(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Những ngày này, sự kiện võ sư Pierre Francois Flores của phái Vịnh Xuân Nam Anh muốn gặp Huỳnh Tuấn Kiệt - trưởng môn phái Nam Huỳnh đạo để “thọ giáo” đã và đang gây xôn xao dư luận cả nước. Điều đáng nói hơn, qua câu chuyện này, dư luận cả nước đã ngộ ra không ít vấn đề tưởng chừng là “đặc thù riêng” của làng võ Việt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sau ‘tấm màn nhung’ của làng võ Việt

(VH&ĐS) Những ngày này, sự kiện võ sư Pierre Francois Flores của phái Vịnh Xuân Nam Anh muốn gặp Huỳnh Tuấn Kiệt - trưởng môn phái Nam Huỳnh đạo để “thọ giáo” đã và đang gây xôn xao dư luận cả nước. Điều đáng nói hơn, qua câu chuyện này, dư luận cả nước đã ngộ ra không ít vấn đề tưởng chừng là “đặc thù riêng” của làng võ Việt.

Bí ẩn như võ thuật...

Câu chuyện bắt nguồn từ một số clip về ông Huỳnh Tuấn Kiệt trên một số trang tin điện tử với những hình ảnh “xưa nay hiếm”. Qua đó, võ sư họ Huỳnh không cần ra tay, chỉ truyền “nhân điện” (một dạng “phóng chưởng” trong các bộ phim võ thuật) cũng khiến môn đồ văng xa tới vài mét. Nguồn “nhân điện” của võ sư họ Huỳnh mạnh tới mức truyền qua võ sinh trung gian cũng khiến một môn đệ khác loạng choạng, té ngã. Cho rằng đó chỉ là “trò bịp bợm”, Flores quyết tâm từ Canada lặn lội về Việt Nam, công khai ý định “giao lưu võ thuật” (thực chất là thách đấu) cùng thông điệp: Nếu thua cuộc sẽ “tâm phục khẩu phục” còn trong trường hợp “lấm lưng trắng bụng”, ông Kiệt hãy gỡ bỏ những video đã đăng tải.

Nhìn nhận một cách khách quan thì “lời thách đấu” kia sẽ chẳng khiến truyền thông, dư luận “ồn ã” đến thế bởi ở làng võ Việt, chuyện các trường phái võ thuật tranh hùng, thách đấu nhau diễn ra như cơm bữa. Thậm chí, xét về góc độ hấp dẫn, quyết liệt nó chẳng thấm vào đâu nếu so với những màn đối kháng võ thuật tại các kỳ SEA Games (Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á). Song, điều khiến người hâm mộ cảm thấy háo hức là cuộc tỉ thí này (nếu diễn ra) sẽ vén được bức màn bí mật về nguồn “nhân điện” của võ sư họ Huỳnh (có thật hay chỉ là “lừa bịp” như khẳng định của Flores?).

Tuy nhiên, đáp lại lời thách đấu Flores đưa ra, dư luận được chứng kiến vô số những điều khoản “phi võ thuật” khác từ người đứng đầu Nam Huỳnh đạo như: “Kẻ thách thức” phải xin lỗi vì xúc phạm võ sư họ Huỳnh, đồng thời có giấy phép từ các cơ quan chức năng nếu muốn “giao lưu”... Chưa hết, lúc thì ông Kiệt tuyên bố chỉ thi đấu với sư phụ của Flores, khi thì lại bảo sẽ cử... em trai “thượng đài” thay mình. Với những chuyển động ấy, chẳng có gì đảm bảo người hâm mộ võ thuật sẽ được chứng kiến màn “so găng” đầy hứa hẹn nói trên. Cũng có nghĩa Nam Huỳnh đạo cùng với luồng “nhân điện” của người khai mở võ đường vẫn cứ là bí ẩn khiến dư luận bàn tán.

Võ sư Đoàn Bảo Châu (trái) đấu với võ sư phái Vịnh Xuân Nam Anh Pierre Francois Flores (ảnh chụp từ clip)

...Và “bát nháo” như những lời thách đấu

Cần phải nói ngay là chúng tôi không khẳng định làng võ nước nhà “bát nháo” mà chỉ muốn để cập đến những biểu hiện lộn xộn, thiếu tinh thần thượng võ, mang hơi hướng “xã hội đen” xung quanh chuyển động này.

Như đã biết, dù không (hay chưa) được ông Huỳnh Tuấn Kiệt nhận lời, Flores vẫn tới Hà Nội. Tại đây, võ công của ông đã được kiểm chứng qua hai lần giành chiến thắng trước 2 võ sư khác là Trần Lê Hoài Linh (phái Vịnh Xuân quyền) và Đoàn Bảo Châu (môn Karate). Đúng lúc này thì Flores nhận được hàng loạt lời thách đấu khác qua... facebook. Từ một cá nhân xưng là đệ tự của Muay Thái đến một đại diện của võ cổ truyền ở Đông Nam Bộ cùng hàng loạt “cao thủ” khác. Tất cả đều khẳng định họ đủ khả năng để “hạ đo ván” võ sư người Canada gốc Chile.

Thậm chí, không ít “võ sư” còn đưa ra những nhận xét, hoặc là hạ thấp khả năng chiến đấu của Flores, hoặc đề cao tính “thiện chiến” của môn phái mình đang theo đuổi. Họ “vô tình” hay “không nhớ” rằng việc, luyện võ trước hết là để nâng cao sức khỏe, tăng cường khả năng tự vệ, chứ không phải chủ động thách đấu hay thích “ra tay”.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, đã có khoảng 40 cuộc hẹn Flores “nói chuyện phải trái”. Và như vậy, xem ra sẽ không quá lời khi nói, màn so tài giữa võ sư này với Huỳnh Tuấn Kiệt chưa diễn ra nhưng đã rất đáng lo ngại khi cả làng võ Việt bị kích động. Cho dù đại diện các võ đường đều khẳng định yếu tố “trao đổi, học hỏi” qua phát ngôn thì người hâm mộ vẫn nhận thấy sự cay cú, ăn thua theo kiểu... giang hồ!

Chúng tôi tin rằng, từ câu chuyện thách đấu của võ sư Pierre Francois Flores, bỏ qua những “ồn ào” không cần thiết, người hâm mộ cũng như các trường phái (bộ môn) võ thuật nội địa nên rút ra cho mình những ứng xử cần thiết cả mồm miệng lẫn tay chân. Bởi võ thuật là môn thể thao vốn dành cho những người khiêm nhường, biết nhẫn nhịn.

Thanh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]