(vhds.baothanhhoa.vn) - Mua hàng online trở thành một thói quen và là lựa chọn tối ưu với nhiều người, nhất là dân công sở. Thế nhưng dùng hình thức mua sắm này nhiều khách hàng vẫn mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Nhiều tiện lợi, nhưng lo hàng giả

Mua hàng online trở thành một thói quen và là lựa chọn tối ưu với nhiều người, nhất là dân công sở. Thế nhưng dùng hình thức mua sắm này nhiều khách hàng vẫn mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Nhiều tiện lợi, nhưng lo hàng giảChị Trần Thị Tươi đang ghi lại các đơn hàng cho khách.

Nhiều tiện lợi

Chị Nguyễn Thị Thư (khu đô thị An Hoạch, phường An Hưng, TP Thanh Hóa), chia sẻ với chúng tôi: “Mấy hôm nay, dọn dẹp cất đồ đông và lôi đồ mùa hè ra, thấy cái gì cũng thiếu. Nhưng chỉ cần ngồi lướt

internet vài ba giờ đồng hồ là có thể mua đầy đủ đồ cho cả gia đình”. Rồi chị Thư chỉ cho chúng tôi đống đồ mà shipper vừa chuyển đến, từ quần áo, đồ bơi, kem chống nắng... “Từ lâu, tôi hoàn toàn mua đồ online, một phần vì không có thời gian để đi lượn, phần vì không thích cảnh đi từng cửa hàng, dừng xe, đỗ xe, chưa kể đường giờ tan tầm rất đông”. Chính vì thế, trừ đồ ăn hàng ngày, còn mọi thứ khác chị Thư đều đặt mua online.

Xu hướng tiêu dùng này đã “lây lan” sang hầu hết giới công chức nhà nước. Chị Quyên Chung (SN 110, Lê Thánh Tông, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), cho biết: "Thay vì ra chợ lựa chọn cái này cái kia, tôi vào trang facebook cá nhân của người bán hàng đặt mua quần áo, giày dép, hải sản... Thật sự tôi tiết kiệm được khá nhiều thời gian. Thời gian rảnh rỗi tôi chơi với con, đi tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe”.

Còn anh T.P. Điệp (99 Trần Phú, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Thay vì lựa chọn các sàn thương mại điện tử, tôi thích mua online ở các hộ “tiểu thương” hơn. Chỉ cần đặt hàng, từ 1-2 giờ sau tôi đã nhận được. Quan trọng hơn, tôi biết rõ họ ở địa chỉ, số nhà cụ thể để phản hồi, thậm chí trả lại sản phẩm”.

Với các mẹ “bỉm sữa”, không ai không biết đến “Hội Mang thai và nuôi con nhỏ Thanh Hóa”, với gần 300.000 thành viên, mỗi ngày khoảng 1.800 bài viết mới. Đây là một hình thức “chợ” online nơi người dùng có thể rao bán hoặc tìm mua các món hàng, dịch vụ theo nhu cầu. Chị Lê Thị Hồng Thi (facebook Minh Thi) - Quản trị nhóm, cho biết: “Sau hơn 6 năm hoạt động với một lượng thành viên nhất định, từ tháng 8-2020, nhóm cho thuê bán hàng với mức giá là 300.000 đồng/6 tháng, 500.000 đồng/năm. Từ phản hồi của người bán và cả người mua tôi thấy rất nhiều những ưu điểm của việc mua bán online”. Chị Trần Thị Tươi (16/42 Thôi Hữu, phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa có facebook: Tươi Trần) là một “tiểu thương online” gắn bó với “Hội Mang thai và nuôi con nhỏ Thanh Hóa” từ tháng 6-2014 đến nay. Ban đầu chị đến với hội nhóm này chủ yếu bán đồ gia dụng, thỉnh thoảng có kết hợp bán thịt bò khô handmade. Sau thời gian sử dụng khách hàng dần quen, chị tập trung bán trên facebook cá nhân hàng thịt bò khô do chính mình làm ra. Chị Tươi chia sẻ: “Thực ra bán hàng online điều quan trọng nhất là lấy được niềm tin với khách hàng. Không chỉ thuận tiện, giá thành đảm bảo mà chất lượng phải thật sự tốt”. Sản phẩm bò khô của chị hiện nay rất được ưa chuộng, mỗi tuần bán tới 50-70 kg, những ngày cao điểm có khi không đủ hàng phục vụ khách. Chị còn nói vui: “Theo kế hoạch chuẩn bị cho ngày nghỉ lễ 30-4 này, tôi đã liên hệ để đặt trước thịt bò, thịt lợn sề ngon. Vì thời điểm này mùa du lịch bắt đầu, gần nhất là 4 ngày nghỉ lễ 30-4 - 1-5, một số khách hàng đã đặt trước để làm quà cho bạn bè, người thân”.

Không thuê mặt bằng ở những phố lớn, chị Ngô Thu Hường mở cửa hàng quần áo ngay trong nhà (118, Lê Thánh Tông, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa). Ngoài giờ làm công chức phường An Hưng, chị bán hàng quần áo như một thú vui. Cửa hàng nhỏ, không nhiều người biết đến, chính vì thế chị thường xuyên livestream vào các buổi tối. Khách xem live đặt hàng và có thể đến tận nơi mua trực tiếp. “Lượng khách online của tôi nhiều hơn khách đến trực tiếp tại cửa hàng. Những ngày đầu hè này, khách mua nhiều, đặc biệt là các loại váy đi biển”, chị Hường chia sẻ.

Mặt hàng các loại bánh như: bánh nếp, bánh răng bừa, bánh chưng, bánh cháy, hay nem chua của chị Trịnh Vân Hương (thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa) có thể bán được cả năm, nhưng “mùa hè, nhu cầu tiêu dùng cao, con cái nghỉ hè các bố mẹ thường xuyên tổ chức đi du lịch, về thăm ông bà, vì thế mà tôi thường bán được nhiều hàng hơn”. Chị nói với chúng tôi về những lợi thế của việc bán hàng online như không mất phí thuê mặt bằng nên giá cả cạnh tranh; cập nhật hàng hóa, quảng bá, kết nối với khách hàng nhanh và hiệu quả. Cá nhân chị có nhiều bạn bè, người này giới thiệu cho người kia, đơn hàng của chị không chỉ trong tỉnh, mà còn đi tận TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Để quảng cáo tới khách hàng, nhiều khi chị còn có chương trình tặng khách ăn thử không mất tiền ship.

Vẫn lo hàng giả, hàng kém chất lượng

Để chuẩn bị đi hội lớp, chị Hà Thị Thoa (xã Quảng Minh, TP Sầm Sơn) vừa đặt mua 3 sản phẩm: dưỡng da ngày, đêm và kem chống nắng qua livestream của một facebook địa chỉ ở TP Thanh Hóa, có lượng khách xem live và lượt chia sẻ rất đông. Hầu hết các comment đều nhận xét tốt về sản phẩm, lại thêm giá rẻ hơn đáng kể so với mua tại cửa hàng, vì thế chị tin tưởng đặt online. Tuy nhiên, khi sử dụng, chị Thoa có cảm giác sản phẩm chất lượng không được như chị thường xuyên mua. “Tuy chưa thấy tác dụng phụ nào nghiêm trọng nhưng tôi vẫn lo lắng không biết có mua phải hàng giả, nhất là khi giá rẻ hơn bình thường khá nhiều. Có lẽ tôi sẽ trở lại với hình thức mua hàng truyền thống để yên tâm hơn”.

Chị Lan (phòng 714, CT3, chung cư Phú Sơn) đến giờ vẫn tẩy chay mua online vì chị đã bị dính “phốt”. Chị xem live và mua quần áo cho 3 mẹ con với giá 3 triệu đồng. Trên live cái nào cũng đẹp lại còn được cam đoan: Không ưng, trả lại. Nhưng đến lúc nhận hàng, chị thấy như một đống quần áo cũ, xấu hơn cả đồ chị vừa đóng túi bỏ đi. Chị phản hồi ngay với người bán, nhưng chỉ nhận được thêm cục tức.

Nhiều tiện lợi, nhưng lo hàng giả

Với việc tiết kiệm chi phí, thời gian cho cả người bán và người mua; phá bỏ rào cản về không gian và thời gian trong kinh doanh, thương mại điện tử hay bán hàng online đang thực sự là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và cá nhân. Tuy nhiên, chính những “tai nạn” mua sắm mà rất nhiều người e dè khi mua online, đồng thời, kênh bán hàng trên facebook đang bị hạn chế, “bóp” tương tác, nhà nhà bán online, buộc những người tham gia bán hàng online phải có chiến lược truyền thông, quảng cáo, tìm nguồn hàng chất lượng cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng để giữ chân khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới.

Bài và ảnh: Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]