(vhds.baothanhhoa.vn) - “Kiên nhẫn và phải cực kì kiên nhẫn, đây là điều kiện cần thiết đầu tiên để có thể bền bỉ theo đuổi được với thú vui - nghề chơi sinh vật cảnh”. Đó hẳn nhiên không phải cách nói quá của một người trong nghề. Bởi, không ít cây cảnh có tuổi đời cả trăm năm, được chủ nhân chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng cẩn thận, đến việc đặt tên cũng đầy tính công phu nghệ thuật. Và giá trị kinh tế của những tác phẩm như vậy khi được công bố không khỏi khiến giới ngoại đạo giật mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sinh vật cảnh - Nghề chơi cũng lắm công phu

“Kiên nhẫn và phải cực kì kiên nhẫn, đây là điều kiện cần thiết đầu tiên để có thể bền bỉ theo đuổi được với thú vui - nghề chơi sinh vật cảnh”. Đó hẳn nhiên không phải cách nói quá của một người trong nghề. Bởi, không ít cây cảnh có tuổi đời cả trăm năm, được chủ nhân chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng cẩn thận, đến việc đặt tên cũng đầy tính công phu nghệ thuật. Và giá trị kinh tế của những tác phẩm như vậy khi được công bố không khỏi khiến giới ngoại đạo giật mình.

Cầu kì... như đặt tên cây

Vừa qua, TP Thanh Hóa đã tổ chức thành công festival sinh vật cảnh, đá cảnh, đá phong thủy. Sự kiện thu hút sự tham gia của người dân trong, ngoài tỉnh và cả khách quốc tế. Tại đây, hàng nghìn tác phẩm sinh vật cảnh - cây cảnh của các nghệ nhân, chủ nhà vườn trên cả nước cùng về festival tụ hội. Vậy nên, không quá lời khi có người đánh giá đây thực sự là “bữa tiệc tiền tỉ”.

Dân gian vẫn thường có câu “đời người dài cũng chỉ trăm năm”. Nhưng nếu so với một số loài cây đã tồn tại hàng trăm, ngàn năm thì xem ra đời người nếu có được trăm năm cũng chỉ là hữu hạn. Và thú vị hơn, festival diễn ra tại TP Thanh Hóa vừa qua, không hiếm những cây được xác định tuổi thọ đã hơn trăm năm. Người ta gọi đó là cổ thụ. Còn với không ít chủ sở hữu thì “báu vật cây trăm năm chỉ để chơi, không bán”.

Để sở hữu những cây cổ thụ kể trên, có người được thừa hưởng từ gia đình như một báu vật trao truyền. Nhưng cũng không ít đại gia vì sở thích và đam mê đã không tiếc bỏ ra tiền tỉ để sưu tầm về. Và những cây giá trị như thế thì đương nhiên phải đặc biệt. Mỗi cây được ví như tác phẩm nghệ thuật thể hiện quan niệm thẩm mỹ, gửi gắm tâm tình, thậm chí là triết lí nhân sinh của chủ nhân. Vậy nên dễ hiểu vì sao, các tác phẩm sinh vật cảnh lại được người chủ dành nhiều công sức chăm chút, nâng niu trân quý. Sự cẩn trọng thể hiện trong từng cách uốn tạo kiểu, thế đứng, dáng mọc theo ý tưởng. Và nếu cây cảnh là một tác phẩm nghệ thuật thì người nghệ nhân chăm cây phải chăng cũng là nghệ sĩ.

Với những người chơi cây cảnh thì ngay việc đặt tên cho những tác phẩm của mình cũng là cả sự cầu kì. Bởi vậy, có không ít tác phẩm, chỉ nghe tên thôi đã thấy chủ nhân tâm huyết đến nhường nào: “Thiên địa nhân tụ hợp” được hiểu là tinh túy của trời đất và con người; “Long ẩn hạc chờ”; “Long vân khánh hội”; “Long chúa”; “Mộc Thạch nghênh phong”... Như tác phẩm Sanh Nam Điền “Vạn cổ lưu phương” của nhà vườn Quân đến từ huyện Thường Tín (Hà Nội), lý giải cho tên gọi này, chủ nhân cho biết muốn gửi gắm thông điệp: thú chơi cây cảnh nghệ thuật đã và sẽ trường tồn hàng vạn năm, cùng hi vọng tác phẩm sẽ lưu danh, được những người yêu cây cảnh trên thế giới biết đến.

Tác phẩm “Nham thạch bách niên” của một doanh nhân xứ Thanh được định giá vài trăm tỉ.

Những ngày này, trên mạng xuất hiện một số bài viết nói về việc tác phẩm cây cảnh có tên “Nham thạch bách niên” do một đại gia bất động sản Thanh Hóa sở hữu được định giá tới 20 triệu đô. Bình luận về điều này, anh V.V.T, chủ một nhà vườn trên địa bàn Tp Thanh Hóa chia sẻ: cây cảnh cũng giống như một cô gái đẹp, với người đã thích thì giá cao bao nhiêu cũng mua, người không thích thì có khi có cho cũng không lấy, nên rất khó để nói rằng nó có xứng đáng với số tiền đã được định giá hay không. Nhưng có một điều chắc chắn, sanh cổ “Nham thạch bách niên” có tuổi đời đã trên cả trăm năm, thế cây và dáng cây đều rất đặc biệt, không phải ai cũng có thể sở hữu.

Từ thú vui đến nghề chơi

Trong quan niệm của người xưa, không ít loại cây vốn dĩ rất được đề cao và coi trọng, điển hình có thể kể đến tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai”. Vậy nên dễ hiểu vì sao, có những gia đình, cây cảnh được trồng theo kiểu “cha truyền con nối”. Thú vui chơi cây cũng từ sự trân trọng của con người với cây mà hình thành, và trong xã hội hiện nay, thú chơi sinh vật cảnh đã trở thành trào lưu, thậm chí một nghề kiếm tiền cho những người thực sự tâm huyết.

CLB cây cảnh Hoàng Long (TP Thanh Hóa) có hơn 40 hội viên đến từ nhiều địa phương với các ngành nghề khác nhau. Sự gặp gỡ của họ chính là tình yêu và niềm đam mê với nghệ thuật sinh vật cảnh. Anh Lê Hồng Tuấn (phường Điện Biên, TP Thanh Hóa), Chủ tịch CLB cây cảnh Hoàng Long cho biết: “Với hơn 20 năm theo đuổi đam mê với sinh vật cảnh, đến nay, gia tài của anh có hơn 800 cây các chủng loại, thế, dáng khác nhau. Có những cây giá chỉ khoảng dăm triệu nhưng cũng không thiếu các tác phẩm vài trăm, thậm chí tiền tỉ. Tổng giá trị vườn cây sinh vật cảnh ước định khoảng 40 tỉ”.

Để sở hữu khối tài sản cây cảnh như hiện nay, anh Tuấn và hầu hết những người chơi cây đều phải bắt đầu từ niềm đam mê. Dẫu vậy, có đam mê nào không phải trả giá. Theo đó, những ngày đầu vì chỉ thích mà chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên không ít cây sau một thời gian mua về thì bị chết, sâu bệnh... khiến chủ nhân mất trắng. Bên cạnh việc tự mày mò trong sách vở thì mỗi người đều phải tự tìm đến các nhà vườn uy tín để học hỏi kinh nghiệm, thậm chí xin làm việc không công. “Làm nghề sinh vật cảnh không quá vất vả, đôi khi mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nhưng nếu không đam mê, thiếu kiên trì và cả một chút năng khiếu nghệ thuật, thẩm mỹ thì rất khó để thành công”, Chủ tịch CLB cây cảnh Hoàng Long khẳng định. Bên cạnh đó, không ít người theo nghề còn khẳng định việc chăm cây khiến cho mỗi người trở nên nhuần tính và bình tĩnh hơn.

Về thị trường sinh vật cảnh, có rất nhiều thể loại cây và cũng tùy vào sở thích của mỗi người mà các nhà vườn có sự “chiều khách” khác nhau. Tuy nhiên, để tạo nên một tác phẩm cây cảnh với thế và dáng theo yêu cầu nghĩa thì mất ít nhất từ vài năm đến hàng chục năm. Vậy nên, những người nóng vội và không đủ kiên nhẫn thì rất khó có thể trụ được thú chơi, chứ chưa nói đến việc “sống” được bằng nghề. Ở vào thời điểm hiện tại, những dòng cây bonsai tầm trung họ sanh, tùng vẫn được khá yêu thích trên thị trường cây cảnh. Cùng với các thế và dáng cầu kì như “dáng long, dáng phụng” thì dáng cây tự nhiên cũng được xem là một xu hướng mới trong thời gian tới.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]