Phát triển du lịch cộng đồng ở Thành Lâm
Được thiên nhiên ban tặng cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng, đồng thời người dân còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, những năm qua, xã Thành Lâm (Bá Thước) đang biến tiềm năm thành hiện thực trong việc phát triển du lịch cộng đồng, nhờ đó người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, xã Thành Lâm đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng.
Tiềm năng du lịch lớn
Nằm cách trung tâm huyện Bá Thước gần 15km, khoảng hơn chục năm về trước xã Thành Lâm rất hoang sơ, người dân chủ yếu là đồng bào Thái, với trên 857 hộ, cuộc sống khó khăn, quanh năm phụ thuộc vào ruộng nương. Những năm gần đây, phát huy lợi thế về khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ thống ruộng bậc thang nên thơ, nếp nhà sàn truyền thống, phong tục tập quán, ẩm thực bản địa độc đáo... địa phương đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, tiềm năng của vùng đất đã được đánh thức, khai phá.
Thành Lâm gồm 6 thôn, trong đó có 3 thôn phát triển du lịch cộng đồng là thôn Bầm, thôn Leo và bản Đôn. Chị Hà Thị Sâm (SN 1993, dân tộc Thái) chủ homestay có tên Happy Home ở thôn Bầm, cho biết: Năm 2020, nắm bắt làn sóng du lịch cộng đồng đang phát triển ở nhiều địa phương, gia đình mạnh dạn vay vốn ngân hàng sửa sang nhà cửa, tham gia học hỏi mô hình, khóa học để cập nhật kiến thức, từng bước xây dựng cơ ngơi của riêng mình. Hiện nay, homestay của gia đình có 6 phòng nghỉ, một bể bơi, khu cắm trại, phục vụ tối đa cho hơn 50 khách.
Nhằm phát huy thế mạnh tiềm năng du lịch cộng đồng, sinh thái, ngày 20/4/2021 Đảng bộ xã Thành Lâm đã ban hành nghị quyết về việc phát triển du lịch của xã, giai đoạn 2021–2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tập trung tăng cường xúc tiến, quảng bá hình ảnh con người, thiên nhiên của địa phương đến du khách trong và ngoài nước. Thu hút một số doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các khu nghỉ dưỡng, phát triển dịch vụ du lịch. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích một số hộ dân trong thôn, bản cũng đã nhanh chóng tiếp cận với định hướng, nhu cầu thị trường, tham gia các lớp đào tạo về du lịch cộng đồng để xây dựng mô hình homestay. Phấn đấu đến năm 2025, số lượt khách du lịch lưu trú đạt 60.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 15.000 lượt, doanh thu từ du lịch hơn 300 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.000 lao động (trong đó có 400 lao động trực tiếp).
Mở hướng thoát nghèo từ du lịch cộng đồng
Nhờ lợi thế về nguồn tài nguyên du lịch phong phú, trên địa bàn cơ bản hình thành được một số khu, điểm du lịch trọng điểm với gần 30 cơ sở lưu trú của các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào đầu tư. Hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, tính riêng từ đầu năm đến nay, Thành Lâm đã thu hút được trên 12.000 lượt khách, trong đó có trên 7.000 lượt khách quốc tế.
Theo chị Hà Thị Sâm, chủ cơ sở homestay thôn Bầm, việc phát triển du lịch cộng đồng, đã mang lại cho gia đình khoản thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho một số lao động địa phương, với mức lương trung bình 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Mong muốn của chị và nhiều hộ dân làm du lịch là đưa đời sống, văn hóa của dân tộc Thái đến gần với du khách trong và ngoài nước thông qua hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá. Thời gian tới, gia đình tiếp tục đầu tư làm mới cảnh quan, mua sắm thêm vật dụng tiện nghi, tham gia mạng xã hội để giới thiệu về homestay...
“Bản hiện có 10 hộ làm du lịch homestay, ngoài ra còn có nhiều công ty, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các khu resort, nghỉ dưỡng. Vài năm trở lại đây, du khách đến với bản nhiều hơn, mục đích nhằm khám phá cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, nét văn hóa độc đáo của dân bản, tham gia trải nghiệm các hoạt động lao động sản xuất với người dân. Thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Thái, như: cá nướng, cơm lam, thịt lợn hấp, gà nướng, ốc đá, xôi tím, vịt Cổ Lũng... Hiện nay, ngoài trồng lúa, các hộ gia đình còn tích cực tạo cảnh quan môi trường, quy hoạch khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển trồng trọt cung cấp nguồn thực phẩm cho các khu du lịch, từ đó có thêm việc làm, tăng thu nhập. Cả bản có 162 hộ, nay chỉ còn 11 hộ nghèo", ông Hà Huy Giáp, trưởng bản Đôn, chia sẻ.
Bà Hà Thị Trực, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thành Lâm, cho biết: Những năm qua, việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn đã mang lại nhiều cơ hội giúp người dân có thêm “cần câu”. Tuy còn nhiều khó khăn, song cuộc sống bà con trong xã đã khác trước, không còn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp nữa. Trong thời gian tới đảng bộ, chính quyền sẽ tập trung huy động các nguồn vốn, nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, dự án trọng điểm về du lịch. Khôi phục, phát triển các nghề truyền thống của bản địa như: nấu rượu cần, đan lát, dệt thổ cẩm; đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dịch vụ du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của xã; hình thành và khai thác hiệu quả các tour, tuyến du lịch; xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và thân thiện; đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá và liên kết hợp tác phát triển du lịch...
Bài và ảnh: Khắc Công - Trung Lê
- 2024-10-08 16:02:00
Thăng Long Kinh kì - Kẻ Chợ
- 2024-10-08 10:37:00
Người làng biển làm du lịch
- 2024-05-31 15:36:00
“Chung đỉnh” là gì?
Đánh thức tiềm năng, lợi thế từ rừng để phát triển du lịch cộng đồng
Nhà sách Fahasa Lam Sơn - “điểm hẹn” mùa hè
Sách thiếu nhi dịp Hè: Nội dung phong phú, đa dạng thể loại
Trí tuệ khắc kỷ - Học cách sống đạo đức và dũng cảm
“Hoa vui ca”: Sân chơi âm nhạc mới trên sóng VTV dành cho khán giả nhỏ tuổi
Thường Xuân: Sôi nổi các phong trào văn hóa - thể thao
“Hằng ngày” và “hàng ngày”
10 năm triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW: Xây dựng văn hóa và con người Sầm Sơn ngày càng đẹp trong lòng bạn bè, du khách
Xây dựng môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh