(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện 2 khâu đột phá: “Hỗ trợ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận chính quyền số, kinh tế số, xã hội số” và “Đồng hành xây dựng chi hội, tổ phụ nữ vững mạnh”, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Thúc đẩy Chuyển đổi số ở các cấp hội phụ nữ

Thực hiện 2 khâu đột phá: “Hỗ trợ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận chính quyền số, kinh tế số, xã hội số” và “Đồng hành xây dựng chi hội, tổ phụ nữ vững mạnh”, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Thúc đẩy Chuyển đổi số ở các cấp hội phụ nữĐồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc “Ngày phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp” năm 2023.

Trong thời gian qua, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) trên địa tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ CĐS như: Tổ chức hội nghị tập huấn CĐS trong hệ thống hội, phần mềm quản lý cán bộ, hội viên, phụ nữ; tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), sử dụng các phần mềm trong công tác hội cho cán bộ hội.

Các cấp hội bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, định hướng của hội cấp trên, chủ động, đổi mới nội dung, đa dạng, linh hoạt hình thức tuyên truyền trên các nền tảng số như zalo, facebook, fanpage... Phối hợp với cơ quan tuyên truyền xây dựng gần 17.000 tin, bài, phóng sự; cung cấp gần 300 điển hình tiêu biểu cho các cơ quan truyền thông, Hội LHPN Việt Nam tuyên truyền. Phát hành 21.000 cuốn Thông tin Phụ nữ Thanh Hóa; cấp phát 5.200 cuốn Thông tin Phụ nữ Việt Nam, triển khai các tài liệu sinh hoạt hội viên đến 100% chi, tổ phụ nữ làm tài liệu sinh hoạt hội viên. Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng”; “Tìm hiểu công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”, “Tìm hiểu kiến thức Luật phòng, chống bạo lực gia đình”...

Các cấp hội đẩy mạnh CĐS trong các hoạt động, phát hành và tiếp nhận văn bản qua hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp; đã có 212.013 phụ nữ được tập huấn kiến thức về CĐS, ứng dụng CNTT, sử dụng mạng xã hội an toàn; 100% hội LHPN các cấp có trang fanpage, nhóm zalo để tuyên truyền; vận động, tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, hội viên phụ nữ và người thân cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, cách thức đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025” (gọi tắt là Đề án 939), Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế ngày càng đa dạng và hiệu quả; tổ chức các lớp tập huấn kinh doanh online, tham gia các kênh, nhóm kinh doanh trên mạng xã hội... để có môi trường và kỹ năng vận dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Từ Đề án 939, nhiều mô hình mới, cách làm hay đã được Hội LHPN tỉnh triển khai. Đến nay đã có trên 15.000 phụ nữ trong tỉnh được hỗ trợ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh; hơn 800 doanh nghiệp nữ, 72 HTX, 96 tổ hợp tác được thành lập; hơn 800 sản phẩm của hội viên, phụ nữ được giới thiệu trên không gian mạng; 114 ý tưởng xuất sắc được vinh danh, trong đó có 6 dự án, ý tưởng xuất sắc được Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ nguồn lực để phát triển... Đây là những minh chứng rõ nét nhất cho sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của toàn tỉnh.

Thúc đẩy Chuyển đổi số ở các cấp hội phụ nữHội LHPN TP Thanh Hóa tích cực ứng dụng CNTT, CĐS trong hoạt động công tác hội.

Tại Hội LHPN TP Thanh Hóa, xác định ứng dụng CNTT hướng tới CĐS phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp quan trọng để đổi mới phương thức hoạt động hội, lấy hội viên, phụ nữ làm trung tâm; cán bộ hội LHPN các cấp thành phố làm nòng cốt trong chỉ đạo, thực hiện ứng dụng CNTT trong hoạt động hội và hướng dẫn hội viên, phụ nữ tham gia CĐS. Bà Tạ Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Thanh Hóa cho biết: Thời gian qua, cán bộ hội cơ sở đã chủ động, tích cực tham gia vào Tổ Công nghệ số cộng đồng, trực tiếp hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiếp cận với các giao dịch điện tử, mua bán trực tuyến, tham gia sàn giao dịch nông sản, dịch vụ công, các nền tảng số phục vụ sản xuất kinh doanh, nền tảng xã hội số và các hoạt động của hội trên không gian mạng. Đưa nội dung nâng cao năng lực, kỹ năng ứng dụng CNTT, CĐS, an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ tính riêng tư cá nhân trên không gian mạng cho cán bộ hội vào chương trình đào tạo nghiệp vụ hằng năm. Đầu tư, nâng cấp máy tính, hệ thống mạng LAN, mạng Internet băng thông rộng... cho cán bộ hội, đảm bảo hoạt động ứng dụng CNTT, CĐS trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao...

Hội LHPN TP Thanh Hóa phấn đấu đến hết năm 2026, 100% hội LHPN thành phố, phường, xã có kiến thức, kỹ năng quản lý fanpage, tuyên truyền, phổ biến thông tin hoạt động hội trên nền tảng mạng xã hội đảm bảo an toàn, đúng quy định. Có ít nhất 50% hoạt động truyền thông, 70% tài liệu truyền thông của các cấp hội được số hóa; 100% cơ quan hội LHPN các cấp sử dụng phần mềm quản lý văn bản liên thông với trục văn bản quốc gia; 100% văn bản do Hội LHPN thành phố ban hành được ký số, phát hành điện tử qua trục liên thông văn bản quốc gia (trừ văn bản mật theo quy định); 90% văn bản đến Hội LHPN thành phố và 80% văn bản đến cấp hội cơ sở được xử lý trên môi trường mạng...

Thực hiện khâu đột phá “Hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực, ứng dụng CNTT, tiếp cận chính quyền số, kinh tế số, xã hội số”, bà Trương Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hậu Lộc cho biết: Đến nay, 100% các chủ tịch cơ sở trực thuộc Hội LHPN huyện Hậu Lộc đã ứng dụng thành thạo CNTT trong quản lý, điều hành, giải quyết công việc; định kỳ cập nhật thông tin, số liệu, báo cáo trên phần mềm quản lý cán bộ, hội viên và phần mềm báo cáo tổng hợp thống kê; 10/23 cơ sở hội đã thành lập được fanpage của hội cơ sở; fanpage của Hội LHPN huyện Hậu Lộc luôn được duy trì và hoạt động tích cực, hiệu quả; phát động cán bộ, hội viên tham gia cuộc thi trực tuyến trắc nghiệm “Tìm hiểu truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” (đã có 653 lượt hội viên tham gia thi) và thi trực tuyến “Phòng chống bạo lực gia đình” (qua 4 tuần thi, có 762 lượt hội viên tham gia thi)... Đây là những kết quả tích cực từ việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ của các cấp Hội LHPN huyện Hậu Lộc.

Nỗ lực thực hiện CĐS nhằm xây dựng tổ chức hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, các cấp hội LHPN trong toàn tỉnh đã, đang tích cực thực hiện chủ đề năm “Tập trung xây dựng cơ sở hội, trọng tâm là nâng cao năng lực cán bộ hội cơ sở”; chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ hội các cấp, tổ chức tập huấn, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay, việc làm tốt ở mỗi địa phương, đơn vị; đẩy mạnh CĐS trong hoạt động hội, triển khai đồng bộ, hiệu quả phần mềm quản lý cán bộ, hội viên và phần mềm báo cáo tổng hợp thống kê... nhằm thực hiện công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và CĐS thành công.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]