(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong thời đại số, thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu thế tất yếu. Đặc biệt, sau hơn 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19 phải hạn chế tiếp xúc để phòng, chống dịch thì thanh toán không dùng tiền mặt với sự tiện lợi và an toàn đã thực sự “lên ngôi”, dần trở nên quen thuộc với bộ phận không nhỏ người dân.

Thanh toán không dùng tiền mặt “lên ngôi” thời hậu COVID-19

Trong thời đại số, thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu thế tất yếu. Đặc biệt, sau hơn 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19 phải hạn chế tiếp xúc để phòng, chống dịch thì thanh toán không dùng tiền mặt với sự tiện lợi và an toàn đã thực sự “lên ngôi”, dần trở nên quen thuộc với bộ phận không nhỏ người dân.

Thanh toán không dùng tiền mặt “lên ngôi” thời hậu COVID-19Tại siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt chiếm khoảng 40%.

Tiện ích... cả đôi bên

Hơn 50 tuổi, bà Hoàng Thị Hồng ở xã Đa Lộc (Hậu Lộc) làm nghề kinh doanh tạp hóa. Với quan niệm “đồng tiền đi liền khúc ruột”, bao năm qua bà chỉ quen dùng tiền mặt. Ngày buôn bán, tối lại soạn tiền để hôm sau nhập hàng, trả lại tiền thừa cho khách. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 xảy đến phải hạn chế tiếp xúc trực tiếp, nhiều đầu mối giao hàng đề nghị được nhận tiền thông qua phương thức chuyển khoản, bà Hồng đành phải ra ngân hàng mở tài khoản. Sau thời gian sử dụng, bà cho biết: “Ban đầu tôi cũng ngại lắm vì nghĩ mình kém về công nghệ. Không ngờ dùng rồi mới thấy tiện lợi, nhanh gọn thật sự. Chưa kể, nhiều người mua hàng nhưng không có tiền mặt thì mình vẫn có thể cho chuyển khoản thanh toán, chứ không là lại nợ, phải ghi sổ mệt lắm”.

Chị Nguyễn Thị Huệ, 32 tuổi, ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) là nhân viên văn phòng nên vốn đã quen sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. “Trước đây tôi thường thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng trên mạng và các hóa đơn (điện, nước) thông qua các app (ứng dụng). Thời gian dịch bệnh bùng phát, mua thực phẩm hàng ngày, khi cửa hàng giao đến thì tôi chuyển khoản thanh toán, đi siêu thị cũng thanh toán qua thẻ, rồi cả nộp tiền học cho con... Sử dụng nhiều thành quen nên rất ít khi trữ tiền trong ví, nếu có cũng chỉ một vài trăm nghìn chi dùng lặt vặt. Bây giờ nhiều khi ra khỏi nhà, có thể quên ví chứ không quên điện thoại”, chị Huệ chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Thanh, nhân viên bán hàng tại cửa hàng mỹ phẩm Cỏ Mềm (phố Cao Thắng, TP Thanh Hóa), cho biết: “Bên cạnh việc thanh toán tiền mặt, cửa hàng luôn khuyến khích khách thanh toán thông qua chuyển khoản, quẹt thẻ, quét mã QR hay một số ứng dụng như ZaloPay; VNPT Pay... để sử dụng các “mã giảm giá”. Việc khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt cũng tránh cho nhân viên bán hàng khỏi những sơ suất (tiền thật, tiền giả, trả nhầm...) đáng tiếc”.

Còn tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, thanh toán không dùng tiền mặt được nhiều khách hàng lựa chọn. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc siêu thị, thông tin: “Với khách hàng dù mua trực tiếp hay đặt hàng online thì đều được siêu thị Co.opmart khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Thay vào đó là thanh toán qua quét thẻ ngân hàng hay các app, ví điện tử với nhiều chương trình tiện ích như tặng điểm thưởng, tặng mã giảm giá trừ trực tiếp vào hóa đơn mua hàng của khách. Hiện nay, tỷ lệ khách mua hàng tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa thanh toán không dùng tiền mặt chiếm khoảng 40%”.

Đa dạng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt

Nhằm thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa: Những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử. Đến nay, đã có hơn 1,5 triệu thẻ được phát hành trên địa bàn cả tỉnh. Toàn tỉnh có 310 máy ATM lắp đặt cố định và 1 máy ATM di động của 30 chi nhánh ngân hàng thương mại đang hoạt động. Hầu hết, các máy ATM đều đặt ở vị trí thuận tiện, khu vực trung tâm thương mại, khu công nghiệp, siêu thị, bưu điện, bệnh viện... Tại mỗi nơi đặt máy ATM đều có dán các biểu tượng của các loại thẻ được chấp nhận thanh toán, số điện thoại đường dây nóng khi cần liên hệ xử lý sự cố và giải đáp thắc mắc về thẻ. Toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh hiện nay có 915 máy POS (máy bán hàng chấp nhận thẻ của các ngân hàng để thanh toán hóa đơn, dịch vụ) được lắp đặt và đi vào hoạt động.

Thanh toán không dùng tiền mặt “lên ngôi” thời hậu COVID-19Anh Nguyễn Văn Thanh - nhân viên bán hàng cửa hàng mỹ phẩm Cỏ Mềm: Thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ tiện lợi cho khách mà còn cả cho nhân viên bán hàng.

Để có thể sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều người nghĩ đến việc bắt buộc phải có tài khoản và thẻ ngân hàng. Điều này là một khó khăn đối với người dân ở khu vực miền núi cách xa địa điểm đặt máy ATM. "Từ tháng 11-2021, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã chính thức triển khai Hệ sinh thái tài chính số VNPT Money bao gồm các dịch vụ tiền di động, ví điện tử và tài khoản ngân hàng, với mong muốn đem đến môi trường số hóa tài chính đơn giản, an toàn, tiện lợi và đặc biệt phù hợp với mọi đối tượng người dân, ở nhiều khu vực, vùng miền, khoảng cách địa lý”, ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Thanh Hóa, cho biết.

Theo đó, người sử dụng chỉ cần tối thiểu số điện thoại đăng ký đã có thể tạo lập tài khoản VNPT Money trên điện thoại di động. Tiền trong VNPT Money được chuyển từ tài khoản ngân hàng hoặc nạp - rút tiền trực tiếp tại các điểm giao dịch của VNPT. Đáng chú ý, người dân có thể sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt qua VNPT Money bằng điện thoại thông thường chứ không bắt buộc phải là smart phone và sử dụng ở cả những nơi vùng núi, hải đảo không có sóng internet, 3G/4G. Việc sử dụng thanh toán qua VNPT Money được cho là dễ dàng hơn với đối tượng là người có tuổi và chậm về công nghệ.

Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Thanh Hóa Nguyễn Thái Sơn, dù mới triển khai song VNPT Money đã được “phủ sóng” bởi nhiều địa điểm chấp nhận thanh toán từ trung tâm thương mại đến cửa hàng bán lẻ. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 điểm nạp, rút tiền - cũng là các điểm giao dịch của VNPT. Trong thời gian tới, VNPT đang đề ra mục tiêu xây dựng ở mỗi huyện miền núi từ 1 đến 2 điểm giao dịch phục vụ người dân nạp, rút tiền vào tài khoản VNPT Money. Cùng với đó đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân biết, làm quen với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt mới của VNPT thông qua việc thanh toán các dịch vụ thiết yếu nhất như điện, nước, internet...

Với sự phát triển công nghệ cũng như “tham vọng” của các ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ... thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang đi vào đời sống, từng bước thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân, ngay cả khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]