(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh ra trong gia đình danh giá ở xã Phú Hào, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên - nay là làng Phú Hào, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), Thái tể Lê Thì Hiến là danh tướng được lịch sử ghi nhận bởi tài năng cầm quân đánh trận. Cuộc đời binh nghiệp của ông trải qua nhiều trận chiến ác liệt “đánh Nam, dẹp Bắc” với những công trạng vẻ vang.

Thái tể Lê Thì Hiến: Danh tướng xứ Thanh “đánh Nam, dẹp Bắc”

Sinh ra trong gia đình danh giá ở xã Phú Hào, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên - nay là làng Phú Hào, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), Thái tể Lê Thì Hiến là danh tướng được lịch sử ghi nhận bởi tài năng cầm quân đánh trận. Cuộc đời binh nghiệp của ông trải qua nhiều trận chiến ác liệt “đánh Nam, dẹp Bắc” với những công trạng vẻ vang.

Thái tể Lê Thì Hiến: Danh tướng xứ Thanh “đánh Nam, dẹp Bắc”Văn bia ghi lại cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Thái tể Lê Thì Hiến không chỉ là tư liệu lịch sử, mà còn được đánh giá cao về giá trị điêu khắc, mỹ thuật.

Theo sử liệu, Lê Thì Hiến là con của quan Đô đốc Thiêm sự Thiếu phó Phong Quận công Lê Thì Nghi và ông ngoại là Thái bảo Nông Quận công. Từ nhỏ, cậu bé Lê Thì Hiến đã nổi tiếng thông minh, tài trí hơn người, học đâu hiểu đó, thông làu kinh sử. Lớn lên, ông thuộc binh thư, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, chăm chỉ rèn luyện nên sớm trưởng thành. 28 tuổi, đời Vua Lê Thần tông (1637) Lê Thì Hiến được tấn phong chức Chánh đội trưởng. Đến năm Quý Sửu (1643) ông đã được phong đến chức Thượng tướng quân, tước Hầu. 2 năm sau (1645) ông lại được thăng tước Quận công và lấy tên xã là hiệu - tức Hào Quận công (Quận công làng Phú Hào).

Lê Thì Hiến từng được chúa Trịnh Tráng khen ngợi là dũng tướng như chim ưng. Năm 1648, ông theo chúa Trịnh Tráng vào Nam Bố Chính đánh chúa Nguyễn. Lúc bấy giờ gặp phải thời tiết giá rét khắc nghiệt nhưng tướng tiên phong Lê Thì Hiến không nản, quyết mạo hiểm tiến lên trước. “Đến Thất Giang chiếm được lũy Trường Sa, rồi lại tiến đánh đồn Vũ Xá của chúa Nguyễn Phúc Tần, chém chết tướng giữ đồn, chiếm được cả cờ xí của quân Nguyễn cùng thẻ bài, quân khí. Khi ấy, quân Nguyễn dựa vào gò đống cao (trong lũy Trường Dục) để chống lại; các tướng nắm binh quyền đều muốn rút lui nhưng ông quyết tâm lấy ít địch nhiều, cuối cùng quân Nguyễn bị tiêu diệt… Hôm sau ông lại tuyển thêm lính trẻ đắp lũy kiên cố nhằm giữ gìn đồn trú lâu dài… ít lâu sau, quân Nguyễn lo sợ phải rút lui. Nếu không có người tài giỏi mưu lược thì sao có thể được như vậy? Văn tổ Nghị Vương Trịnh Tráng khen ông là tướng dũng như chim ưng, tiến phong chức Đô đốc Thiêm sự (trật nhị phẩm) và ban thực ấp” (sách Văn tài võ lược xứ Thanh, Trịnh Hoành, NXB Thanh Hóa, 2017).

Thái tể Lê Thì Hiến: Danh tướng xứ Thanh “đánh Nam, dẹp Bắc”Hiện vật voi đá, ngựa đá đang lưu giữ tại Khu Di tích đền thờ, lăng mộ Lê Thì Hiến.

Tuy nhiên, cuộc đời làm tướng đánh trận đâu phải chỉ có chiến công. Vào năm Thịnh Đức thứ ba (1655) Lê Thì Hiến làm thuộc tướng của Tả trấn Tiến Quận công Lê Văn Hiểu, được lệnh đem quân đánh giữ ở vùng phía Nam Hà Tĩnh. “Tháng 4 năm Ất Mùi (1655) Nguyễn Phúc Tần ở Thuận Hóa sai quân đánh úp được dinh, quân của Lê Thì Hiến đóng ở đó thua phải rút lui. Vì tội ấy các tướng đều bị cách chức, Lê Thì Hiến cũng bị bãi chức và thu hồi dân lộc. Tháng 10 năm Ất Mùi, Ninh Quận công Trịnh Toàn làm thống lĩnh kéo quân vào đánh Đàng Trong. Bấy giờ Phạm Công Trứ tiến cử ông (tức Lê Thì Hiến) là người có tài làm tướng, có thể đương nổi một mặt trận, không nên vì việc thua trận trước mà bỏ, bởi vậy ông lại được dùng” (sách Địa chí huyện Triệu Sơn).

Được sự tin tưởng của vua Lê chúa Trịnh, dũng tướng Lê Thì Hiến càng thêm dốc sức. Trong những chiến công trong cuộc đời binh nghiệp của ông, không thể không nhắc đến chiến công vào mùa thu năm Canh Tý, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3 (1660). Lúc bấy giờ, sau khi Trịnh Căn họp bàn kế tiến binh tấn công quân Nguyễn: “Lê Thì Hiến đem quân vượt cửa biển Hội Thống theo đường Tả Ao huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tiến đánh quân Nam, phá được lũy Hùng Lộc, đốt dinh trại, bắt được rất nhiều voi, ngựa, khí giới mang về. Tháng 11 năm ấy, Lê Thì Hiến lại cùng các tướng… chia đường tiến đánh quân Nam (tức quân nhà Nguyễn) ở Nghi Xuân và Thiên Lộc… quân Nam bỏ chạy. Quân Trịnh đuổi theo đánh rất dữ, đã thắng to ở xã Phù Lưu Thượng… Quân Trịnh thu được hết đất đai bảy huyện, đại quân thủy lục đến thẳng cửa Nhật Lệ đóng đồn. Kể từ lúc Đàng Trong, Đàng Ngoài giao binh, đó là chiến thắng lớn nhất của quân triều đình Lê Trịnh… trận này, công của Lê Thì Hiến là hơn cả” (sách Địa chí huyện Triệu Sơn).

Về trận chiến này, sử liệu viết về danh tướng dưới trướng chúa Nguyễn ở Đàng Trong là Nguyễn Hữu Dật cũng “thừa nhận” thất bại: “Tháng 11, ngày 17 năm Canh Tý - 1660, quân Trịnh chia 3 đạo quân tiến sang… đánh lớn. Ngày 18 quân Nguyễn bị các tướng Lê Thì Hiến, Lê Sĩ Triệt đánh thua ở xã An Điềm. Ngày 19 Thì Hiến, Sĩ Triệt lại đại phá quân Nguyễn ở Phù Lưu Thượng. Quân Nguyễn mất hết nhuệ khí chiến đấu” (theo sách Địa chí huyện Hà Trung).

Với những chiến công vang dội và đóng góp to lớn, người con xuất chúng của làng Phú Hào được thăng làm Phó tướng Thiếu úy, mở dinh gọi là Tả Trung quân và ban ấn riêng. Sau đó, ông còn được thăng Tả Đô đốc Tây quân.

Không chỉ là dũng tướng trong “chiến trường” Đàng Trong, Lê Thì Hiến còn thể hiện tài năng hơn người khi xung trận ra phía Bắc đánh dẹp tàn quân nhà Mạc. Khi chúa Trịnh Tạc mang đại quân đánh tàn quân Mạc ở Cao Bằng (năm 1667) Lê Thì Hiến được giao làm thống lãnh, theo đường Thái Nguyên tiến vào. Sau trận đại thắng này, ông lại được tin tưởng giao ở lại trấn thủ một vùng Sơn Tây. Về sau, ông còn dẫn quân đi đánh miền Tuyên Quang, đánh dẹp các cuộc nổi dậy, sau khi dân chúng được an cư ông mới rút quân trở về. Thời bấy giờ, người đời còn làm thơ ngợi ca công đức của ông, đại ý: Dù giặc giã hay kẻ phản loạn nổi lên ở đâu/ Hễ vó ngựa tướng công đến thì đều yên cả.

Thái tể Lê Thì Hiến: Danh tướng xứ Thanh “đánh Nam, dẹp Bắc”Người dân Thọ Phú mong mỏi quần thể di tích đền thờ và lăng tẩm Thái tể Lê Thì Hiến sớm được quan tâm trùng tu, tôn tạo xứng tầm với công trạng của tiền nhân.

Khi chúa Trịnh phò vua Lê ngự giá đem quân đánh Đàng Trong (năm 1672), lúc rút quân về, Lê Thì Hiến lại được giao ở lại giữ vùng đất Nghệ An kiêm châu Bố Chính. “Vua cấp vùng huyện Kỳ Hoa (Bắc Hoành Sơn, thuộc Hà Tĩnh ngày nay) cho ông làm thực ấp, hưởng lộc lâu dài. Như vậy vua Lê chúa Trịnh đã giao cho ông quyền thống lĩnh cõi Nam đất nước Đại Việt” (sách Văn tài võ lược xứ Thanh, Trịnh Hoành, NXB Thanh Hóa, 2017).

Đến năm 1674, Lê Thì Hiến qua đời khi đang trấn thủ Nghệ An. Thương tiếc ông là bậc dũng tướng tài trí, sau khi mất, ông được triều đình truy tặng hàm Thái tể, tên thụy là Nghiêm Trí và phong làm Phúc thần. Ông được triều đình phong kiến cho xây dựng đền thờ và khu lăng tẩm ngay tại quê nhà làng Phú Hào, xã Thọ Phú (Triệu Sơn). Theo sử liệu, văn bia và một số tài liệu còn lưu giữ tại làng quê Phú Hào ngày nay, khu đền thờ và lăng tẩm thờ Quận công Lê Thì Hiến là công trình kiến trúc nghệ thuật điêu khắc đá độc đáo, điển hình ở thế kỷ 17.

Tuy nhiên, trải qua biến thiên thời gian và nhiều nguyên do, đến nay khu di tích chỉ còn một số hiện vật đá giá trị (văn bia, ngựa đá, voi đá, sập thờ...), trong đó, văn bia ghi lại cuộc đời, sự nghiệp của vị Phúc thần làng Phú Hào vừa là tài liệu sử, cũng đồng thời là “tác phẩm” điêu khắc giá trị. Ông Chu Kim Tưởng, công chức văn hóa xã hội xã Thọ Phú cho biết: “Nghe các cụ cao niên trong làng kể lại, di tích đền thờ và lăng mộ Thái tể Lê Thì Hiến trước đây quy mô vô cùng bề thế. Ngày nay, dù không còn giữ được nguyên vẹn song với những dấu tích còn lại, di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Với niềm tự hào, tôn quý dành cho tiền nhân, người dân Thọ Phú mong mỏi được các cấp chính quyền, ngành chuyên môn quan tâm để sớm quy hoạch tổng thể khu di tích, hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo các hạng mục công trình… để lưu giữ những giá trị quý báu của di tích”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]