(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm dưới chân dãy Ngàn Nưa (núi Nưa), làng cổ Cổ Định (nay là thị trấn Nưa), huyện Triệu Sơn mang trong mình lớp lớp trầm tích văn hóa - lịch sử lắng đọng bao đời. Trong đó, bên cạnh sự sầm uất của một thị trấn giao thương phát triển, nhà gỗ cổ Ngàn Nưa như một nét đẹp trầm mặc trong bức tranh đa sắc màu.

Những căn nhà cổ dưới chân Ngàn Nưa

Nằm dưới chân dãy Ngàn Nưa (núi Nưa), làng cổ Cổ Định (nay là thị trấn Nưa), huyện Triệu Sơn mang trong mình lớp lớp trầm tích văn hóa - lịch sử lắng đọng bao đời. Trong đó, bên cạnh sự sầm uất của một thị trấn giao thương phát triển, nhà gỗ cổ Ngàn Nưa như một nét đẹp trầm mặc trong bức tranh đa sắc màu.

Những căn nhà cổ dưới chân Ngàn NưaSau hơn 100 năm, căn nhà gỗ cổ của gia đình bà Hứa Thị Sen đang được giữ gìn với kiến trúc ban đầu.

Từ Kẻ Nứa... đến thị trấn Nưa

Thuở xa xưa, trên dải núi Nưa rậm rạp tầng tầng, lớp lớp cây rừng, trong đó có một loại cây nhỏ, thân thẳng đứng mọc nhiều vô kể và người dân thường gọi cây nứa (họ nhà luồng, vầu). Cây nứa nhỏ, dễ khai thác, lại thiết yếu với đời sống người dân: củi đốt bằng nứa, rui mè làm nhà bằng nứa, phên đan, lạt buộc bằng nứa, dây thừng, dây chảo, rổ rá, giành, giắng, cần câu, lừ, đó... đều làm bằng nứa ở núi Nưa. Nứa được tổ tiên của dân làng Cổ Định xa xưa mang đi bán khắp mọi chợ trong tỉnh. Họ đi từng đoàn, mỗi ngày có hàng trăm người gánh nứa đi bán nên người dân vùng khác thường gọi phường Kẻ Nứa. Bởi thế, tên gọi núi Nứa có từ trước tên gọi núi Nưa, mà theo người dân địa phương, tên núi Nứa - Kẻ Nứa có từ trước thời Triệu Đà xâm lược nước ta.

Chịu ảnh hưởng của thời Bắc thuộc, chữ Hán được sử dụng như văn tự ghi chép ở nước ta thời bấy giờ. Và núi Nứa phiên âm, chép thành “Na Sơn” vẫn được dân gian gọi nôm là núi Nưa; làng Kẻ Nứa (Hương Cá Na) biến âm thành Kẻ Nưa.

Trải qua thời gian, Kẻ Nưa lần lượt được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, như: hương Cổ Na, hương Cổ Ninh, Cổ Định. Sau Cách mạng Tháng Tám, Cổ Định được đổi tên thành Tân Ninh và nay là thị trấn Nưa.

Với lợi thế núi Nưa kéo dài, lại ở vị trí đắc địa “cửa ngõ” của cả một vùng “Bắc Nông Cống - Nam Triệu Sơn” và một phần Đông Sơn trở vào, dễ hiểu vì sao, vùng đất cổ Kẻ Nưa từ buổi ban sơ dựng làng, lập ấp đã nổi tiếng với hoạt động buôn bán sầm uất. Trong đó có nghề “sơn tràng” - khai thác lâm sản. Ngoài cây nứa, với đặc thù của rừng nhiều tầng, tán, núi Nưa cũng được biết đến với các loại gỗ quý: lim, táu... Và đây được xem như điều kiện thuận lợi tiên quyết để người Kẻ Nưa dựng lên những ngôi nhà gỗ.

Và những nếp nhà gỗ cổ trao truyền

Lần thứ hai ghé thăm căn nhà gỗ của gia đình bà Hứa Thị Sen ở làng Bính (nay là phố 4, thị trấn Nưa), trước mắt chúng tôi vẫn là khoảng sân, vườn sạch sẽ tinh tươm, nếp nhà xưa giản dị, màu thời gian phủ lên mái ngói, cột, kèo, ban thờ và những vật dụng trong nhà. Ở tuổi ngoài 90, vợ chồng cụ bà Hứa Thị Sen sức khỏe đã suy giảm nhiều. Tuy nhiên, vẫn nụ cười đôn hậu, cụ bà chủ nhà tiếp chúng tôi với sự gần gũi, chân tình. Bà cho biết: “Từ khi bước chân về đây làm dâu, ngôi nhà này đã được dựng lên. Trước đó, ông bà nội, bố mẹ chồng của bà đều ở trong căn nhà này. Sau đó là con, rồi cháu. Đến thời điểm hiện tại đã 6 thế hệ sinh sống tại đây. Nhà được dựng năm 1907, đến nay là 114 năm”.

Được dựng năm 1930, ngôi nhà cổ của gia đình ông Lê Bật Điển (phố 10) tính đến nay cũng đã có 91 năm tuổi, với 5 thế hệ trong gia đình từng sinh sống. Đặc biệt, không chỉ cố giữ lại nếp nhà xưa, ngay cả cổng ngõ vào nhà cũng được gia chủ bảo tồn, với quan điểm: “Đời mình được thừa hưởng căn nhà là tài sản của ông, cha để lại. Tôi lấy vợ, sinh con, đẻ cái ở đây. Giờ già rồi, ở tuổi gần đất xa trời chỉ muốn giữ lại chút gì của gia tiên cho cháu con nhớ về nguồn cội. So với nhà bê tông cao tầng thì ngôi nhà dường như nhỏ bé, nhưng đời ông cha đã phải chắt chiu, dành dụm bao lâu mới dựng lên được. Cuộc sống hiện đại, phá dễ lắm, giữ mới khó”.

Những căn nhà cổ dưới chân Ngàn Nưa

Theo thống kê năm 2002, trên địa bàn thị trấn Nưa có khoảng 80 ngôi nhà gỗ ở tuổi đời trên 70 năm. Đến năm 2013 con số đó giảm còn 44 và đến nay chỉ còn 25 ngôi nhà với tuổi đời trên dưới trăm năm tuổi. Có thể kể đến một số căn nhà trên 100 năm tuổi, như: Nhà ông Hứa Viết Sinh (phố 4) xây dựng năm 1890; nhà ông Lê Đình Cảnh (phố 4) xây dựng năm 1886; nhà ông Lê Đồng Thực (phố 11) xây dựng năm 1890; nhà ông giáo Hào - Lê Sỹ Hưng (phố 1) xây dựng năm 1906... Trải qua thời gian, những căn nhà gỗ ở đây đã ít nhiều cải tạo, nâng cấp để phù hợp với công năng sử dụng, trong đó việc giữ lại kiến trúc được ưu tiên hàng đầu.

Việc giảm dần nhà gỗ cổ ở thị trấn Nưa có nhiều nguyên nhân: Gỗ dù tốt nhưng qua thời gian sử dụng cả trăm năm, việc hư hỏng, xuống cấp là điều không thể tránh khỏi, trong khi việc tìm kiếm gỗ thay thế mất nhiều công sức, tiền của và không có sẵn. Cùng với đó là quan niệm về việc bảo tồn, gìn giữ nhà gỗ chưa được nhiều gia đình nhìn nhận đúng mức...

Ông Lê Văn Sơn, công chức văn hóa - xã hội thị trấn Nưa, cho biết: “Cùng với những giá trị văn hóa, lịch sử, nhà gỗ cổ được xác định là một trong nét đẹp văn hóa của thị trấn Nưa. Tuy nhiên, nhà gỗ cổ lại là tài sản riêng của mỗi gia đình - dòng họ. Ngoài việc tuyên truyền đến người dân hiểu đúng về giá trị của nhà gỗ cổ để từ đó nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, rất cần có chính sách quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn. Theo đó, cần phải “đánh giá đúng” về giá trị của nhà gỗ cổ ở thị trấn Nưa. Từ việc đánh giá đúng, đầy đủ mới có những giải pháp hữu hiệu, như hướng dẫn người dân cách sửa chữa để bảo tồn kiến trúc nhà gỗ; hoặc hỗ trợ người dân một phần kinh phí để chống xuống cấp"...

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]