(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngoài các cuộc gọi trực tiếp, giờ đến cả tin nhắn rác cũng xuất hiện cả ngày lẫn đêm khiến người dùng điện thoại vô cùng mệt mỏi và ngán ngẩm.

Mệt mỏi vì cuộc gọi, tin nhắn rác

Ngoài các cuộc gọi trực tiếp, giờ đến cả tin nhắn rác cũng xuất hiện cả ngày lẫn đêm khiến người dùng điện thoại vô cùng mệt mỏi và ngán ngẩm.

Mệt mỏi vì cuộc gọi, tin nhắn rác

Hàng loạt tin nhắn rác gửi vào số di động bất kể ngày đêm gây khó chịu cho người sử dụng. (Ảnh minh họa)

Nhà có người thân bị bệnh nặng nên những ngày này cả gia đình như ngồi trên đống lửa. Điện thoại lúc nào cũng trong trạng thái “trực chiến” nên chuông chưa kịp đổ lần 2 tôi đã nghe máy. Đầu dây bên kia là lời chào mời bảo hiểm. Hơi bực bội, tôi vẫn giữ lịch sự, nhẹ nhàng từ chối với lý do “Em đã mua bảo hiểm rồi”. Người gọi tiếp tục chất vấn: “Em biết chắc chị chưa mua nên mới gọi để tư vấn, chị dối em làm gì. Chị có con nhỏ, lại sắp sinh… rất nên mua bảo hiểm. Chúng em đang có các gói bảo hiểm A, B, C cho mẹ và con. Chị không mua sau này sẽ hối hận”, rồi cúp máy. Tôi thật sự bất ngờ, nghĩ mãi vẫn không thể hiểu các công ty bảo hiểm giờ “thông thái” đến mức thế sao? Biết rõ người nào có bảo hiểm, người nào chưa và gia cảnh của từng người.

Tối về, tôi đem chuyện kể với chồng, anh phán một câu xanh rờn: “Nghề của người ta, em thắc mắc làm gì. Sau họ có gọi thì cứ nói thẳng, chồng em bán bảo hiểm”. Chồng tôi là nhân viên ngân hàng, thường các ngân hàng sẽ liên kết với các công ty bảo hiểm để bán bảo hiểm nên “thâm cung bí sử” của ngành anh cũng biết ít nhiều. Anh giải thích đại khái, sẽ có một nhóm người chuyên gọi điện chào mời mua hàng, tư vấn dịch vụ như vậy. Họ được trả tiền để làm việc đó nên nó có thể được xem là một nghề. Dù bị khách phản ứng, không bán được gì, họ vẫn đạt được mục đích là giúp doanh nghiệp truyền đi thông điệp “có một công ty hoặc một sản phẩm, một dịch vụ tên như vậy đang tồn tại trên thị trường”. Vì thế, hình thức này được rất nhiều các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp dịch vụ lựa chọn vì hiệu quả, tiết kiệm chi phí… Về việc làm sao để có thông tin khách hàng, anh tiết lộ một số kênh, như: liên kết khách hàng giữa công ty bảo hiểm, ngân hàng, công ty tín dụng…; sử dụng mối quan hệ cá nhân hoặc bỏ tiền ra mua…

Ngồi suy nghĩ lại mới thấy, việc một “thế lực” nào đó muốn thu thập thông tin cá nhân của mình cũng đâu phải quá khó, nhất là trong thời đại 4.0 như hiện nay. Nhiều người có tâm lý “sẵn sàng đánh đổi thông tin đời tư, thông tin cá nhân để lấy sự tiện ích về mặt công nghệ”, ví dụ như chị em chúng tôi muốn đăng kí tài khoản Shopee cũng phải cung cấp địa chỉ nhà, số điện thoại… Việc bảo vệ thông tin khách hàng không tốt dễ khiến dữ liệu cá nhân bị kẻ xấu chiếm đoạt và đăng tải công khai.

Những ngày sau, tôi vẫn nhận được các cuộc gọi mời mua bảo hiểm từ các công ty khác nhau, lớp học năng khiếu cho con, mua đất, việc nhẹ lương cao, mời vay tiền... Dù biết mỗi người mỗi việc ai cũng vì mưu sinh, nhưng mỗi ngày phải nghe nhiều cuộc gọi như thế rất bực mình. Ngoài các cuộc gọi trực tiếp, tin nhắn từ các công ty tuyển dụng, trúng thưởng, xổ số… cũng liên tục được gửi vào số điện thoại. Phiền phức, tôi báo cáo tin nhắn rác, chặn luôn các cuộc gọi quảng cáo. Tuy nhiên, chặn số này, số khác lại xuất hiện.

Mang chuyện đi ca thán với người thân, bạn bè, tôi bất ngờ khi họ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Không ít trường hợp nhẹ dạ cả tin còn mất tiền oan vì cuộc gọi của công an, nhân viên cục thuế rởm.

Bộ Công an cũng đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi rác, tuy nhiên kết quả vẫn không mấy khả quan. Mong rằng thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm soát sim “rác”, các đối tượng sử dụng sim “rác”, nhắn, gọi quảng cáo sai quy định pháp luật.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]