Nhân văn Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của Nhân dân
Tháng 5 này, chúng ta sẽ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Một chiến thắng đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca vĩ đại - một trận chiến hay nhất của thế kỷ 20. Tuy nhiên, có một người Đại tướng vẫn luôn tâm niệm: không có trận thắng nào là đẹp cả bởi sau một cuộc chiến, thương vong vẫn diễn ra ở cả hai phía. Một đại tướng đau với từng vết đau, xót với từng giọt máu của chiến sĩ. Vị đại tướng ấy là Đại tướng của Nhân dân - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bộ sách của Nhà xuất bản Dân trí gồm: Đường lối chiến tranh Nhân dân trong tư duy quân sự Võ Nguyên Giáp và Nhân văn Võ Nguyên Giáp sẽ giúp hậu thế hiểu rõ hơn về điều đó.
Trong cuốn: “Đường lối chiến tranh nhân dân trong tư duy quân sự Võ Nguyên Giáp”, Mac Donal - Nhà quân sự và là nhà nghiên cứu người Anh đã nhận định: Ông (Võ Nguyên Giáp) đã chuẩn bị một cuộc chiến tranh lâu dài, đã chiến đấu phòng ngự cho đến khi đạt thế cân bằng nhiều mặt và điều chỉnh cách giải quyết của mình theo nhu cầu để rồi đánh thắng các đội quân lớn của địch. Sách đã tổng hợp các bài nghiên cứu của các chuyên gia quân sự trong nước, các ý kiến của các sử gia nước ngoài, các viện, trường đại học ở Việt Nam giúp bạn đọc nhận thức sâu sắc hơn về những đóng góp của Đại tướng đối với việc xây dựng và phát triển đường lối chiến tranh rất độc đáo của nước ta, những giá trị và bài học đối với công cuộc kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Còn cuốn “Nhân văn Võ Nguyên Giáp” đã trích lại câu nói thể hiện đúng tinh thần của người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam: Vị tướng dù có công lao đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Các ngài gọi tôi là vị tướng “thần thoại” nhưng tôi tự nghĩ rằng tôi bình đẳng với những người lính của mình”.
Gọi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam là bởi lẽ: từ ngày thành lập đội Nam tiến đến nay, Đảng và Chính phủ đã ủy quyền cho đồng chí Giáp và một số cán bộ phụ trách tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo quân đội ta. Ở những thời điểm bước ngoặt: Đại tướng luôn đưa ra quyết định đúng. Đó là đề xuất, chỉ đạo thực hiện Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung. Đập tan cuộc tiến công của thực dân Pháp lên Việt Bắc (1947); đổi mục tiêu đánh Cao Bằng sang Đông Khê trong chiến dịch Biên giới (1950); phân tán chủ lực cơ động Pháp để tập trung tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Đông Xuân 1953-1954). Trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), Đại tướng quyết định chuyển phương châm tác chiến từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc, đưa chiến dịch đến thắng lợi hoàn toàn.
Hay trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, là quyết định xây dựng, bảo vệ tuyến vận tải chiến lược trên bộ, trên biển để chi viện cho chiến trường Miền Nam; tham mưu mở Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh ghìm lực lượng cơ động chiến lược của địch ở Trị Thiên, tạo điều kiện cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 giành thắng lợi lớn; chỉ đạo quân chủng Phòng không không quân đánh bại cuộc tiến công đường không chiến lược của đế quốc Mỹ; chỉ đạo mở chiến dịch giải phóng sớm miền Nam; chỉ đạo mở chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng, quần đảo Trường Sa, thành lập cánh quân khác và ra mệnh lệnh: Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tiến công tiêu diệt sào huyệt cuối cùng của địch, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến toàn thắng.
Táo bạo, quyết đoán, sắc sảo, đúng đắn, nhưng quyết không chiến thắng bằng mọi giá mà luôn cân nhắc thiệt hơn, nhất là sự hy sinh của đồng bào, đồng chí mình, đó chính là phong cách cầm quân đầy nhân văn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong bài viết của mình, Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định: Đại tướng là vị tổng tư lệnh luôn đề cao tính nhân văn, đau với từng vết thương của người lính, tiếc từng giọt máu của chiến binh; là tấm gương tỏa sáng 6 đức tính: Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm và Trung.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương thì khẳng định: Nắm vững nguyên tắc, quy luật vận động của chiến tranh và những điều cơ bản về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật nên trong tư duy chỉ đạo tác chiến, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thường đi trước những đối thủ được đào tạo bài bản; trở thành người tổ chức, điều hành chiến tranh hàng đầu của dân tộc.
Với đại tướng, làm chiến tranh không phải vì chiến tranh mà vì quyền sống, quyền tự do, quyền độc lập của một dân tộc.
Cán bộ tham mưu tác chiến có mặt tại Sở Chỉ huy Bộ trong thời điểm một số chiến dịch phát triển không thuận lợi từng chứng kiến Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhiều đêm mất ngủ hoặc nhiều lần rơi lệ khi nghe báo cáo tình hình cán bộ, chiến sĩ của ta bị thương vong. Chính nỗi đau và sự trăn trở đó góp phần quan trọng giúp Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tìm ra đáp số cho những bài toán hóc búa, bình tĩnh, sáng suốt và quyết đoán xử lý chính xác các tình huống chiến lược chiến dịch và chiến thuật để vừa đạt yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến, vừa giảm thương vong cho cán bộ, chiến sĩ.
Trong một bài báo trả lời với phóng viên phương Tây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói rằng: Cho dù tiềm lực quân sự và kinh tế của đối phương lớn đến nhường nào thì vẫn không bao giờ đủ lớn để đánh bại một dân tộc đoàn kết trong cuộc đấu tranh cho các quyền cơ bản. Chiến tranh Nhân dân đã tồn tại ngay trong truyền thuyết Thánh Gióng và vẫn còn ở bên mỗi người dân Việt Nam trong các thế kỷ. Vì sao Nhân dân Việt Nam có chung xu hướng lạc quan? Vì sao? Nguyên nhân là họ đã đối diện với các bất định trong hàng ngàn năm và trong hàng ngàn năm ấy, họ đã vững vàng, kiên gan vượt trùng trùng lớp lớp các thách thức đó.
“Chúng tôi sẽ theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra cho chúng tôi. Con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là gì; là độc lập và thống nhất Tổ quốc, là tự do và hạnh phúc cho Nhân dân, là hòa bình và hữu nghị giữa người với người”. Võ Nguyên Giáp đã nói như vậy với phóng viên báo chí nước ngoài. Và có lẽ, cho đến nay dù đại tướng đã đi xa thì lớp lớp thế hệ người Việt vẫn đã và đang bền bỉ thực hiện con đường ấy với chân lý ấy, kiên định với niềm tin ấy.
Nguyễn Hường
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-03-02 08:36:00
Phát huy giá trị di tích danh thắng Phố Cát
Làng cổ Phong Lai
NSND Ngọc Quyền – người góp phần làm nên thành công của nhiều lễ hội
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức phát động “Tuần lễ Áo dài” năm 2024
Trịnh Công Sơn - nhạc sỹ tài hoa, một tâm hồn đẹp
Đặc sắc lễ hội Mường Đòn
Anh phát hành đồng xu vinh danh biểu tượng âm nhạc George Michael
Đình Thi - điểm đến tâm linh hướng về nguồn cội
Đầu năm gặp gỡ các nghệ sĩ
OKRs - Hiểu đúng và làm đúng