Thanh Hóa làm theo lời Bác (Bài 1): Mỗi kỷ vật một câu chuyện
Tháng 5 về trong những xúc cảm thật đặc biệt. Đặc biệt bởi tháng 5 có kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến thăm các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, nhìn những hiện vật, nghe những câu chuyện cảm động, thật tự hào và nhớ Bác.
Tượng Bác Hồ được đặt trang trọng trong Di tích lịch sử cách mạng trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa, giai đoạn 1967-1973, tại xã Thiệu Viên (Thiệu Hóa).
Những hiện vật Bác tặng cho Nhân dân Thanh Hóa
Thanh Hóa vinh dự là địa phương được Bác Hồ 4 lần về thăm. Ngoài những lần về thăm, Bác còn gửi nhiều thư khen, tặng nhiều bằng khen, huy hiệu, kỷ vật... cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Dù nhiều lần ngắm nhìn những hiện vật Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa với Bác Hồ ở Bảo tàng tỉnh nhưng lần nào cũng vậy, cảm xúc thật khó tả. Hơn cả thước phim tư liệu quý, từng hiện vật gắn với từng giai đoạn lịch sử, gắn với những dữ liệu về một phong trào, một cá nhân.
Nhìn lá cờ “Thi đua phục vụ tiền tuyến khá nhất” Bác Hồ trao tặng đoàn dân công xe đạp thồ tỉnh Thanh Hóa, chúng ta lại nhớ những ngày gian khó trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ở chiến dịch Thượng Lào (1953), Thanh Hóa đã huy động một lực lượng lớn dân công và gần 5.000 xe đạp thồ vận chuyển hàng nghìn tấn gạo, hàng trăm tấn thực phẩm tiếp viện cho chiến trường với tinh thần “tất cả cho chiến dịch”, “tất cả cho bộ đội ăn no đánh thắng”. Không chỉ thế, trong chiến dịch Thu Đông năm 1953, đoàn Nhân dân Thanh Hóa còn được Bác tặng Cờ “Đã ra sức thi đua làm tròn nhiệm vụ Thu Đông 1953”.
Thành tích ấy là xương, là máu, là biết bao sự hy sinh anh dũng của Nhân dân xứ Thanh. Vì thế, sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Nhân dân Thanh Hóa lại vinh dự được đón Bác về thăm lần thứ 2 (1957). Bác đã khen ngợi và ghi nhận những đóng góp to lớn của Nhân dân Thanh Hóa trong vai trò “Hậu phương lớn” của kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Cũng ngay trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh, chiếc máy cày Bác Hồ tặng sau khi Người về thăm Thanh Hóa lần thứ 4 (1961) như một “chứng nhân” đưa chúng ta ngược dòng thời gian 64 năm trước.
Kể từ khi cải cách ruộng đất, dưới sự lãnh đạo của các cấp, Yên Trường đã từng bước xây dựng quê hương, bước đầu với cải cách tổ chức sản xuất hợp tác. Sau đó vào những năm 1960 phong trào hợp tác hóa phát triển mạnh mẽ, chỉ từ tháng 8/1958 đến tháng 3/1961, Yên Trường đã hoàn thành việc xây dựng HTX bậc thấp phát triển lên thành HTX bậc cao quy mô toàn xã.
Nhắc lại sự kiện Bác Hồ về thăm HTX Yên Trường, ông Trịnh Gia Minh (81 tuổi) khi ấy vừa là Bí thư đoàn thanh niên của xã, vừa là đội trưởng của một đội sản xuất thuộc HTX Yên Trường, kể lại: 3 tháng sau chuyến về thăm HTX Yên Trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tặng Đảng bộ và Nhân dân xã Yên Trường chiếc máy cày DT24, được coi là hiện đại nhất lúc bấy giờ. Đó là chiếc máy cày đa năng xuất xứ từ Ba Lan có công suất 25 mã lực, có thể kéo, phát điện, bơm nước...”.
Chiếc máy cày, quà tặng vô giá của Bác Hồ đã trở thành động lực to lớn để Nhân dân và chính quyền xã Yên Trường tiếp tục phấn đấu, thi đua đạt nhiều thành tích trong sản xuất. Trong các năm sau đó, Nhân dân trong xã đã đào đắp hàng vạn mét khối đất, tham gia công trình thủy nông Nam sông Mã và xây dựng gần 20km mương thủy lợi. Đồng thời, phong trào trồng cây ở xã Yên Trường ngày ấy cũng phát triển mạnh với hàng vạn cây ăn quả và cây lấy gỗ mỗi năm. Sản xuất phát triển, đời sống tinh thần của Nhân dân trong xã ngày càng được nâng lên. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chính quyền và Nhân dân xã Yên Trường đã có nhiều đóng góp về sức người sức của, nhất là góp lương thực cho các chiến trường. Yên Trường đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương. Đặc biệt, năm 2000, xã Yên Trường vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”.
Năm 1976, chiếc máy cày đã dừng hoạt động đến năm 1990 được đưa về Bảo tàng tỉnh để trưng bày. 35 năm ở đây, chiếc máy cày là “nhân chứng” lịch sử kể cho khách tham quan hiểu câu chuyện một thời kháng chiến chống Mỹ, về tình cảm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho người dân xứ Thanh.
Tình cảm của người dân Thanh Hóa với Bác Hồ
Tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa không chỉ có những hiện vật do Bác tặng cho Nhân dân Thanh Hóa, mà còn có một số hiện vật thể hiện tình cảm của người dân Thanh Hóa với Bác Hồ kính yêu. Đó là bức phù điêu chân dung Bác Hồ; tấm đá chúc thọ Hồ Chủ tịch; tượng bán thân Bác Hồ; tranh sơn dầu: Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chủ chốt tỉnh Thanh Hóa tại Rừng Thông, Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ (Sầm Sơn)...
Đã 78 năm kể từ lần đầu tiên Bác Hồ về thăm và làm việc với Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa, nhưng ký ức về Người, những lời căn dặn của Người vẫn luôn là động lực để “tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”. |
Ngắm nhìn bức tranh sơn dầu Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ (Sầm Sơn) của họa sĩ Hoàng Hoa Mai, chúng ta nhớ ngay tới sự kiện Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần thứ 3 (1960). Trong chuyến thăm này, Bác tới dự Đại hội đại biểu công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI tại Sầm Sơn. Bác cũng thăm thú cảnh đẹp của Sầm Sơn, tắm biển và kéo lưới cùng bà con ngư dân, quan tâm tìm hiểu tình hình đời sống kinh tế của đồng bào và tới thăm một gia đình ngư dân sống cạnh bãi biển.
Ở trên đỉnh núi Trường Lệ Sầm Sơn, vẫn bộ quần áo nâu giản dị, chân đi dép cao su mà Bác thường dùng cho việc sinh hoạt hằng ngày và gương mặt đôn hậu hồng hào, đôi mắt dịu hiền đã để lại trong ta một cảm xúc gần gũi đến lạ thường.
Họa sĩ Hoàng Hoa Mai cho rằng, Bác Hồ ở trên núi Trường Lệ ngoài sự nghỉ ngơi và làm việc, Bác còn nghiên cứu con đường chiến lược trên biển để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và sau này con đường ấy được gọi là đường Hồ Chí Minh trên biển, một huyền thoại kỳ vĩ góp phần chiến thắng giặc Mỹ xâm lược thống nhất nước nhà.
Theo chia sẻ của họa sĩ Hoàng Hoa Mai: Vẽ nhiều tranh về Bác mà tôi cảm thấy vẫn thiếu, thấy khó, bởi vì biết về Bác Hồ quá ít ỏi.
Ngoài Bảo tàng tỉnh với rất nhiều hiện vật về Bác Hồ, thì ở hầu hết các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hình ảnh Bác Hồ vẫn luôn hiện diện. Về Di tích lịch sử cách mạng trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa, giai đoạn 1967-1973, tại xã Thiệu Viên (Thiệu Hóa), thành kính thắp nén nhang dâng Bác, chúng tôi được nghe lại câu chuyện cách đây 55 năm. Năm 1970, hơn một năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, tỉnh Thanh Hóa có chủ trương đúc tượng Bác Hồ bằng đồng để tưởng nhớ công lao vĩ đại của Người.
Lúc bấy giờ, họa sĩ Lê Đình Quỳ đang là cán bộ của Ty Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) được mời thiết kế chân dung Bác Hồ, làm phôi để các nghệ nhân làng nghề Trà Đông đúc tượng.
Là một trong những gia đình từng tham gia đúc tượng Bác Hồ, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu nhớ lại: Đây là sự kiện lớn và vinh dự với người dân làng nghề đúc đồng Trà Đông. Để thể hiện tình cảm với Bác Hồ, người dân làng nghề đã ủng hộ hơn 4 tạ đồng để đúc tượng. 12 lò đúc cùng nhau làm việc trong gần 2 tháng để hoàn thiện bức tượng đồng có trọng lượng gần 370kg.
Ông Châu cho biết: "Sau khi bức tượng Bác Hồ được hoàn thiện, người dân địa phương vui mừng, xúc động lắm. Đặc biệt, trong buổi rước tượng Bác Hồ về huyện, hàng nghìn người dân đã tập trung hò reo trong niềm hạnh phúc vỡ òa".
Nơi nào có hình ảnh Bác, nơi ấy thật là trang trọng. Mỗi hiện vật ẩn chứa những câu chuyện khác nhau, song tất cả đều toát lên tình cảm của Bác dành cho xứ Thanh; của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Thanh Hóa đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Bài và ảnh: CHI ANH
{name} - {time}
-
2025-05-16 14:00:00
Điểm nóng 16/5: Danh sách một số sản phẩm giả do cựu Cục trưởng Cục ATTP cấp phép
-
2025-05-16 09:22:00
Trao giải cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”
-
2025-05-16 06:04:00
Khai mạc Lễ hội Làng Sen và khánh thành công trình Tượng “Bác Hồ về thăm quê”
[Bản tin 18h] Bộ Y tế khuyến cáo chủ động phòng, chống COVID-19
Điểm nóng 15/5: Đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với cựu Bí thư Thị ủy Bến Cát
[Bản tin 18h] Phụ cấp cho giáo viên mầm non có thể tăng đến 80%
Điểm nóng 14/5: Hiệu thuốc bán thuốc giả bị xử phạt thế nào?
Phát hiện hành tinh lạnh giá trong “vùng cấm” của vũ trụ
[Bản tin 18h] DDCI 2024 tiếp tục “truyền lửa” cải cách, khơi dậy tinh thần thi đua
Điểm nóng 13/5: Chính phủ yêu cầu trình nghị định sửa đổi, bổ sung liên quan kinh doanh vàng
Gần dân, sát dân để lắng nghe, phục vụ Nhân dân
444 đại biểu dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc