(vhds.baothanhhoa.vn) - Có một câu hỏi luôn thách thức tất cả các quốc gia ở nhiều thế kỷ qua đó là: tại sao một số nước giàu còn nhiều nước khác lại nghèo, bị chia rẽ giữa phồn vinh và nghèo khó, mạnh khỏe và bệnh tật, no đủ và đói kém. Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson đã đoạt giải Nobel kinh tế vì những nghiên cứu về sự tác động của thể chế chính trị kinh tế tới sự phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia.

Tại sao các quốc gia thất bại?

Có một câu hỏi luôn thách thức tất cả các quốc gia ở nhiều thế kỷ qua đó là: tại sao một số nước giàu còn nhiều nước khác lại nghèo, bị chia rẽ giữa phồn vinh và nghèo khó, mạnh khỏe và bệnh tật, no đủ và đói kém. Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson đã đoạt giải Nobel kinh tế vì những nghiên cứu về sự tác động của thể chế chính trị kinh tế tới sự phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia.

Tại sao các quốc gia thất bại?

Rất may mắn là tinh thần của nghiên cứu ấy đã được xuất bản trong cuốn sách mà 2 trong 3 tác giả là Daron Acemoglu và James A. Robinson đã viết từ trước đó nhiều năm. Cuốn sách được mang tên: “Tại sao các quốc gia thất bại”.

Theo nhóm tác giả, mỗi xã hội vận hành với một tập hợp các quy luật kinh tế và chính trị được tạo ra và thực thi bởi cả Nhà nước và dân chúng. Các thể chế kinh tế sẽ định hình nên các động cơ kinh tế, động cơ khiến người ta muốn học tập, tiết kiệm và đầu tư, phát minh và áp dụng công nghệ mới. Chính quá trình chính trị sẽ định hình nên những thể chế kinh tế mà người dân đang sống trong đó và chính các thể chế chính trị sẽ định hình cách vận hành quá trình này. Ví dụ, chính các thể chế chính trị của đất nước sẽ quyết định khả năng của dân chúng trong việc kiểm soát các chính khách và ảnh hưởng tới hành vi của họ. Điều này đến lượt mình, sẽ quyết định liệu các chính khách có phải là đại diện của Nhân dân, dù không hoàn hảo, hay là họ có thể lạm dụng quyền lực được ủy thác cho họ, hay quyền lực mà họ đã chiếm đoạt để tích lũy của cải riêng và theo đuổi chương trình hành động riêng, tác hại đến lợi ích của Nhân dân.

Các thể chế chính trị không chỉ bao gồm hiến pháp và nền dân chủ. Thể chế chính trị còn bao gồm sức mạnh và năng lực của Nhà nước để điều tiết và quản trị xã hội. Cùng cần phải xem xét khái quát hơn những yếu tố xác định xem quyền lực chính trị được phân phối như thế nào trong xã hội, nhất là khả năng của các nhóm khác nhau cùng hành động tập thể để theo đuổi mục tiêu của họ hay ngăn chặn những người khác theo đuổi mục tiêu của họ. Vì các thể chế ảnh hưởng đến hành vi và động cơ khuyến khích trong đời sống thực tế nên chúng sẽ hun đúc nên thành công hay thất bại của các quốc gia.

Cuốn sách cũng chỉ ra rằng: Nhân tài là quan trọng ở mọi cấp độ xã hội, nhưng cho dù thế nào, cũng cần phải có một khung thể chế giúp chuyển hóa nhân tài thành một lực lượng tích cực.

Lý thuyết của nhóm tác giả chính là chính trị học về đói nghèo và thịnh vượng. Lý thuyết về các thể chế được quyết định như thế nào và thay đổi ra sao theo thời gian và vì sao vẫn không thể bị thay đổi ngay cả khi các thể chế ấy dẫn đến đói nghèo và bất hạnh cho hàng triệu người.

Các thể chế kinh tế dung hợp tạo ra các thị trường dung hợp, không chỉ cho phép dân chúng tự do theo đuổi các thiên hướng nghề nghiệp trong cuộc sống theo cách phù hợp nhất với tài năng của họ mà còn mang lại một sân chơi bình đẳng, tạo ra cho họ cơ hội để làm điều đó.

Các thể chế kinh tế dung hợp cũng lát đường cho hai động cơ của thịnh vượng: công nghệ và giáo dục. Tăng trưởng kinh tế bền vững gần như luôn luôn đi kèm với cải tiến công nghệ giúp dân chúng, lao động, đất đai và vốn trở nên có năng suất cao hơn.

Nhóm tác giả cũng phát hiện ra: những thể chế chính trị theo cơ chế kiểm soát lẫn nhau thì quyền lực được phân phối rộng rãi trong xã hội. Thay vì đặt vào một cá nhân duy nhất hay một nhóm thu hẹp, quyền lực chính trị được đặt vào một liên minh rộng rãi hay nhiều nhóm.

Trong bối cảnh hiện nay khi mà Đảng, Nhà nước ta đang đẩy mạnh cải cách thể chế như là một trong ba đột phá chiến lược thì những nội dung nghiên cứu trên hoàn toàn có giá trị như một lời gợi ý thêm về cái gọi là: thúc đẩy sự tham gia rộng khắp của người dân và xã hội vào đời sống, kinh tế, chính trị, bảo vệ quyền kinh doanh, quyền tài sản và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Trước khi nói thêm về đường hướng và cách thức giải quyết khả thi thì hãy nhớ lại lời khuyến cáo của nhóm tác giả: các quốc gia ngày nay thất bại vì các thể chế kinh tế chiếm đoạt của họ không tạo ra các động cơ cần thiết để khuyến khích dân chúng tiết kiệm, đầu tư và phát minh đổi mới. Các quốc gia thất bại về mặt kinh tế là do các thể chế chiếm đoạt. Giải pháp cho vấn đề này chính là chuyển đổi các thể chế chiếm đoạt thành các thể chế dung hợp.

Một vấn đề mà nhóm tác giả cũng rất thành thật khi chia sẻ đó là: không có công thức nào xây dựng thể chế này (thể chế chính trị dung hợp). Tất nhiên luôn có các yếu tố quyết định như: lịch sử thể chế kinh tế, chính trị; khác biệt ở thời điểm bước ngoặt và sự ngẫu nhiên của lịch sử.

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]