(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi giã bản, những ngôi nhà sàn ít nhiều để lại chút tiếc nuối với không gian cũ và con người cũ, nhưng lại mang đến cho nơi ở mới một luồng gió mát lành. Việc giữ hay mang nhà sàn xuống phố và phải hay nên nhìn theo hướng tích cực dựa trên yếu tố văn hóa là những vấn đề đặt ra xung quanh cuộc trao đổi giữa phóng viên với 2 kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Tiến Dũng và Bùi Thịnh.

Nhà sàn xuống phố: Nét đẹp hay sự lạc lõng?

Khi giã bản, những ngôi nhà sàn ít nhiều để lại chút tiếc nuối với không gian cũ và con người cũ, nhưng lại mang đến cho nơi ở mới một luồng gió mát lành. Việc giữ hay mang nhà sàn xuống phố và phải hay nên nhìn theo hướng tích cực dựa trên yếu tố văn hóa là những vấn đề đặt ra xung quanh cuộc trao đổi giữa phóng viên với 2 kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Tiến Dũng và Bùi Thịnh.

Nhà sàn xuống phố: Nét đẹp hay sự lạc lõng?

(Ảnh minh họa)

Được hay mất?

PV: Giữa hai quan điểm nhà sàn xuống phố điểm tô thêm nét đẹp đô thị và nhà sàn “chạy” về phố đơn lẻ và có phần lạc lõng, là kiến trúc sư, xin anh cho biết quan điểm cá nhân?

KTS Nguyễn Tiến Dũng: Về lý thuyết, cần hiểu nhà sàn là công trình kiến trúc có mái che, dùng để ở hoặc dùng vào những mục đích khác. Mặt sàn được xây cất bằng gỗ, liên kết ở lưng chừng các hàng cột. Gầm sàn là kho chứa nông sản, để một số nông cụ, hay nuôi thả gia súc... Nhà sàn vừa tận dụng được nguyên liệu tại chỗ để giải quyết mặt bằng sinh hoạt, vừa giữ được vệ sinh trong nhu cầu thoát nước, lại phòng ngừa thú dữ và các loại côn trùng.

Nhà sàn xuống phố và nhà ống lên rừng, theo quan điểm của tôi là khía cạnh tích cực trong sự giao thoa văn hóa. Nếu không có cộng đồng giữ lại văn hóa đấy thì khi trào lưu nhà ống lên rừng phát triển, rất dễ chúng ta sẽ ngày càng thiếu vắng hình ảnh nhà sàn. Tôi không cho rằng, người có tiền mang nhà sàn xuống phố tất cả đều là “trọc phú”, rất nhiều người trong số họ muốn giữ lại các giá trị văn hóa và kiến trúc của đồng bào dân tộc thiểu số.

PV: Đặt ra ngoài không gian núi rừng, liệu nhà sàn có giữ được nét văn hóa như chúng ta đang mong muốn không, thưa kiến trúc sư?

KTS Nguyễn Tiến Dũng: Phải khẳng định, nhà sàn xuống phố được đặt trong những khu đất rộng. Để nhận xét, đánh giá về yếu tố văn hóa cần nhìn tới các yếu tố tương tác khác. Chẳng hạn, để đạt được yếu tố tiện nghi sử dụng thì yếu tố văn hóa sẽ giảm bớt. Người ta phải cải biên, cải tiến từ tay vịn, đến mái nhà… nhưng vẫn còn giữ hồn cốt nét xưa, dù sắc thái của nhà sàn đó có thể làm mất đi một phần bản sắc văn hóa tộc người.

Bên cạnh đó, giá trị kinh tế luôn đồng hành cùng giá trị văn hóa. Khi có tiền người ta mua được nhà nguyên bản. Ít tiền hơn, họ có thể mua một phần lốt nhà, sau đó về phố gia công tiếp. Tất cả phụ thuộc vào tài chính của chủ đầu tư. Đương nhiên giữ được nguyên bản, giữ được hồn cốt văn hóa thì tỷ lệ thuận với giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, còn phải xét tới yếu tố quy hoạch đô thị và yếu tố tiện nghi sử dụng. Vì có người mang nhà sàn về xuôi chỉ để làm nhà thờ, làm nhà nghỉ cuối tuần, hoặc dựng lên để kinh doanh, thậm chí xẻ “thịt” để làm cánh cửa, gường tủ, thậm chí thành quan tài...

Nhà sàn xuống phố được “sống” trên một diện tích đất rộng, chúng ta đang sống trong môi trường nhà ống là môi trường yếm khí (không đủ oxy), khi nhà sàn xuống đây góp phần giúp hạ tầng đô thị không bị “đặc”, mà trở nên thoáng hơn rất nhiều.

Nhà sàn có đặc điểm là các mối lắp ráp, “mộng” rất đơn giản. Quá trình thi công và tháo dỡ đơn giản cũng là lý do nhà sàn có thể xuống phố. Nếu tháo ra mà mộng hỏng hết thì sẽ chẳng ai cho xuống phố. Và công năng của nhà sàn chủ yếu là giải quyết nhu cầu phục vụ ăn ở, sinh hoạt nên có hình thức đơn giản. Khi xuống phố được tút tát, chau chuốt bóng bẩy, và quan trọng hơn hết là đôn chân nhà lên để làm phòng khách, phòng bếp. Điều đó có nghĩa là tạo cho nhà sàn những tính năng mới, biến nhà sàn ở phố có chút khác biệt so với không gian gốc của nó.

Nếu để hỏi kiến trúc nhà sàn về phố có đẹp không, thực lòng mà nói nó đã giảm đi rất nhiều cái đẹp. Chính tỉ lệ chân sàn bị “đôn” cao đã khiến tỉ thức kiến trúc bị mất đi, không còn sự cân đối. Tuy vậy, là kiến trúc Việt Nam, nhà sàn về phố thêm một nét đẹp cho phố thị, đô thị.

Để nói có nên khuyến khích đưa nhà sàn xuống phố không? Tôi nghĩ không cần, tự xã hội và các nhu cầu của con người hình thành. Chỉ gia chủ có đất đủ diện tích mới có thể làm nhà sàn, còn nhà lô phố thì không thể. Điều đó khẳng định nhà sàn về phố không ảnh hưởng đến cảnh quan của đô thị.

Tại sao không sử dụng gỗ tái sinh để làm nhà sàn?

PV: Ngoài yếu tố văn hóa, nếu đặt ra bài toán kinh tế và yếu tố tiện ích phục vụ sinh hoạt thường ngày, quan điểm của anh thế nào?

KTS Bùi Thịnh: Chưa nói đẹp hay xấu, chúng ta phải xác nhận sự xuất hiện nhà sàn ở nơi mình đang sinh sống là sự giao thoa văn hóa. Cái đang tồn tại là cái hiện hữu được xã hội công nhận, dù thích hay không? Cho nên nói về khía cạnh văn hóa, hãy đừng nghĩ nó là cái gì lạ lẫm hay làm xấu đi. Khi có giao thoa đồng nghĩa xã hội phát triển, cởi mở. Còn xét về giá trị sử dụng, nhà sàn hữu dụng ở kiến trúc khí hậu nhiệt đới ẩm ướt, nhiều muỗi, côn trùng…

Thực ra, không ai đưa nhà sàn xuống phố để ở, vì xét về tính tiện nghi thì không bằng nhà lô phố, dù được cải tiến, được hiện đại hóa những hạng mục phục vụ con người. Hầu hết các “đại gia”, “tay chơi” khi mang nhà sàn xuống phố đều không nhằm mục đích để ở, mà nó còn là tài sản dư ra, hay của để dành. Nếu ở không gian vùng cao, thân nhà hạn chế chiều cao để tránh gió, sàn dưới chủ yếu để nuôi súc vật, và các hệ thống giằng của nhà sàn rất đơn giản, thậm chí không có hệ thống chống chéo nên rất dễ bị xô lệch, nghiêng vẹo. Chính điều đó làm hạn chế khi nhà sàn xuống phố, và buộc người chơi phải tái chế để phù hợp với đô thị.

PV: Ngoài yếu tố văn hóa, thay vì mang nguyên nhà sàn về xuôi, tại sao không xây nhà bê tông cốt thép giống nhà sàn, hay có thể làm nhà sàn bằng gỗ tái sinh, thưa kiến trúc sư Bùi Thịnh?

KTS Bùi Thịnh: Qua quá trình khảo sát tôi biết, các loại gỗ cây bạch đàn, cây keo vàng ở Vĩnh Lộc, Như Xuân... trồng khoảng trên 15 năm đều có thể sử dụng làm nhà sàn rất tốt. Dựng một nhà sàn chất liệu gỗ bạch đàn chỉ mất 150 triệu đồng, nhưng mua một nhà sàn cũ phải chi ra trên 300 triệu đồng, tương đương về mặt giá trị và công năng sử dụng. Ngược lại, đồng bào miền núi lại sẵn sàng bán cái nhà sàn giá 200 - 300 triệu đồng để có tiền làm một cái nhà xi măng cốt thép. Xin thưa vài trăm triệu để làm nhà ống ở miền núi lại không thấm thía vào đâu, may ra được cái nhà tuềnh toàng, trống rỗng vì nhân công, vật liệu xây dựng đều đắt.

Vấn đề ở đây cần khẳng định là tại sao họ không sử dụng các vật liệu thay thế? Là vì họ không thích. Đối tượng đưa nhà sàn về phố thường là những người thích chơi và thích khoe. Khoe gỗ ấy. Gỗ tự nhiên. Không phải dễ dàng mà đồng bào có được cái nhà sàn, phải là nhà có điều kiện, phải tích gỗ cả đời, đổi công cho nhau hoặc đổi gỗ lấy công của người khác thì mới dựng nên được cái nhà sàn. Vì thế, nếu gia đình có điều kiện thì sẽ làm nhà sàn bằng xoan, táu, còn người nghèo hơn thì chỉ có gỗ tạp. Những người có tiền thường sẽ đến những gia đình khá giả trong bản để tìm mua nhà sàn vì giá trị kinh tế cao, vì chắc chắn họ dựng nhà bằng gỗ tốt. Cá nhân tôi rất phản đối việc vận chuyển nhà sàn xuống phố không chỉ vì các yếu tố pháp lý mà quan trọng hơn khiến rừng ngày càng cạn kiệt với nạn tìm gỗ, chặt gỗ dựng nhà.

Chi Anh (thực hiện)


Chi Anh (thực hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]