(vhds.baothanhhoa.vn) - Với bà con giáo dân, dịp Giáng sinh (hay còn gọi Lễ Noel hay Lễ Thiên chúa Giáng sinh) được tổ chức vào ngày 25/12 hằng năm để kỷ niệm ngày chúa Giêsu ra đời là dịp để bà con thể hiện tấm lòng biết ơn, cũng là dịp vui chơi, chúc nhau những điều ấm áp, an lành, đoàn kết lương giáo chung tay xây dựng giáo xứ nói riêng, quê hương nói chung ngày càng đổi mới, phát triển.

Niềm vui xứ đạo

Với bà con giáo dân, dịp Giáng sinh (hay còn gọi Lễ Noel hay Lễ Thiên chúa Giáng sinh) được tổ chức vào ngày 25/12 hằng năm để kỷ niệm ngày chúa Giêsu ra đời là dịp để bà con thể hiện tấm lòng biết ơn, cũng là dịp vui chơi, chúc nhau những điều ấm áp, an lành, đoàn kết lương giáo chung tay xây dựng giáo xứ nói riêng, quê hương nói chung ngày càng đổi mới, phát triển.

Niềm vui xứ đạoChuẩn bị đón Noel năm 2024 tại giáo xứ Vân Lung, xã Thành Long, Thạch Thành.

Rộn ràng đón Giáng sinh

Những ngày này, bà con giáo dân thuộc các xứ đạo Công giáo trên địa bàn xã Thành Long, huyện Thạch Thành phấn khởi, tập trung trang trí nhà cửa, đường thôn và làm hang đá, trang trí khuôn viên nhà thờ, dọn dẹp vệ sinh trong và ngoài giáo xứ chào đón Giáng sinh năm 2024.

Dọc con đường của thôn Eo Bàn thuộc giáo xứ Vân Lung được trang hoàng rực rỡ. Ông Đỗ Vĩnh Hải, giáo dân trong thôn, cho biết: Từ đầu tháng 12, bà con giáo dân Eo Bàn đã bắt đầu dọn dẹp, trang trí nhà cửa và được hội đồng giáo xứ phân công công việc trang trí nhà thờ chuẩn bị dịp Noel. Mỗi người một nhiệm vụ, bà con giáo dân chúng tôi rất phấn khởi khi được tham gia các công việc, chuẩn bị mùa Noel vui vẻ, ấm áp. Không chỉ tập trung trang trí nhà thờ, trong mỗi gia đình giáo dân cũng đã trang trí nhà cửa, dành nơi trang trọng nhất trong gia đình bày mâm cỗ, hoa quả đón giáng sinh. Còn chị Lê Thị Giang, giáo dân Eo Bàn chia sẻ: Vào dịp đón Giáng sinh, không phân biệt lương giáo, bà con trong thôn tập trung vui chơi, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho bà con Nhân dân có hoàn cảnh khó khăn, giáo dân tiêu biểu; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Tại nhà thờ xứ Vân Lung, những hang đá được bà con khéo léo làm bằng các nguyên vật liệu như bao bì, tre luồng; những cây thông được trang trí rực rỡ; những hộp quà được bọc cẩn thận dành tặng bà con; hệ thống bóng đèn, cây hoa được trang trí dọc các hang đá và khuôn viên nhà thờ... Mỗi năm vào dịp Noel cũng là dịp để bà con giáo dân Eo Bàn thêm gắn bó, tăng thêm tình đoàn kết cộng đồng.

Đồng chí Phạm Thị Băng, Bí thư Đảng ủy xã Thành Long chia sẻ: Toàn xã Thành Long có 1.523 hộ, đồng bào dân tộc Mường, Kinh sinh sống lâu đời đoàn kết, trong đó đồng bào theo đạo Công giáo chiếm gần 60% dân số. Trên địa bàn xã có 2 xứ đạo được công nhận là giáo xứ Vân Lung và giáo xứ Du Nghì. Toàn xã có 5 thôn, bà con theo đạo Công giáo tập trung chủ yếu ở các thôn Eo Bàn, Thành Minh, Thành Du. Năm 2019, xã Thành Long về đích XDNTM, hiện xã đang hướng đến XDNTM nâng cao. Bà con chủ yếu phát triển kinh tế rừng, trồng rừng sản xuất, làm nông nghiệp, trong đó cây mía là cây chủ lực. Ngoài ra, nhiều lao động làm việc tại công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con Nhân dân trên địa bàn xã luôn đoàn kết, tích cực thi đua lao động, sản xuất, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, XDNTM. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn phối hợp với Hội đồng giáo xứ các xứ đạo tại địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền thông qua các buổi lễ, các buổi họp dân... để bà con nắm bắt được các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, sống “Tốt đời, đẹp đạo”, thể hiện tấm lòng “Kính chúa, yêu nước”. Xã Thành Long đã xây dựng và duy trì mô hình “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa”, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Vào dịp Noel, địa phương tổ chức thăm, chúc mừng các giáo xứ, các vị linh mục, các chức sắc tôn giáo và bà con giáo dân, tiếp tục đoàn kết, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền và Nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, góp phần xây dựng xã Thành Long vững mạnh, phát triển.

Xây dựng xứ đạo bình yên

Trên địa bàn huyện Thạch Thành hiện có 3 tôn giáo (Công giáo, Phật giáo và Tin lành); có 13 cơ sở tôn giáo, trong đó có 11 cơ sở Công giáo với 5 giáo xứ gồm: Bằng Phú, Vân Lung, Dương Giao, Kiên Khánh, Du Nghì và 11 giáo họ, với hơn 8.000 tín đồ. Đồng bào theo đạo Công giáo chiếm khoảng 4,79% dân số toàn huyện, cư trú ở 16/25 xã, thị trấn, trong đó đông nhất là các xã: Thành Long, Thạch Bình, Thạch Đồng, thị trấn Kim Tân... Trong những năm qua tình hình sinh hoạt của các tôn giáo trên địa bàn huyện cơ bản ổn định. Hàng năm Huyện ủy, UBND huyện ban hành các văn bản quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 09/CT-BCA-V28 ngày 19/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo; Tích cực vận động các chức sắc tôn giáo trong các buổi sinh hoạt tôn giáo tập trung, những dịp lễ lớn tăng cường tuyên truyền tín đồ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Huyện Thạch Thành xây dựng hiệu quả các mô hình như: “Xứ đạo bình yên - Gia đình văn hóa” tại giáo xứ Vân Lung, xã Thành Long; “Dòng họ Đinh Xuân tự quản về an ninh trật tự” tại giáo họ Bằng Lợi, xã Thạch Bình; “Họ đạo Bình yên - Tự quản về an ninh trật tự” tại giáo họ Cự Môn, xã Thạch Đồng; phong trào “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống ma túy” và các mô hình khác trong đồng bào theo đạo Công giáo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp cho cán bộ đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân, nâng cao nhận thức của đồng bào tôn giáo về chính sách đoàn kết toàn dân tộc, tự do tín ngưỡng, tự giác thực hiện tốt những quy định về sinh hoạt tôn giáo, phát triển kinh tế. Hằng năm, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, MTTQ và các đoàn thể cấp huyện tổ chức các đoàn thăm hỏi, chúc mừng các chức sắc, chức việc vào các dịp lễ trọng của các tôn giáo.

Niềm vui xứ đạoBà con giáo dân trang trí khuôn viên nhà thờ chuẩn bị Lễ Noel.

Ở các giáo xứ, giáo họ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đang chung niềm vui trong mùa giáng sinh. Nơi miền biển, trong các gia đình giáo dân hay các con ngõ nhỏ, khuôn viên của nhà thờ giáo xứ Ba Làng (phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn) hay giáo xứ Nghi Sơn, xã Nghi Sơn... cũng được trang hoàng rực rỡ cho mùa giáng sinh. Tại TP Thanh Hóa, Nhà thờ Chính tòa Thanh Hóa thu hút đông đảo giáo dân, Nhân dân, du khách về tham quan, vui mùa giáng sinh năm 2024... Theo tìm hiểu, hiện nay giáo phận Công giáo Thanh Hóa hiện có 1 Tòa Giám mục, 8 giáo hạt với 92 giáo xứ, 383 giáo họ, 198 cơ sở thờ tự và 1 dòng tu (Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa) với 5 cơ sở Dòng đang sinh hoạt tại TP Thanh Hóa, huyện Thọ Xuân và Vĩnh Lộc; Chức sắc gồm có 1 giám mục, 185 linh mục, khoảng 400 nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa; 718 chức việc; 160.000 giáo dân ở 27 huyện, thị xã, thành phố. Các chức sắc, tín đồ tôn giáo cơ bản chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tăng cường phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]