(vhds.baothanhhoa.vn) - [E-Magazine] - Nghe tiếng chổi đêm khuya

Tin liên quan

Đọc nhiều

[E-Magazine] - Nghe tiếng chổi đêm khuya

[E-Magazine] - Nghe tiếng chổi đêm khuya

[E-Magazine] - Nghe tiếng chổi đêm khuya

3h sáng một đêm đầu đông, gió, mưa, lạnh. Đường Hải Thượng Lãng Ông (TP Thanh Hóa) in từng nhát chổi. Bàn tay người dứt khoát, quét đến đâu, “gương mặt” sạch đẹp của đường phố hiện ra đến đó. Ðêm ấy, chúng tôi đã thức cùng những người quét rác, công nhân của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa.

[E-Magazine] - Nghe tiếng chổi đêm khuya

[E-Magazine] - Nghe tiếng chổi đêm khuya

Về công tác ở TP Thanh Hóa đã hơn 3 năm nay nhưng tôi vẫn chưa có dịp được khám phá thành phố lúc nửa đêm về sáng. Đồng hồ điểm 3h sáng, thành phố sau một ngày ồn ã giờ chìm trong giấc ngủ say. Ðường Hải Thượng Lãng Ông co ro thu mình trong đêm lạnh. Một vài chiếc xe hơi lướt nhanh trong đêm, bỏ lại sau lưng con đường quạnh vắng, gió xào xạc và mưa phùn lạnh giá.

Ẩn hiện dưới ánh đèn đường, những nữ công nhân vệ sinh đường phố bắt đầu công việc của mình. Tôi đứng từ xa, lắng nghe những tiếng chổi trong đêm khuya khoắt cứ miết trên mặt đường, nhọc nhằn và nhẫn nại. Bất giác, tôi nhớ mấy câu thơ trong bài thơ “Tiếng chổi tre” của nhà thơ Tố Hữu in trong tập Gió lộng. Ở đó, ta có thể nghe trong đêm hè cũng như những đêm đông, tiếng chổi tre vẫn cứ xao xác. Để sáng mai ra, đường phố sạch bong ríu rít tiếng ca, tô điểm bởi gánh hàng hoa và nắng sớm mai trong trẻo.

“Sáng mai ra gánh hàng hoa…trên đường rực nỡ

Hương bay xa thơm mát đường ta…” .

Có ánh mắt đầy tò mò hướng về chúng tôi, một bàn tay kéo nhẹ khẩu trang, người phụ nữ khẽ khàng: “Giờ này không ở nhà ngủ mà còn đi chụp ảnh gì vậy mấy đứa?”. Chị là Nguyễn Thị Thanh. Chị gắn đời mình với nghề dọn sạch phố phường từ ngày vừa lập gia đình, nay các con đã lớn và chị cũng chuẩn bị lên chức bà nội, bà ngoại rồi.

[E-Magazine] - Nghe tiếng chổi đêm khuya

Có mặt đều đặn ở đây, ngày nắng cũng như ngày mưa, chị Thanh dường như thuộc từng gốc cây, mô đất cũng như cái “nết” vệ sinh của từng gia đình, cơ quan. Quét dọn, thu gom rác cho lên xe đẩy về điểm tập kết để xe lớn đến đưa ra bãi rác, công việc của chị cứ thế, miệt mài, cặm cụi, từ đêm cho tới sáng, từ ngày này sang ngày khác, từ năm này sang năm khác. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa gió thông thốc, nước mưa ngấm vào người lạnh thấu xương. “Nhiều lúc thấy thèm vô cùng một đêm trọn vẹn ở nhà trong hơi ấm cùng chồng, cùng con. Nhưng biết làm sao được. Thôi thì cũng vì nghề, vì chồng, vì con” – Chị Thanh bộc bạch.

[E-Magazine] - Nghe tiếng chổi đêm khuya

Vừa trò chuyện, chị Thanh vừa khom người đẩy chiếc xe nặng trĩu. Giữa đêm, con đường xa tít với đống rác nhỏ, đống rác to sạch dần theo cái bóng lầm lũi của chị, theo những tiếng chổi tre xao xác...

[E-Magazine] - Nghe tiếng chổi đêm khuya

Quãng đường hằng ngày các chị đi có khi hơn chục cây số vì phải quét đi quét lại, có khi vừa đi được vài bước ngoảnh lại đã thấy bộn bề rác. "Mỗi buổi sáng, lúc 6h30 xong ca, nhìn con đường sạch sẽ, tinh tươm, thấy thích lắm. Nhưng thật buồn, công mình quét suốt một đêm, mới buông chổi ra đã thấy rác trở lại, bởi khi thức dậy, nhiều người lại thản nhiên vứt đủ mọi loại rác ra đường” – chị Thanh bức xúc. Và, đó là tâm sự không chỉ của riêng chị .

[E-Magazine] - Nghe tiếng chổi đêm khuya

Nhiều người nói rằng muốn biết đời sống người dân cao, thấp thế nào thì hãy nhìn vào... đống rác. Ngày trước, đời sống còn khó khăn, rác thải ra cũng rất “nghèo”, ít và đơn giản. Nay, đời sống khá lên, rác cũng “giàu” lên, nhiều và cũng phức tạp hơn. Tuy nhiên, đời sống khá lên không đồng nghĩa với thái độ và hành xử của người đời về nghề quét rác cao lên.

“Nghề chúng tôi là nghề làm dâu trăm họ. Khổ thì còn cố gắng được nhưng sợ nhất là cách đối xử rất thiếu tình người của nhiều người. Ðường sá sạch đẹp thì không thấy ai khen nhưng quét lỡ có bụi một chút liền bị la, bị chửi. Chuyện bị người đi đường quăng rác ngay trước mặt là bình thường. Nếu phản ứng lại thì họ bảo: Bà lĩnh lương nhà nước thì nhiệm vụ phải làm. Lúc ấy chỉ biết im lặng và làm tròn nhiệm vụ thôi. Có những lúc quét rác tại tuyến đường nhiều quán nhậu, thỉnh thoảng vẫn bị thực khách đuổi đi hoặc chửi bới bởi vì cho rằng mình gây bụi bặm…” – chị Thanh tiếp tục câu chuyện.

[E-Magazine] - Nghe tiếng chổi đêm khuya

5h30 sáng, ánh đèn đường bắt đầu tắt. Những cánh cửa sau một đêm yên giấc dần hé mở. Nhịp sống ngày mới lại bắt đầu. Bóng dáng lầm lũi của chị Thanh nhỏ dần, nhỏ dần trên con đường mờ ảo. Chị và những người làm nghề như chị chẳng “như sắt như đồng” mà là một con người bằng xương bằng thịt, cũng phải mưu sinh và dễ tổn thương như bao người khác. Họ làm sạch phố phường, cũng chẳng mong ai thương mà chỉ mong con cái hiểu nỗi vất vả của nghề, chịu khó học hành giỏi giang để thoát kiếp khổ như của mẹ.

[E-Magazine] - Nghe tiếng chổi đêm khuya

Về đến nhà, nhìn đồng hồ, đã hơn 6h sáng, người ẩm ướt vì ngấm sương. Trong cơn thức - ngủ chập chờn, tôi vẫn còn nghe miên man đâu đó những tiếng chổi khuya, những tiếng chổi hằng đêm cần mẫn, cho mỗi sáng mai ra, phố phường lại tinh tươm, gọn ghẽ như vừa được gột rửa bởi một phép mầu nào đó.

Hãy gửi một lời cảm ơn tới họ. Để bản thân mỗi chúng ta, ý thức hơn về việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, ít nhất là trong việc vứt rác đúng nơi quy định.

Nội dung: Tăng Thúy

Trình bày và Ảnh: Phạm Nam

Xuất bản: 3:09:12:2020:11:11



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]