15:58 26/04/2024 GMT+7
(vhds.baothanhhoa.vn) - Gần 60 năm trước, sau thất bại thảm hại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, để cứu vãn nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của chế độ tay sai ngụy quân, ngụy quyền, Mỹ đã chuyến hướng sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, một mặt ồ ạt đưa quân đội viễn chinh Mỹ và chư hầu vào miền Nam, mặt khác dùng máy bay, tàu chiến ném bom bắn phá miền Bắc cắt đứt sự chi viện cho chiến trường. Ở vị trí giao thông huyết mạch, Thanh Hóa là trận địa lửa trong âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ.

Những trận địa lửa năm xưa

Gần 60 năm trước, sau thất bại thảm hại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, để cứu vãn nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của chế độ tay sai ngụy quân, ngụy quyền, Mỹ đã chuyến hướng sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, một mặt ồ ạt đưa quân đội viễn chinh Mỹ và chư hầu vào miền Nam, mặt khác dùng máy bay, tàu chiến ném bom bắn phá miền Bắc cắt đứt sự chi viện cho chiến trường. Ở vị trí giao thông huyết mạch, Thanh Hóa là trận địa lửa trong âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ.

Những trận địa lửa năm xưaCầu Hàm Rồng, “chứng nhân” của lịch sử bên dòng Mã giang.

Lạch Trường và những "cột mốc sống" trên biển

Năm 1964, đế quốc Mỹ với ý đồ thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân đã có những hoạt động khiêu khích các vùng ven biển, trong đó có cửa Lạch Trường (nằm giữa 2 huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc, Thanh Hóa).

Ngày 5/8/1964, Mỹ huy động 64 lượt máy bay ồ ạt, bất ngờ ném bom vào nhiều mục tiêu quan trọng của ta suốt dải ven biển từ sông Gianh (Quảng Bình) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh). Cửa biển Lạch Trường là một trong những trọng điểm đánh phá của địch.

14 giờ 15 phút ngày 5/8/1964, giữa lúc Nhân dân đang lao động sản xuất, nhiều tốp máy bay địch từ Biển Đông bay vào bắn phá từ đảo Hòn Nẹ đến cửa Lạch Trường. Trên cơ sở chuẩn bị chu đáo, sau hồi kẻng báo động, các đơn vị hải quân đã phối hợp với Đồn Biên phòng 74, đại đội ra-đa, tự vệ thủy sản Lạch Trường và dân quân du kích các xã đã vào vị trí chiến đấu. Ba tàu hải quân dùng súng máy, trạm ra-đa và đồn công an dùng súng 14,5mm, tự vệ dùng súng bộ binh trên thuyền và dân quân các xã phối hợp chặt chẽ, dũng cảm đánh trả máy bay địch. Trung đội dân quân xã Hoằng Trường do đồng chí Lự - trung đội trưởng, chỉ huy. Cụ Tường - 63 tuổi, xóm 13, xã Hoằng Trường, tuổi cao, mắt kém vẫn điềm tĩnh phụ trách khẩu trung liên cùng con cháu chiến đấu... Cuộc tập kích của Mỹ trong ngày 5/8/1964 đã bị quân và dân ta giáng trả đích đáng, cả nước bắn rơi 8 máy bay, một phi công là trung úy Anvaret bị bắt sống, nhiều lính khác bị tiêu diệt...

Chiến thắng Lạch Trường đã trở thành ngày truyền thống “đánh thắng trận đầu” của hải quân Việt Nam, được ghi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Câu chuyện các cụ lão dân quân Hoằng Trường - những “cột mốc sống” trên biển, tham gia bắn máy bay Mỹ bằng súng bộ binh, lập chiến công hiển hách bắn rơi chiếc máy bay thứ 2.400 trên bầu trời miền Bắc, được Bác Hồ gửi thư khen; Trung đội lão dân quân Hoằng Trường đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân mãi mãi là huyền thoại thời chiến.

Lạch Trường nay đã là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách đến với huyện Hoằng Hóa. Ngoài Đài chiến thắng trận đầu của hải quân Nhân dân Việt Nam, Tượng đài lão dân quân Hoằng Trường anh hùng, nơi đây còn có chùa Bụt, đền thờ Tô Hiến Thành; phủ Mẫu; núi Hòn Bò; bãi đá Râu Rồng... thật đẹp, thật nên thơ.

Cầu Hàm Rồng quyết thắng

Cầu Hàm Rồng là cây cầu đường sắt duy nhất đi qua dòng sông Mã do Pháp xây dựng năm 1904 theo kiểu cầu vòm thép không có trụ, hiện đại nhất Đông Dương thời bấy giờ. Năm 1946, cầu bị phá hủy theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến nhằm ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược. Đến năm 1963, cầu được các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc giúp đỡ thiết kế, thi công khôi phục lại và được khánh thành đúng dịp sinh nhật lần thứ 74 (19/5/1964) của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong chiến tranh leo thang ra miền Bắc nước ta, đế quốc Mỹ xác định: Từ Hà Nội vào đường mòn Hồ Chí Minh có 60 điểm tắc, trong đó cầu Hàm Rồng được xem là một “điểm tắc lý tưởng”, là “đầu mút của cán xoong”. Chính vì vậy, không quân Mỹ đã tập trung đánh phá cầu Hàm Rồng, nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông quan trọng, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường lớn miền Nam.

Đúng 13h ngày 3/4/1965, từng tốp máy bay phản lực dồn dập lao vào đánh phá Hàm Rồng. Với thế trận hiệp đồng giữa bộ đội phòng không - không quân và dân quân tự vệ, quân và dân Hàm Rồng bám chắc trận địa, kiên cường chiến đấu với “thần sấm con ma” của đế quốc Mỹ, bắn rơi 17 máy bay địch. Bị thất bại nặng nề, ngày 4/4/1965, đế quốc Mỹ đã huy động hàng trăm chiếc máy bay, điên cuồng trút bom đạn xuống Hàm Rồng và vùng phụ cận như phà Ghép, Khoa Trường, Văn Trai... Ta đã điều động 2 tàu chiến của bộ đội hải quân và Biên đội Mic 12 của không quân Việt Nam, tạo nên “trận đồ bát quái” vây chặt lũ giặc trời. Đến 17h, trận chiến đấu vô cùng ác liệt kết thúc, quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 30 máy bay Mỹ, nâng tổng số máy bay Mỹ bị bắn rơi trong 2 ngày 3 và 4/4/1965 lên 47 chiếc, làm nức lòng quân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Với tinh thần: “Thà gục trên mâm pháo, chứ không để cầu gục ngã”, từ năm 1965 đến năm 1973, quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 117 máy bay, tiêu diệt, bắt sống nhiều giặc lái, góp phần cùng quân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn.

Sau gần 60 năm, những hố bom xưa ở Hàm Rồng, những vết thương trên cơ thể các dân quân Nam Ngạn cũng đã liền miệng, cầu Hàm Rồng cùng hai chữ “Quyết Thắng” uy nghiêm tạc vào sườn núi. Bên cạnh đó là cầu Hoàng Long bề thế, vững chãi; là khu công nghiệp, khu đô thị sầm uất đang mọc lên; là đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Tượng đài thanh niên xung phong... tất cả đã làm nên một vùng thắng tích Hàm Rồng.

Tọa độ lửa Phà Ghép

Nối đôi bờ sông Yên - giữa xã Quảng Trung (Quảng Xương) với phường Hải Châu (thị xã Nghi Sơn), phà Ghép xưa oằn mình chống đỡ mua bom bão đạn của đế quốc Mỹ. Từ năm 1965 đến năm 1972, phà Ghép là “tọa độ lửa”, “túi bom” và pháo tầm xa của không quân Mỹ. Tuy nhiên, với tinh thần “một tấc không đi, một li không rời”, quân và dân hai bờ sông Yên cùng sát cánh chiến đấu, thậm chí người dân sẵn sàng dỡ nhà để sửa cầu phao giữ thông huyết mạch giao thông”.

Đúng 8 giờ sáng ngày 4/4/1965, hàng chục tốp máy bay Mỹ đánh phá khu vực bến phà Ghép. Nhân dân hai bên phà chiến đấu quyết liệt. Từ bí thư đảng ủy, chủ tịch xã đến cán bộ, đảng viên, dân quân, đoàn viên thanh niên... xông pha trong lửa đạn Mỹ để chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần bảo vệ bến phà, bảo đảm giao thông thông suốt. Chi bộ xóm Nhân, xã Quảng Trung (Quảng Xương) tất cả 15 đồng chí đảng viên đều có mặt tại trận địa. Em Nguyễn Bá Ngọc dũng cảm băng qua làn bom đạn, hy sinh thân mình che chở cho các em nhỏ. Trong cuộc chiến đấu ấy, 5 máy bay Mỹ đã bị bắn tan xác trên bầu trời bến phà Ghép. Chiến công đó có sự đóng góp không nhỏ của quân và dân các xã Quảng Chính, Quảng Trung (huyện Quảng Xương) cũng như quân dân các xã Hải Châu, Thanh Thủy (huyện Tĩnh Gia, nay là thị xã Nghi Sơn).

Mức độ đánh phá của đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt. Từ ngày 4/4/1965 đến 3/11/1968, máy bay Mỹ bắn phá 867 trận (có 391 trận đánh ban đêm), trong đó có 321 trận đánh phá trực tiếp vào làng xã Quảng Trung với 11.284 lần chiếc, chúng đã trút xuống 3.296 quả bom các loại, 1.060 quả bom bi, 265 quả thủy lôi, 383 quả tên lửa. Ngoài ra, pháo tầm xa của địch từ Hạm đội 7 ngoài biển bắn 770 lần vào mảnh đất Quảng Trung đã gây ra đau thương tang tóc, nhà cửa tài sản ruộng vườn bị tàn phá. Tổn thất về người càng khủng khiếp, gia đình ông Châu (Đại Lộc) có 8 người thì chỉ còn 1 người sống sót; gia đình ông Thới (Ngọc Trà) có 6 người thì bị chết 5 người; gia đình ông Hồng (Mỹ Thạch) chết cả 4 người...

Song, chưa khi nào người dân nao núng tinh thần, họ sẵn sàng hy sinh để giữ mạch máu giao thông Bắc - Nam. Nhân dân xã Quảng Trung - bến phà Ghép đã góp 1.200 cây gỗ, 7.880 cây tre để bộ đội pháo cao xạ làm hầm và lán trại. Các bà mẹ, các chị trong hội phụ nữ quyên góp gạo, thực phẩm... cho bộ đội phòng không qua từng trận đánh. 3.200kg gạo nếp, 1.830kg cá, thịt, hàng ngàn bao thuốc lá, hàng tấn rau xanh... đã kịp thời động viên khích lệ bộ đội, dân quân trực chiến bám vị trí chiến đấu suốt ngày đêm. Với ý chí “xe chưa qua, nhà không tiếc”, Nhân dân Ngọc Trà đã tháo dỡ 140 ngôi nhà, dành vườn tược, đất ở để làm đường đi tránh phà Ghép và là nơi giấu hàng, trú quân chờ tối để xe pháo vượt cầu vào Nam trước giờ cao điểm.

Ngày 26/12/1971, đế quốc Mỹ trở lại đánh phá miền Bắc lần thứ hai. Nhớ về những ngày tháng chiến tranh, ông Vũ Đình Năm (sinh năm 1949), khi ấy đang là bí thư đoàn xã Quảng Trung, cho biết: “Tôi chứng kiến toàn bộ cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của đế quốc Mỹ ở phà Ghép. Địch đã huy động một lực lượng hải quân và không quân cao nhất với các loại máy bay hiện đại nhất như F4, F111, B52G, B52H để đánh phá cả hai miền Nam - Bắc”. Song, trên bến phà Ghép - sông Yên, quân và dân hai bên phà vẫn kiên cường bám làng, bám ruộng, bám trận địa, vừa sản xuất vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, cùng bộ đội pháo cao xạ bắn rơi và bắn cháy nhiều máy bay của giặc Mỹ.

Các địa phương nơi diễn ra nhiều trận địa lửa năm xưa, nay đã đổi thay hoàn toàn. Bến phà năm xưa, thay vào đó là cây cầu Ghép hiện đại, xã Quảng Trung anh hùng nay đã trở thành xã NTM kiểu mẫu. Chiến tranh đi qua, chúng ta đang sống trong những thời khắc hòa bình, song những chiến công, những con người nơi cửa Lạch Trường, Hàm Rồng - sông Mã hay bến phà Ghép... vẫn mãi được khắc ghi trong lòng của mỗi người con xứ Thanh.

Bài và ảnh: Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]