(vhds.baothanhhoa.vn) - Là một trong những địa phương ven biển của thị xã Nghi Sơn, từ bao đời nay người dân phường Hải Thanh đã gắn bó với nghề chế biến hải sản. Bằng trách nhiệm, niềm đam mê với nghề truyền thống, họ đã chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, tìm chỗ đứng trên thị trường và đến gần hơn với đông đảo thực khách.

Giấc mơ nâng tầm sản phẩm truyền thống của người dân Hải Thanh

Là một trong những địa phương ven biển của thị xã Nghi Sơn, từ bao đời nay người dân phường Hải Thanh đã gắn bó với nghề chế biến hải sản. Bằng trách nhiệm, niềm đam mê với nghề truyền thống, họ đã chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, tìm chỗ đứng trên thị trường và đến gần hơn với đông đảo thực khách.

Giấc mơ nâng tầm sản phẩm truyền thống của người dân Hải ThanhChả mực giã tay của Doanh nghiệp tư nhân hải sản Thắng Ngân hiện đang được doanh nghiệp phấn đấu trở thành sản phẩm OCOP trong năm 2021.

Là một trong những cơ sở chế biến hải sản có tiếng ở phường Hải Thanh, từ lâu nước mắm và các loại mắm của Cơ sở chế biến hải sản Sơn Thơm (tổ dân phố Thượng Hải) đã lấy được cảm tình của đông đảo người tiêu dùng bởi chất lượng và hương vị thơm ngon. Cơ sở có quy mô 1.800m2, hàng năm sản xuất khoảng 20.000 lít nước mắm và trên 200 tấn các loại mắm tôm, mắm chua. Anh Nguyễn Thái Sơn, chủ cơ sở, cho biết: “Động lực để chúng tôi giữ nghề gia truyền hơn 30 năm qua không chỉ là mưu sinh mà hơn cả là sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Ở đây, nước mắm ngon nhất được làm từ loại cá cơm tươi ngon và muối tinh sạch được ủ trong những chum sành, bể ngâm đạt tiêu chuẩn độ đạm tự nhiên. Để chắt ra những giọt nước mắm đạt chất lượng, thời gian phơi nắng ít nhất từ 18 - 24 tháng, đạt độ đạm toàn phần lên tới 45 độ”.

Từ đầu năm 2021 đến nay, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, việc vận chuyển hàng hóa đến các địa phương trong nước của Cơ sở chế biến hải sản Sơn Thơm có gặp một số khó khăn, sản lượng tiêu thụ có giảm, song thị trường khách truyền thống vẫn cơ bản ổn định. Với mong muốn xây dựng các sản phẩm truyền thống, chất lượng cao để đưa vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng lớn trong cả nước, thời gian qua Cơ sở chế biến hải sản Sơn Thơm đã đầu tư bể ngâm khoa học, theo quy trình sản xuất nước mắm và các loại mắm đạt tiêu chuẩn, đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Hướng tới tiếp cận và hoàn thiện sản phẩm nước mắm và các loại mắm theo tiêu chuẩn OCOP trong năm 2021.

Theo chia sẻ của người dân địa phương, nghề làm mắm ở phường Hải Thanh thường sôi động từ tháng 4 dương lịch hàng năm. Thời điểm này, các hộ dân tiến hành thu mua nguyên liệu để làm mắm. Những hộ sản xuất nhỏ thì vài tấn, nhiều thì vài trăm tấn. Được biết, chất lượng mắm ngon hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như thời tiết, chất lượng hải sản đầu vào, tỷ lệ trộn giữa cá và muối, thời gian phơi nắng... Tuy vậy, để cho ra những giọt nước mắm thơm ngon, chuẩn vị truyền thống lại là cả một quá trình đòi hỏi sự công phu, khéo léo ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Cho đến nay, những hộ sản xuất “đặc sản” có tiếng ở vùng đất Hải Thanh vẫn luôn giữ lửa đam mê với những phương thức sản xuất truyền thống của cha ông để lại và nói không với việc sử dụng phụ gia thực phẩm.

Xác định nguyên liệu sản xuất là một trong những yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm, Doanh nghiệp tư nhân hải sản Thắng Ngân (tổ dân phố Thanh Đình) từ lâu đã gây dựng mối liên hệ với các chủ tàu khai thác hải sản địa phương để có được nguồn nguyên liệu tươi ngon, đảm bảo chất lượng. Với các sản phẩm chủ đạo là chả mực giã tay, chả cá, mực một nắng, cá thu câu. Trong đó, chả mực giã tay là một trong những món ăn được làm công phu nhất. Nhờ vào chất lượng của sản phẩm, mỗi năm doanh nghiệp này tiêu thụ tới gần 10 tấn chả mực.

“Cùng với việc giữ gìn nghề truyền thống, đảm bảo chất lượng trong từng sản phẩm, chúng tôi đang hướng tới xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Không chỉ góp phần khẳng định chỗ đứng cho các sản phẩm truyền thống trong thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng mà còn là “của để dành” cho con cái sau này nối nghiệp”, anh Nguyễn Nam Thắng, chủ Doanh nghiệp tư nhân hải sản Thắng Ngân chia sẻ.

Được biết, vài năm trở lại đây, trung bình mỗi năm người dân phường Hải Thanh sản xuất và cung cấp khoảng 2,3 triệu lít nước mắm ra thị trường cùng hàng nghìn tấn hải sản các loại. Để phát huy thế mạnh trong lĩnh vực chế biến hải sản, địa phương thường xuyên hướng dẫn các hộ, cơ sở sản xuất các sản phẩm có bao bì, tem truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đặc biệt là gia nhập “sân chơi” OCOP, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Giấc mơ nâng tầm sản phẩm truyền thống của người dân Hải ThanhAnh Nguyễn Thái Sơn, chủ Cơ sở chế biến hải sản Sơn Thơm, tổ dân phố Thượng Hải, phường Hải Thanh, giới thiệu nước mắm chắt cá cơm đang trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP.

Ông Hồ Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Thanh, cho biết: “Hiện nay trên địa bàn phường có 5.500 hộ dân với trên 20 nghìn nhân khẩu. Trong đó, nhiều hộ đã mở rộng cơ sở sản xuất, phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng. Điển hình như gia đình ông Dương Xuân Tác (tổ dân phố Thượng Hải), với các sản phẩm nước mắm và các loại mắm (mắm tôm, mắm chua, mắm tép) mang thương hiệu Tác Huy. Dù đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2020, nhưng gia đình ông vẫn tiếp tục phấn đấu nâng hạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao trong năm 2022 và cố gắng xây dựng thêm sản phẩm chả cá thu tươi là sản phẩm OCOP. Đây chính là động lực để địa phương nói chung, các hộ chế biến hải sản, sản xuất nước mắm và các loại mắm truyền thống có mục tiêu vươn ra sân chơi lớn để nâng tầm sản phẩm truyền thống”.

Cũng theo ông Hồ Văn Dũng, trước nhu cầu và tiềm năng thực tế của địa phương, rất nhiều hộ gia đình cũng như các cơ sở mong muốn xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Tuy nhiên, đối với họ khó khăn nhất không phải ở chất lượng sản phẩm mà chính là việc thực hiện đúng và đủ hồ sơ, thủ tục. Về phía địa phương đã luôn quan tâm, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với quy trình xây dựng sản phẩm OCOP; kêu gọi các hộ có sản phẩm OCOP hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm và quy trình, thủ tục cho các hộ có nhu cầu. Trong năm 2021, phường Hải Thanh phấn đấu xây dựng thêm 1 - 2 sản phẩm OCOP, đó là chả mực giã tay (Doanh nghiệp tư nhân hải sản Thắng Ngân) và nước mắm chắt cá cơm Sơn Thơm. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện nâng hạng sao đối với các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP trong những năm tiếp theo.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn thế vũ - 19:17 26/11/21

 Trả lời

Dân Hải Thanh làm mắm thì ngon tuyêt vời.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]