(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm trên đất làng Bái Giao, xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa), di tích phủ Cố Đồng (còn được biết đến với tên gọi phủ Cố) là nơi thờ hai vị thần nữ có công với làng. Qua thời gian, phủ Cố Đồng vẫn là không gian thiêng, “điểm tựa” tâm linh của người dân địa phương.

Phủ Cố Đồng trên đất Thiệu Giao

Nằm trên đất làng Bái Giao, xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa), di tích phủ Cố Đồng (còn được biết đến với tên gọi phủ Cố) là nơi thờ hai vị thần nữ có công với làng. Qua thời gian, phủ Cố Đồng vẫn là không gian thiêng, “điểm tựa” tâm linh của người dân địa phương.

Phủ Cố Đồng trên đất Thiệu Giao

Di tích phủ Cố Đồng, làng Bái Giao được tôn tạo khang trang bằng nguồn xã hội hóa.

Làng Bái Giao được biết đến là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử, văn hóa với nhiều di tích mang nét đẹp văn hóa làng quê Việt, một trong số đó là phủ Cố Đồng - nơi thờ hai vị thần nữ “Huy Khánh chân nhân Quận phu nhân tôn thần” và “Tiên Quế chân nhân Đỗ Thị chi thần”.

Phủ Cố Đồng trên đất Thiệu Giao

Với những giá trị lịch sử, văn hóa lưu giữ, phủ Cố Đồng, làng Bái Giao đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh

Theo sách Thanh Hóa Chư thần lục - cuốn sách ghi chép về các vị thần được thờ phụng ở các xã, thôn trên quê hương xứ Thanh và lời kể của các bậc cao niên trong làng, “Huy Khánh chân nhân Quận phu nhân tôn thần” là vợ của một người làng Bái Giao vinh hiển, làm quan lớn trong triều đình. Bà thường xuyên bỏ tiền để cứu giúp dân nghèo gặp khó khăn, lại chăm lo việc hương khói, cấp đất, cấp tiền để cùng với nhân dân sửa sang đền miếu. Vì có công nên sau khi mất đã được dân làng lập đền thờ tưởng nhớ. Về sau được triều đình phong kiến ban sắc phong làm phúc thần của làng.

Phủ Cố Đồng trên đất Thiệu Giao

Phủ Cố Đồng là không gian thiêng, “điểm tựa” tâm linh của người dân làng Bái Giao.

Còn “Tiên Quế chân nhân Đỗ Thị chi thần” lại được biết đến là người phụ nữ giỏi nghề thuốc, có công lớn trong việc chữa bệnh cứu người. Sinh thời, bà còn cung tiến tiền, đất ruộng để dựng đền miếu của làng... Vì thế, sau khi mất đã được dân làng Bái Giao phối thờ ở phủ Cố Đồng.

Đến nay, chưa có khẳng định chắc chắn về thời gian lập dựng phủ Cố Đồng trên đất làng Bái Giao. Tuy nhiên, căn cứ vào một số tài liệu và truyền ngôn dân gian, người dân làng tin rằng, phủ được xây dựng vào khoảng cuối thời Lê - đầu thời Nguyễn.

Phủ Cố Đồng trên đất Thiệu Giao

Nằm giữa làng quê thanh bình, di tích phủ Cố Đồng còn là điểm đến tham quan, dâng hương vãn cảnh của du khách xa gần khi về với làng Bái Giao

“Những năm gần đây, với tấm lòng thành kính và niềm tin tín ngưỡng, người dân làng Bái Giao và con em xa quê đã chung tay đóng góp kinh phí để tôn tạo di tích khang trang”, ông Khổng Hữu Lương, người dân địa phương trông coi di tích, chia sẻ.

Tọa lạc giữa không gian làng quê thanh bình, phủ Cố Đồng không chỉ là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân làng Bái Giao, nơi đây còn là điểm đến tham quan, dâng hương, vãn cảnh của du khách xa gần khi về thăm vùng đất cổ.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]