(vhds.baothanhhoa.vn) - Tự xưng là “cảnh sát giao thông” nhiều đối tượng ngang nhiên thông báo đến người dân có biên bản vi phạm giao thông phải nộp phạt, song lại yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân (tên, tuổi, số căn cước...) để tra cứu.

Tái diễn chiêu trò lừa đảo “phạt nguội” vi phạm giao thông

Tự xưng là “cảnh sát giao thông” nhiều đối tượng ngang nhiên thông báo đến người dân có biên bản vi phạm giao thông phải nộp phạt, song lại yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân (tên, tuổi, số căn cước...) để tra cứu.

Phạt nguội được hiểu là hình thức xử phạt những lỗi bị phát hiện thông qua camera, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cơ quan chức năng hoặc thu từ thiết bị của tổ chức, cá nhân. Lực lượng chức năng sẽ trích xuất biển số xe, gửi kèm thông báo về công an địa phương, nơi phương tiện đăng ký để báo cho chủ xe biết đi nộp phạt. Trở lại sau thời gian dài “im hơi lặng tiếng”, mới đây, chiêu trò mạo danh thông báo người vi phạm giao thông qua hình ảnh đã khiến không ít tài xế khốn đốn khi vô tình mất tiền oan.

Tái diễn chiêu trò lừa đảo “phạt nguội” vi phạm giao thôngNhiều đối tượng lợi dụng “phạt nguội” để lừa đảo. (Ảnh minh họa - Nguồn Internet).

Bỗng dưng trở thành nạn nhân “bất đắc dĩ”, anh H. (TP Thanh Hóa) cho biết: “Tôi nhận được cuộc gọi thông báo từ “Cục Quản lý giao thông” về việc có một biên lai chưa thanh toán. Đối tượng yêu cầu tôi nếu muốn biết được số tiền cụ thể và số hóa đơn phải thao tác bấm số trên điện thoại vì khá bất ngờ nên tôi cũng làm theo. Sau đó, đầu dây bên kia một giọng nam cất lên nói đây là số tổng đài của Sở Giao thông - Vận tải cùng địa chỉ trụ sở chính rất rõ ràng. Tổng đài viên yêu cầu tôi cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng... nếu chưa nhận được biên bản phạt nguội".

Tái diễn chiêu trò lừa đảo “phạt nguội” vi phạm giao thôngCác cuộc gọi lừa đảo ngày càng gia tăng. (Ảnh minh họa).

Vì nghĩ đơn giản có vài lần tham gia giao thông cũng “lỡ” vượt đèn đỏ và bị dọa tước bằng lái xe nên anh H. trót rơi vào “cái bẫy” đối tượng lừa đảo: “Nhận được gmail báo lỗi vi phạm vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông của tôi là 4 triệu đồng và thông tin chuyển khoản; tôi đã ngay lập tức thực hiện thao tác đóng tiền “phạt” qua hình thức chuyển khoản do quan ngại trong việc di chuyển, không muốn chờ đợi đến lượt đóng phạt. Tuy nhiên, sau vài ngày không nhận được biên lai đã đóng tiền tôi có sốt ruột gọi lại vào số điện thoại trên nhưng “bặt vô âm tín” lúc đấy tôi mới biết mình bị lừa”.

Tái diễn chiêu trò lừa đảo “phạt nguội” vi phạm giao thôngNgười dân cần hết sức nâng cao cảnh giác. (Ảnh chụp màn hình).

Thực tế, chiêu trò mạo danh cảnh sát giao thông thông báo người vi phạm giao thông bị “phạt nguội” để thực hiện các hành vi lừa đảo không mới. Đồng thời, thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo người dân không làm theo hướng dẫn của các đối tượng để tránh bị lừa đảo, mất tiền. Theo đó, các trường hợp vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông qua hình ảnh đều có thông báo vi phạm bằng văn bản của cơ quan chức năng đến chủ phương tiện.

Để tránh trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, cơ quan chức năng khuyến cáo lực lượng cảnh sát giao thông không thông báo nộp phạt qua điện thoại; người dân hết sức cảnh giác với các cuộc gọi này. Đặc biệt, không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ email),… cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào. Trong trường hợp nhận được các cuộc gọi này, người dân nhanh chóng báo tin cho cơ quan công an địa phương nơi gần nhất để lực lượng chức năng làm cơ sở điều tra, xác minh, đấu tranh.

Phú Lan


Phú Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]