lần trùng tu gần đây nhất vào năm 1994, đến nay di tích đã có nhiều hạng mục bị xuống cấp. Ông Nguyễn Quán Quyền cho biết thêm: Di tích đã được HĐND huyện Thiệu Hóa thông qua việc đầu tư kinh phí để trùng tu hậu cung và khu lăng mộ, quy hoạch thành điểm du lịch. Hy vọng với sự quan tâm này, di tích sẽ khang trang hơn, để mỗi lần con cháu về thắp hương kính cụ sẽ thật tự hào.

Bài và ảnh: Chi Anh


Bài và ảnh: Chi Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]