(vhds.baothanhhoa.vn) - Xây dựng quốc gia khởi nghiệp là điều mà thế hệ trẻ Việt Nam đã, đang làm và hướng tới. Sự chung tay giúp đỡ của các cấp, ngành, địa phương đang làm nên đòn bẩy mạnh mẽ, đưa thanh niên đến và thực hiện thành công ước mơ khởi nghiệp. Tuy nhiên, phong trào khởi nghiệp ở Thanh Hóa vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vươn lên không ngừng của người trẻ và sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh niên xứ Thanh và khát vọng khởi nghiệp (Kỳ 1): Nâng bước thanh niên lập nghiệp

Xây dựng quốc gia khởi nghiệp là điều mà thế hệ trẻ Việt Nam đã, đang làm và hướng tới. Sự chung tay giúp đỡ của các cấp, ngành, địa phương đang làm nên đòn bẩy mạnh mẽ, đưa thanh niên đến và thực hiện thành công ước mơ khởi nghiệp. Tuy nhiên, phong trào khởi nghiệp ở Thanh Hóa vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vươn lên không ngừng của người trẻ và sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền.

Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức tín dụng, phong trào khởi nghiệp ở Thanh Hóa đã được tiếp thêm sức mạnh. Từ đó nhiều thanh niên đã khởi nghiệp bằng những việc làm thiết thực.

Rộng đường khởi nghiệp

Ngày nay không khó để bắt gặp hình ảnh của những chàng trai, cô gái tuy mới đôi mươi nhưng đã là chủ của những cơ ngơi có giá trị hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng,... Đa phần họ là những thanh niên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám xây dựng và thực hiện những việc làm "không giống ai". Và họ đã thành công trong phong trào khởi nghiệp.

Khởi nghiệp không nhất thiết phải là lãnh đạo doanh nghiệp, hay tham gia kinh doanh, thanh niên hoàn toàn có thể mơ ước làm chủ một trang trại gà, nuôi chim yến... hay tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm, là nhà cung ứng sản phẩm, hoặc phát triển giống cây, con mới... để thoát nghèo, nâng cao thu nhập và khẳng định bản thân mình. Khởi nghiệp đã và đang trở thành một phong trào sâu rộng, ăn sâu bám rễ vào nhiều người. Cùng với tuổi trẻ cả nước, thanh niên xứ Thanh đã coi phong trào này là “phương châm” trên con đường lập nghiệp.

Và để “khởi nghiệp không phải thành một phong trào một phút vụt lên rồi vắng đi mà phải liên tục và dài hơi” như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu tại Lễ khai mạc TechFest 2017, các cấp ủy, chính quyền đã và đang có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, trợ giúp đắc lực để mỗi ước mơ trở thành hiện thực.

Vốn đầu tư luôn là thách thức lớn nhất trên con đường khởi nghiệp, thì nay vấn đề này đã được “giải quyết” khi nhiều nguồn vốn vay ưu đãi đã và đang hỗ trợ tích cực cho thanh niên lập nghiệp. Tính đến nay, nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội ủy thác qua Đoàn thanh niên quản lý gần 745 tỷ đồng, triển khai tại 26/27 huyện, thị cho trên 26.000 hộ gia đình. Nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (nguồn vốn 120) của Trung ương Đoàn do Tỉnh Đoàn quản lý 2,15 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho 26 dự án ra đời và phát triển có hiệu quả. Đặc biệt, Quỹ khởi nghiệp thanh niên của UBND tỉnh Thanh Hóa với tổng vốn 10 tỷ đồng, đang hỗ trợ tích cực cho chương trình “bí thư tiên phong khởi nghiệp”. Quỹ đã giúp 36 mô hình kinh tế hình thành và phát triển, trong đó có nhiều mô hình đang phát huy hiệu quả như: Mô hình ớt xuất khẩu của anh Lê Văn Thôi (Xuân Quang, Thọ Xuân) cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; mô hình siêu thị mini cung cấp thực phẩm an toàn của anh Lê Hữu Huấn, Bí thư đoàn xã Cát Vân, Như Xuân...

Lãnh đạo Tỉnh Đoàn Thanh Hóa trao vốn từ Quỹ Thanh niên khởi nghiệp cho mô hình phát triển kinh tế.

Ông Hoàng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: “Thanh niên đang đứng trước cơ hội lớn để khởi nghiệp và lập nghiệp thành công. Nhất là thanh niên khu vực nông thôn với bản tính cần cù, chịu khó, sớm tiếp xúc và làm quen với môi trường nông nghiệp, có khả năng ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật nhanh. Nguồn vốn hỗ trợ sẽ chắp thêm đôi cánh cho những thanh niên dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng vượt lên khó khăn đến được với ước mơ”.

Một hướng đi mới, hiệu quả cao, có thể giúp các hộ thanh niên nghèo khởi nghiệp đang được Tỉnh Đoàn thực hiện là việc phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh tế. Như việc phối hợp với Công ty Happy Farm mở trang trại chăn nuôi gà ri lai thương phẩm. Theo đó, Công ty Happy Farm sẽ hỗ trợ miễn phí về kỹ thuật, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho người nuôi gà. Trong quá trình chăn nuôi, công ty có hỗ trợ về thuốc thú y, thức ăn, cách phòng trừ dịch bệnh. Hiện chương trình đã được triển khai cho các hộ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại các huyện miền núi Bá Thước, Lang Chánh... bước đầu giúp các thanh niên thoát nghèo, nâng cao thu nhập. Nhiều thanh niên đã có thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng nhờ nuôi gà ri lai thương phẩm theo mô hình trang trại.

Những địa phương tiên phong khởi nghiệp

Thọ Xuân là một trong những địa phương tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp với nhiều mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ được đánh giá cao, phát huy hiệu quả. Ông Phan Thanh Dũng - Bí thư Huyện Đoàn Thọ Xuân cho biết: “Trong thời gian qua, việc hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, giải quyết việc làm là mục tiêu trọng tâm của công tác đoàn. Theo đó, mỗi năm các cơ sở đoàn đều chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu học tập, nghề nghiệp của thanh niên tại thôn, xã, từ đó Huyện Đoàn có kế hoạch triển khai các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi... cho thanh niên”.

Từ năm 2012 đến nay, Huyện Đoàn Thọ Xuân đã tổ chức được 54 lớp chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho gần 3.000 lượt đoàn viên thanh niên. Thành lập 5 CLB thanh niên phát triển kinh tế với 58 thành viên, tạo việc làm cho 350 lao động, với mức lương từ 3 - 5 triệu đồng/tháng/người.

Huyện Đoàn Thọ Xuân cũng thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải ngân nguồn vốn ưu đãi cho gần 1.000 hộ, với tổng dư nợ đến nay là hơn 29 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Huyện Đoàn tổ chức diễn đàn “Thanh niên Thọ Xuân khởi nghiệp”, thành lập CLB “doanh nhân trẻ huyện Thọ Xuân”, tham mưu cho UBND huyện thành lập 3 tổ tư vấn (tổ tư vấn phát triển doanh nghiệp; tư vấn giúp các trang trại, HTX chuyển đổi sang hoạt động theo luật doanh nghiệp; tư vấn phát triển doanh nghiệp trên lĩnh vực văn hóa, xã hội). Kết quả, từ tháng 4/2017 đến nay đã có 19 doanh nghiệp thành lập mới do thanh niên làm chủ. Những thành công này đã góp phần quan trọng cùng cấp ủy, chính quyền hoàn thành chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp trong năm 2017 và phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện có 1.000 doanh nghiệp hoạt động.

Không riêng gì Thọ Xuân, mà các địa phương khác trong tỉnh cũng đã triển khai nhiều chương trình thiết thực hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Bởi thành công của những mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, không những giúp các hộ nâng cao thu nhập mà còn khiến làng quê thay da đổi thịt, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới tại các xã và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội tại địa phương.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]