“Sống đến bình minh” - Ký ức cuộc đời nhà báo Trần Mai Hạnh
Với gần 700 trang, tự truyện “Sống đến bình minh” (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2024) của cố nhà văn Trần Mai Hạnh đã giúp cho độc giả hiểu thêm về cuộc đời, con người của một nhà báo, cũng như những câu chuyện của một thời đã xa.
Cuốn sách gồm 7 phần, được chia theo từng giai đoạn của cuộc đời: Chàng trai tỉnh lẻ; Đi qua cái chết; Chiến tranh và hòa bình; Thời bao cấp giữa bao vây cấm vận; Những năm đầu đổi mới báo chí; Vòng xoáy; Sống đến bình minh.
Từ cậu bé hơn 10 tuổi lần đầu bỡ ngỡ bước chân vào rạp hát xem “Alađanh và cây đèn thần” đến khi trở thành sinh viên khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trần Mai Hạnh vốn ôm ấp nhiều mộng mơ, đa cảm. Tuy nhiên, ngã rẽ của chiến tranh đã đưa ông sớm đến với báo chí và các chiến trường ác liệt. 10 năm làm phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam (1965-1975), nhà báo Trần Mai Hạnh đã dấn thân vào điểm nóng như chiến trường máu lửa Quảng Đà, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, có mặt chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên vào những giờ phút lịch sử trưa 30/4 tại Dinh Độc Lập với tiêu đề là “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng”.
Không chỉ là lát cắt của chiến tranh, độc giả có thể tìm thấy nhiều lát cắt khác trong tự truyện “Sống đến bình minh” như chuyện tình yêu với những đổ vỡ của mối tình đầu vì không môn đăng hộ đối, những lưu luyến xao động rất đỗi trong sáng nhưng mong manh của người lính trên mặt trận. Chuyện về thời bao cấp chật vật khó khăn về chỗ ở, cái ăn, cái mặc, phải làm thêm để sống.
Đi qua thời bao cấp, đầu năm 1986, mặc dù khủng hoảng kinh tế - xã hội “đã xuống tận đáy, cuộc sống vật vã trong khó khăn, thiếu thốn tận cùng” nhưng báo chí nước ta lại có những khởi sắc rõ rệt. Đó là sự đổi mới về nội dung thông tin, lối mòn thông tin một chiều được khắc phục, cuộc sống được phản ánh trung thực hơn, không một lĩnh vực nào có quan hệ đến cuộc sống của người dân và vận mệnh đất nước bị bỏ qua, các sự kiện lớn trên thế giới được thông tin và bình luận. Lần đầu tiên ông được xuất ngoại và được tác nghiệp tại Thế vận hội mùa hè (năm 1980), sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, ông nhận thấy “cơn lốc cuộc chạy đua thông tin, phong cách tác nghiệp cũng như phương tiện truyền thông hiện đại của đội ngũ đông đảo các nhà báo quốc tế” càng khiến ông nung nấu suy nghĩ về việc cần thiết phải đổi mới thông tin. Điều này chính là những khởi đầu để các tờ tuần tin của Thông tấn xã Việt Nam được cấp giấy phép xuất bản chính thức. Trong đó có tờ Tuần tin tức, đã góp một tiếng nói, một cách nhìn và một thái độ đầy trách nhiệm trong đêm trước của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Những chuyện đã qua, những tình huống đã diễn ra và gắn với cá nhân của nhà báo Trần Mai Hạnh được thể hiện trong cuốn tự truyện không chỉ là của riêng tác giả, mà còn là chuyện của một thời. Là một nhà báo đi qua chiến tranh “rời Sài Gòn với một chiếc ba lô đầy chặt tài liệu thu thập được trong thời gian tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định và trọn tháng 5/1975 sống với những sự kiện trọng đại diễn ra tại Sài Gòn, trong đó có nhiều tài liệu tuyệt mật về chiến tranh của phía bên kia, những ghi chép tại trận của ông cùng chiếc máy chữ xách tay thu được tại Văn phòng Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn”. Hành trang ấy ông đã mang theo trong suốt cuộc đời mình, là “vũ khí sắc bén” để ông “sống và chiến đấu” để giữ mình, vượt lên chính mình.
Cuốn tự truyện cũng được nhà báo Trần Mai Hạnh dành hơn 30 trang viết rất trung thực và thẳng thắn về vòng xoáy cuộc đời. Đó là sự kiện ông gửi đơn xin rút khỏi danh sách ứng cử ĐBQH khóa XI, là “sau gần 40 năm phấn đấu, vào sinh ra tử trong chiến tranh, trưởng thành từng bước trên các nấc thang xã hội và nghề nghiệp... Phút chốc bị tước đoạt tất cả, trở thành một tội phạm”. Bị đình chỉ mọi chức vụ do liên quan đến vụ án Năm Cam và bị kết án 9 năm tù. Đã có lúc ông từng nghĩ “Cuộc đời oan trái. Nhân tình thế thái đổi thay đến chóng mặt. Lấy đâu ra niềm hứng thú say mê để sống, để viết, để cất bước trên chặng đường còn lại hàng chục năm”. Năm 2005, ông được đặc xá, sau đó, tiếp tục viết báo, viết văn với bút danh Trần Nhật Thi. Năm 2010, ông sử dụng lại tên thật: Trần Mai Hạnh.
“Sống đến bình minh” như những thước phim tư liệu với rất nhiều thông tin của một cuộc đời con người, của một thời. Khép lại những trang cuối cuốn sách, người đọc có thể thấy được chân dung của tác giả phải trải qua rất nhiều thử thách trong cuộc đời. Nhưng trên hết, dù khó khăn, dù bi kịch thế nào thì nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh vẫn luôn vững tin vào bản thân, vào lương tri và những điều tốt đẹp ở phía trước giống như tên cuốn tự truyện “Sống đến bình minh”.
700 trang viết cho cuộc đời đầy vinh quang và không ít nhọc nhằn của nhà báo Trần Mai Hạnh, khiến chúng ta thêm hiểu hơn về “nghề nguy hiểm” này. Cuốn tự truyện được ông ấp ủ và viết đã khá lâu, nhưng mãi đến đầu năm 2024 mới hoàn thành. Những biến cố, sự mất mát trong gia đình là động lực thôi thúc ông bừng tỉnh để viết tiếp những dòng cuối. Tiếc là ông đã đột ngột ra đi, không thể nhìn thấy “đứa con” tinh thần trước khi rời cõi trần.
Lý giải về tên sách, cố nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh đã viết: “Đời làm báo của tôi không chỉ có vinh quang mà còn không ít cay đắng; không chỉ có những phút giây thăng hoa khi được chứng kiến, tác nghiệp trong sự kiện lịch sử huy hoàng của dân tộc mà còn có tai nạn nghề nghiệp và hệ lụy kinh hoàng... Đối diện với cái chết trong chiến tranh và những nghịch cảnh cùng trò đùa của số phận đời thường, tôi vẫn sống và viết với niềm tin những gì tươi sáng rồi sẽ đến. Tên sách “Sống đến bình minh” được đặt cho cuốn tự truyện cũng vì lẽ đó”.
Đọc từng trang viết thật chậm, những người làm báo như tôi hôm nay nhận thấy sự tẻ nhạt, thờ ơ của mình trước đời sống. Thế hệ những nhà báo đi qua chiến tranh như Thanh Thảo, Trần Mai Hưởng, Trần Mai Hạnh... bằng tất cả sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, bằng những trải nghiệm của chính mình, họ không chỉ mang đến cho đời những trang viết đầy mồ hôi và nước mắt, họ đã sống và chiến đấu cùng Nhân dân và dân tộc, họ đã gửi đến chúng ta thông điệp về quyết tâm phải sống, với niềm tin mãnh liệt vào tương lai, vào sự thật.
Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN
- 2024-09-13 15:00:00
Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch tại “Vịnh Hạ Long trên cạn của xứ Thanh”
- 2024-09-13 13:22:00
Khắc đi... Khắc đến - Bản lĩnh vững vàng của một người từng trải
- 2024-06-14 15:39:00
“Càn” trong “ăn bậy nói càn” nghĩa là gì?
Độ nhiễu - Sai lầm trong phán đoán
Móng nhà hay móng ngựa
Giải Diên Hồng lần thứ ba được trao vào tháng 1 năm 2025
Lễ tục trong ngày tết Đoan ngọ
Thay đổi quy định xét tặng danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân” và “Nghệ sỹ Ưu tú”
3h làm việc hết một ngày - Rèn luyện cách làm việc hiệu quả
Bảo tồn làng cổ - không hề dễ dàng
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân”
Gìn giữ nghề thêu của đồng bào dân tộc Dao ở Thạch An