(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là một trong các địa phương có số lượng di sản vật thể (di tích) nhiều bậc nhất cả nước. Cùng với niềm tự hào về những giá trị trăm năm, ngàn năm được lưu giữ, câu chuyện bảo quản, tu bổ, phục hồi... di tích là trách nhiệm lớn được đặt ra với các cấp chính quyền, ngành chuyên môn và mỗi người dân.

Thách thức gìn giữ giá trị trăm năm

Thanh Hóa là một trong các địa phương có số lượng di sản vật thể (di tích) nhiều bậc nhất cả nước. Cùng với niềm tự hào về những giá trị trăm năm, ngàn năm được lưu giữ, câu chuyện bảo quản, tu bổ, phục hồi... di tích là trách nhiệm lớn được đặt ra với các cấp chính quyền, ngành chuyên môn và mỗi người dân.

Thách thức gìn giữ giá trị trăm nămThắng cảnh động Hồ Công đã được trả lại nguyên trạng sau khi việc xâm hại bị phát hiện.

Những “nỗi buồn” di tích

Nằm trong không gian của cụm Di tích cấp quốc gia núi An Hoạch (núi Nhồi) phường An Hưng (TP Thanh Hóa), chùa Quan Thánh (Tiên Sơn tự) độc đáo khi được xây dựng trong động đá, cheo leo bên vách núi. Di tích được xây dựng dưới thời Lê Trung hưng. Giá trị nổi bật của chùa Quan Thánh là hệ thống phù điêu hình người, voi, ngựa chạm khắc sống động, tinh xảo. Cũng tại chùa Quan Thánh còn có sự hiện hữu của nhiều văn tự chữ cổ được khắc trên vách đá “trăm năm chưa mòn”. Tương truyền, những phù điêu chạm khắc hình, chữ tại chùa Quan Thánh đều do người nghệ nhân làng Nhồi năm xưa với sự tài hoa, tâm huyết tạo nên.

Với những giá trị được lưu giữ, cụm Di tích núi An Hoạch (núi Nhồi) bao gồm chùa Quan Thánh đã sớm được xếp hạng cấp quốc gia. Tuy nhiên thực tế, suốt nhiều năm liền, cụm Di tích núi An Hoạch chưa được quan tâm đúng mức.

Vậy nhưng, cuối năm 2022 di tích chùa Quan Thánh được “nhắc” đến nhiều. Là bởi, người dân phát hiện, các phù điêu chạm khắc, văn bia tại di tích bị sơn nhiều màu sắc sặc sỡ. Nghiêm trọng hơn, người ta còn khoan trực tiếp vào văn bia với mục đích “vít” thanh sắt để làm mái che bằng tôn?! Mục đích những tưởng để bảo vệ, làm đẹp di tích thì đã vô tình khiến di tích bị xâm hại, làm ảnh hưởng giá trị di sản.

Nằm trên núi Vân Đài thuộc xã Vĩnh Ninh (nay là xã Ninh Khang) huyện Vĩnh Lộc, cách Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ chỉ vài cây số, thắng cảnh động Hồ Công được sử sách xưa ngợi ca là “động đẹp nhất trong 36 động ở phương Nam”. Cũng bởi mang vẻ đẹp kỳ thú, hấp dẫn mà danh thắng động Hồ Công trong lịch sử đã từng là nơi dừng chân ghé thăm của nhiều bậc vua chúa, tao nhân mặc khách. Đến nay, trên vách đá động Hồ Công còn lưu nhiều bút tích chữ Hán, trong đó có thơ của vua Lê Thánh Tông, chúa Trịnh Sâm...

Vậy nhưng, giữa tháng 3-2023 người dân phát hiện danh thắng động Hồ Công bị xâm hại. Cụ thể, sư trụ di tích chùa Thông - động Hồ Công đã tự ý xây dựng nhiều hạng mục trái phép bên trong động. Không chỉ vậy, còn có nhiều pho tượng được đưa vào thờ cúng trái phép bên trong động Hồ Công suốt nhiều năm qua, gây ảnh hưởng không gian di tích.

Trước đó, năm 2019 tại xã Nga Giáp, di tích chùa Bạch Tượng trong quá trình tu bổ, tôn tạo cũng bị cơ quan chuyên môn phát hiện có nhiều sai phạm nghiêm trọng, vi phạm Luật Di sản.

Do biến thiên của thời gian, di tích chùa Bạch Tượng có nhiều dấu hiệu xuống cấp, yêu cầu về việc trùng tu, tôn tạo di tích là cần thiết. Và việc tu bổ, tôn tạo chùa Bạch Tượng cũng đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Thanh Hóa có văn bản về việc thỏa thuận thiết kế tôn tạo di tích. Tuy nhiên, trong quá trình thi công tu bổ, tôn tạo tại di tích chùa Bạch Tượng đã xảy ra nhiều sai phạm. UBND xã Nga Giáp và nhà chùa đã tự ý thay đổi cấu trúc công trình tôn tạo đã được cấp có thẩm quyền thỏa thuận thiết kế; tự ý xây thêm nhiều hạng mục... Việc tu bổ, tôn tạo tại chùa Bạch Tượng xã Nga Giáp đã phá vỡ cảnh quan di tích, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản. Đáng tiếc, khi bị cơ quan chuyên môn phát hiện, thì mọi việc lại rơi vào “sự đã rồi”.

Hay 2 năm qua, hạng mục tu bổ giếng Ngọc tại di tích đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa) vẫn đang phải tạm dừng thi công vì những ý kiến chưa đồng thuận từ người dân...

Mọi thứ đều “sợ” thời gian và di sản cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trước sự xuống cấp của di tích, việc đòi hỏi được tu bổ, tôn tạo di tích là điều cần thiết. Tuy nhiên, tu bổ, tôn tạo như thế nào để không làm ảnh hưởng, mất đi giá trị vốn có của di tích, khiến di tích bị “biến hình”, làm mới di tích... Là những vấn đề đang được đặt ra nhiều năm qua.

Kiên quyết trước những sai phạm

Những ngày tháng 9-2023, có mặt tại thắng cảnh động Hồ Công, chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp yên bình, tĩnh lặng của di tích. Bên trong động không còn những tượng thờ, những bệ gạch... Tất cả đã được tháo dỡ, trả lại nguyên trạng vốn có của thắng cảnh.

Ông Trần Quảng Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Khang, cho biết: “Ngay sau khi có chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, ngành, UBND xã Ninh Khang đã làm việc với sư trụ trì chùa Thông - động Hồ Công, đồng thời huy động lực lượng để kịp thời khắc phục sai phạm. Cũng nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt mà việc khắc phục được thực hiện nhanh chóng. Hiện nay, mỗi tuần chính quyền địa phương đều cử cán bộ lên động Hồ Công để nắm bắt tình hình. Từ sự việc đáng tiếc xảy ra ở động Hồ Công, cũng là “bài học” cho chính quyền địa phương và người dân về việc “ứng xử” với di sản ông cha.

Trước đó, ngay sau khi nhận được phản ánh về việc Di tích quốc gia động Hồ Công bị xâm hại, sáng ngày 16-3-2023, đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã cùng với lãnh đạo Sở VH,TT&DL, Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Lộc trực tiếp đến di tích kiểm tra, chỉ đạo xử lý sai phạm. Cũng trong buổi làm việc, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định đây là bài học kinh nghiệm về công tác bảo tồn, tôn tạo di tích đối với ngành VH,TT&DL, huyện Vĩnh Lộc và các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Còn tại di tích chùa Quan Thánh (thuộc cụm Di tích cấp quốc gia núi An Hoạch), khi vụ việc xâm hại di tích bị phản ánh, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở VH,TT&DL kiểm tra xử lý, đồng thời phối hợp, hướng dẫn TP Thanh Hóa có phương án khôi phục, bảo vệ di tích theo đúng thẩm quyền quy định. Bà Phạm Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Thanh Hóa cho biết: “Việc xâm hại tại di tích chùa Quan Thánh đã được ngăn chặn ngay khi bị phát hiện. Tuy nhiên, đó vẫn là điều rất đáng buồn. Để xảy ra sự việc là điều không mong muốn. Song để khắc phục hậu quả của việc xâm hại tại chùa Quan Thánh rất khó khăn, cần sự cẩn trọng, tránh để sai chồng sai”.

Trước đó, tháng 11-2021, trước những sai phạm nghiêm trọng xảy ra trong công tác tu bổ, tôn tạo tại chùa Bạch Tượng, xã Nga Giáp (Nga Sơn), UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định hủy bỏ việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa (cấp tỉnh) với chùa Bạch Tượng (chùa Bạch Tượng được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2006).

Đáng chú ý, những hạn chế, tồn tại trong công tác bảo vệ, tu bổ, phục hồi di tích lại không phải hy hữu. Theo báo cáo của Sở VH,TT&DL, thời gian qua, trong quá trình thực hiện một số dự án, một số địa phương, đơn vị đã không tuân thủ quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến việc giữ gìn yếu tố gốc và giá trị lịch sử - văn hóa của di tích. Điển hình sai phạm như chùa Bạch Tượng, xã Nga Giáp (Nga Sơn); đền thờ Tô Hiến Thành (huyện Hoằng Hóa); nhà thờ họ Nguyễn Phủ (Vĩnh Lộc); đền Nưa (huyện Triệu Sơn); đền thờ Lê Văn Hưu (huyện Thiệu Hóa); nhà thờ họ Lê Hữu (TP Thanh Hóa)... Bên cạnh đó là việc xây dựng các công trình trái phép làm phá vỡ cảnh quan, xâm phạm khu vực bảo vệ, xâm hại di tích, như: danh thắng Hồ Đồng Vụa (Nga Sơn); núi Kim Sơn, động Hồ Công (Vĩnh Lộc); chùa Quan Thánh (TP Thanh Hóa).

Trước những hạn chế, tồn tại trong công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VH,TT&DL, cho biết: “Thanh Hóa có số lượng di tích rất lớn, với nhiều loại hình (di tích lịch sử; kiến trúc nghệ thuật; danh lam thắng cảnh; khảo cổ học), vấn đề quản lý di tích gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tại các di tích xảy ra sai phạm, quan điểm của sở là kiên quyết xử lý. Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh (người dân, báo chí) Sở VH,TT&DL đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu, đề nghị chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra, xử lý, khắc phục sai phạm theo quy định; đồng thời, giao thanh tra sở, phòng Quản lý Di sản văn hóa, Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản văn hóa thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn việc xử lý, khắc phục sai phạm tại các địa phương. Đối với các trường hợp vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý, giải quyết của sở, sở đã báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý triệt để các sai phạm tại di tích”.

Bài và ảnh: Kiều Huyền - Thu Trang

Tin liên quan:
  • Thách thức gìn giữ giá trị trăm năm
    Nhìn lại công tác trùng tu, tôn tạo di tích

    Năm nào cũng vậy, việc các di tích bị biến dạng do trùng tu vẫn luôn tốn không ít giấy mực của truyền thông, sự vào cuộc của các ngành, các cấp và là bài học không mới ở nhiều địa phương. Trùng tu không chỉ là công cuộc cứu giữ các giá trị nguyên bản mà còn để các thế hệ sau tiếp tục phát huy.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]