(vhds.baothanhhoa.vn) - 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã công nhận 60 đơn vị cấp xã hoàn thành các tiêu chí chuyển đổi số (CĐS), tăng 1,6 lần so với năm 2023, nâng tổng số xã hoàn thành tiêu chí CĐS lên 95 đơn vị. Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2024, các xã, phường trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực “cán đích” mục tiêu hoàn thành xã, phường CĐS.

Nỗ lực “cán đích” xã chuyển đổi số

6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã công nhận 60 đơn vị cấp xã hoàn thành các tiêu chí chuyển đổi số (CĐS), tăng 1,6 lần so với năm 2023, nâng tổng số xã hoàn thành tiêu chí CĐS lên 95 đơn vị. Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2024, các xã, phường trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực “cán đích” mục tiêu hoàn thành xã, phường CĐS.

Nỗ lực “cán đích” xã chuyển đổi sốUBND xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) phối hợp với Chi nhánh Viettel Hoằng Hóa chuyển đổi SIM 4G, kết hợp cài đặt chữ ký số cho người dân.

Hoằng Hóa là 1 trong 12 huyện, thị xã được UBND tỉnh giao về đích CĐS cấp huyện vào năm 2025. Hiện nay, huyện Hoằng Hóa đang tập trung “dồn lực” hoàn thành CĐS cấp xã trong năm 2024.

Anh Hoàng Mạnh Cường, chuyên viên Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hoằng Hóa, cho biết: Toàn huyện đã có 10/37 xã, thị trấn hoàn thành CĐS năm 2022; 13 xã đang được Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định trình UBND tỉnh công nhận hoàn thành CĐS năm 2023; còn lại 14 xã phấn đấu hoàn thành CĐS trong năm 2024.

Để có được kết quả trên, trên cơ sở Bộ chỉ số đánh giá CĐS cấp xã đã được UBND tỉnh ban hành, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã chú trọng tuyên truyền, đầu tư hạ tầng số, phân công cán bộ chuyên trách. Đến nay, hệ thống mạng cáp quang, mạng 3G/4G phủ sóng đến 100% các thôn, khu phố trên địa bàn Hoằng Hóa. Toàn huyện có 280 điểm Wifi công cộng miễn phí phục vụ nhu cầu của người dân và du khách tại các điểm công cộng (như các điểm tham quan du lịch, bộ phận một cửa UBND cấp huyện, các nhà văn hóa...). Chính quyền các xã, thị trấn cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4...; có 100% doanh nghiệp sử dụng các kênh thanh toán không dùng tiền mặt và nộp thuế điện tử... Huyện Hoằng Hóa đang tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng hợp đồng điện tử; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đưa sản phẩm hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử... Đáng chú ý, các xã đều triển khai hiệu quả mô hình “Camera với an ninh trật tự”, góp phần phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện các tiêu chí CĐS, xã Đông Nam (Đông Sơn) còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng phục vụ CĐS chưa đồng bộ; cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa được kết nối, khai thác chưa hiệu quả; việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng còn hạn chế...

Ông Lê Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Đông Nam, cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí CĐS, ngoài việc triển khai kế hoạch CĐS đến từng thôn và tổ công nghệ số cộng đồng, xã còn đầu tư, nâng cấp hệ thống máy vi tính, đường truyền mạng và tập huấn để đội ngũ cán bộ, công chức thành thục trong việc ứng dụng CNTT vào cải cách thủ tục hành chính. UBND xã cũng xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực; đầu tư hạ tầng, máy móc để thực hiện hiệu quả việc ứng dụng CNTT, CĐS, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đồng thời hoàn thành các tiêu chí CĐS.

Năm 2024, huyện Đông Sơn có 5 đơn vị đăng ký về đích CĐS gồm: Đông Thanh, Đông Nam, Đông Hòa, Đông Yên và Đông Hoàng. Căn cứ kết quả đánh giá hiện trạng thực hiện các nhiệm vụ CĐS theo Quyết định 1829/QĐ-UBND ngày 30/5/2023 của UBND tỉnh, huyện Đông Sơn đang tích cực chỉ đạo các đơn vị bám sát kế hoạch, tích cực thực hiện. Đồng thời, yêu cầu UBND các xã, thị trấn chủ động phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn huyện để tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ tổ công nghệ số cộng đồng, người dân sử dụng các nền tảng số, từ đó xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Nỗ lực “cán đích” xã chuyển đổi sốNgười dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Thường Xuân.

Là huyện miền núi nên điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, thực hiện nhiệm vụ CĐS cấp xã, huyện Thường Xuân đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng phương án, kế hoạch, tích cực thực hiện các tiêu chí CĐS cấp xã đối với các đơn vị thực hiện chỉ tiêu CĐS năm 2024 gồm: Ngọc Phụng, Xuân Thắng, Xuân Chinh, Xuân Lẹ và Xuân Lộc.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ CĐS cấp xã, huyện Thường Xuân phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Hạ tầng CNTT tại nhiều xã chưa được đầu tư đồng bộ; cơ sở dữ liệu còn rời rạc dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông, chia sẻ, khai thác không hiệu quả. Hạ tầng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, bảo mật thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo mật, cấp độ theo quy định; nhân lực số trên địa bàn nhiều xã vẫn còn mỏng; công chức phụ trách về CĐS đa số không được đào tạo chuyên ngành, dẫn đến việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả chưa cao; kỹ năng ứng dụng công nghệ số của cán bộ, công chức cấp xã còn chưa đồng đều, chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT tại xã mà chủ yếu làm việc kiêm nhiệm...

Trong thời gian tới, cùng với nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, huyện Thường Xuân đang tập trung thực hiện tiêu chí kinh tế số, xã hội số. Trong đó, tiếp tục tăng cường các giải pháp tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của CĐS, thiết lập thói quen giao dịch online và sử dụng thiết bị thông minh, máy tính như một công cụ thiết yếu, phục vụ trực tiếp cho đời sống. Quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT cho các xã theo lộ trình ứng dụng và thực hiện CĐS, nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần đẩy nhanh, mạnh, hiệu quả hoạt động CĐS cấp xã, bắt kịp với xu thế CĐS chung.

Để tiếp tục thúc đẩy quá trình CĐS tại các địa phương gắn với việc hoàn thành các tiêu chí xã CĐS năm 2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ CĐS; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ; nhân rộng mô hình “3 không” trong CĐS gồm: Không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công; không dùng tiền mặt trong một số dịch vụ thiết yếu... Từ đó, góp phần mang lại cuộc sống tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]