(vhds.baothanhhoa.vn) - Trước thời điểm đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam gặp Nhật Bản tại vòng tứ kết Asian Cup 2019 (20h tối 24/1/2019), sân chơi hấp dẫn nhất châu lục tiếp tục chứng kiến một chuyển động “nóng” khác: Ngay sau thất bại trước đội bóng đến từ đất nước mặt trời mọc tại vòng 1/8, HLV trưởng Juan Antonio Pizzicủa Saudi Arabia đã bất ngờ đệ đơn từ chức.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện “trảm tướng” ở Asian Cup 2019

Trước thời điểm đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam gặp Nhật Bản tại vòng tứ kết Asian Cup 2019 (20h tối 24/1/2019), sân chơi hấp dẫn nhất châu lục tiếp tục chứng kiến một chuyển động “nóng” khác: Ngay sau thất bại trước đội bóng đến từ đất nước mặt trời mọc tại vòng 1/8, HLV trưởng Juan Antonio Pizzicủa Saudi Arabia đã bất ngờ đệ đơn từ chức.

Vị chiến lược gia người Argentina Juan Antonio Pizzi không phải cái tên đầu tiên rời “ghế nóng” ở giải năm nay. Trước đó, nhiều nhà cầm quân khác cũng đã phải nói “lời người ra đi” khi thành tích của đội bóng mình dẫn dắt bất xứng kỳ vọng.

Trong bóng đá, “quân thua, tướng bị trảm” (hay từ chức) đã không còn là chuyện lạ. Chúng tôi tin rằng, từ nay đến khi Asian Cup 2019 khép lại, sẽ có thêm những ông thầy khác phải “lên ngựa, chia bào”. Tuy nhiên, điều đáng để suy ngẫm chính là chuyện chấm dứt hợp đồng của liên đoàn bóng đá các nước: rất dứt khoát và gần như không cho nạn nhân cơ hội thanh minh, giải thích.

Thật vậy, chưa đầy 24 giờ sau thất bại trước Jordan với tỉ số 0-2 (chỉ giành được 1/6 điểm tối đa và bị loại từ vòng bảng), HLV Bernd Stange của đội tuyển Syria đã chính thức bị sa thải. Còn trước đó, một nhà cầm quân khác - ông Rajevac - cũng nhanh chóng bị Hiệp hội Bóng đá Thái Lan “xử lý” chỉ sau vẻn vẹn 90 phút thua thảm Ấn Độ (1-4) ở ngày ra quân. Nghiệt ngã hơn là HLV Rajevac bị “trảm” trong bối cảnh đội bóng xứ Chùa Vàng còn nguyên cơ hội giành vé vào vòng đấu loại trực tiếp (họ còn 2 trận chưa đấu và thực tế, Thái Lan vẫn có mặt ở vòng kế tiếp).

Điều này cho thấy, trách nhiệm “đứng mũi chịu sào” của HLV trưởng là không cần bàn cãi, không thể bào chữa: bất luận nguyên nhân gì thì số phận của họ đều phải dựa vào kết quả trên sân bóng. Người ta lấy đó làm cơ sở để ngay lập tức đưa ra phán quyết!

Vậy nhưng, việc “trảm tướng” ở sân cỏ nước ta lại không đi theo lộ trình này. Nói đúng hơn, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải tiến hành không ít thao tác, công việc rồi mới “khai đao”.

Thông thường, sau một thất bại, VFF thường dành một khoảng thời gian khá dài để... chờ dư luận bớt sục sôi và chờ tư vấn, tham mưu về thành phần, thời gian, địa điểm họp (thường là “họp kín”). Đáng nói hơn, sau mỗi cuộc họp của Liên đoàn, hậu trường đội tuyển Việt Nam thường rối càng thêm rối bởi mỗi quyết định từ VFF (giữ hay sa thải HLV trưởng?) đều rất thiếu thuyết phục và không sòng phẳng, minh bạch.

Đơn cử như câu chuyện của HLV Falko Goetz tại SEA Games 26 (2011). Ban đầu, VFF không định quy trách nhiệm cho nhà cầm quân người Đức (một quan chức Liên đoàn đã đăng đàn khẳng định: ông Goetz không phải chịu trách nhiệm về thất bại này) nhưng trước sức ép từ khán giả, cực chẳng đã, VFF đành lấy HLV trưởng làm “con dê tế thần” theo cách thức chẳng giống ai: Đề nghị thanh lý hợp đồng qua email (thư điện tử).

Không còn nghi ngờ gì nữa, chỉ một chuyện “trảm tướng hợp pháp” (theo các điều khoản, nội dung trong hợp đồng được ký kết) cũng đã cho thấy: về quản lý, điều hành bóng đá, chúng ta còn thua kém và phải học hỏi thiên hạ rất nhiều.

Chí ít là để đi đến một quyết định không thể khác, được dư luận đồng tình, trông đợi... VFF không cần “câu” thời gian hay mất quá nhiều thì giờ cho... những cuộc họp!

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]