(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Hình ảnh trâu chọi số 18 húc chủ nhân đã và đang dấy lên những ý kiến trái chiều. Kẻ bảo đây là lễ hội “bạo lực”, phi nhân tính, phản văn hóa cần loại bỏ khỏi xã hội đương đại. Người lại cho rằng đó chỉ là tai nạn, không nên vì một tai nạn mà “xóa sổ” hoạt động văn hóa đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Từ hành vi đốt pháo sáng của một số khán giả Hải Phòng: Đi tìm trách nhiệm của Ban tổ chức

(VH&ĐS) Hình ảnh trâu chọi số 18 húc chủ nhân đã và đang dấy lên những ý kiến trái chiều. Kẻ bảo đây là lễ hội “bạo lực”, phi nhân tính, phản văn hóa cần loại bỏ khỏi xã hội đương đại. Người lại cho rằng đó chỉ là tai nạn, không nên vì một tai nạn mà “xóa sổ” hoạt động văn hóa đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

Trong buổi làm việc của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xung quanh sự kiện này, bà Ninh Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở đã không giấu được sự “ngạc nhiên” trước quy chế tổ chức Lễ hội, đại ý là nếu bị trâu chọi húc chết chủ, chủ nhân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm còn Ban tổ chức thì... vô can. “Công tác quản lý của Ban tổ chức nằm ở đâu, chỗ nào?” - bà Hương bức xúc đặt câu hỏi.

Thắc mắc của bà Hương rất có lý nhưng không dễ để quy trách nhiệm bởi việc “phủi trách nhiệm” diễn ra khá phổ biến hiện nay. Chúng tôi tin rằng nhiều độc giả từng bắt gặp những biển cảnh báo đại thể như: quý khách tự bảo quản hành lý, nhà hàng không chịu trách nhiệm!

Tạm gác băn khoăn của bà Hương để nói về một diễn biến khác, cũng “nóng” không kém ở giải Bóng đá vô địch quốc gia năm nay: một số khán giả đất Cảng có hành vi đốt pháo sáng trong trận đấu Hải Phòng - Hà Nội FC trên sân Hàng Đẫy (vòng 15 V.League 2017).

Diễn biến sân chơi “sang” nhất làng nhiều năm qua đã chứng minh: với các trận cầu có sự tham gia của đội bóng đất Cảng, pháo sáng và sự hỗn loạn trên khán đài đã là chuyện “xưa như diễm”. Dẫu biết đó là hành động phi thể thao nhưng để áp một án phạt hợp lý lại là bài toán không dễ giải bởi truy tìm “đích danh thủ phạm” giữa hàng nghìn cổ động viên còn... khó hơn lên trời. Chính vì bất lực nên để đối phó với các pha “hỏa thiêu cầu trường”, Ban tổ chức đã nghĩ ra không ít án phạt từ “nhẹ” đến “nặng” như: phạt tiền câu lạc bộ chủ quản, buộc thi đấu trên sân trung lập, “treo” sân nhà và mới đây, khán giả Hải Phòng bị cấm hiện diện trên sân khách đến hết mùa bóng!

Bằng các hình thức răn đe kể trên, Ban tổ chức V.League đã cố gắng thể hiện sự nghiêm khắc cùng thông điệp quyết tâm trừng trị các biểu hiện thiếu văn hóa trên khán đài dẫu rằng không phải mọi án phạt đều thỏa đáng và thuyết phục được người hâm mộ cả nước.

Với khán giả đội bóng đất Cảng, pháo sáng đã là chuyện “xưa như diễm” (ảnh: Internet)

Đơn cử như “lệnh cấm” người hâm mộ đến sân khách đến hết V.League 2017 sau màn “thắp lửa” ở vòng 15 mà chúng tôi đã đề cập. Không khó để nhận thấy nó vừa không công bằng, vừa thiếu tính khả thi. Thứ nhất, khán giả Hải Phòng hiện diện ở mọi miền đất nước nên không thể vì vài cá nhân đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy mà đánh đồng tất cả là hooligan rồi “phạt chùm”, “phạt tập thể”. Sau nữa, không rõ BTC căn cứ vào tiêu chí nào để phân biệt “khán giả Hải Phòng” với “người hâm mộ địa phương khác”. Nếu chỉ dựa vào tiêu chí “màu đỏ” của trang phục cùng lô-gô trên ngực áo thì cổ động viên chỉ cần thực hiện thao tác đổi áo là đã có thể qua mặt lực lượng kiểm soát.

Nhưng quan trọng hơn là qua những “biến cố” liên quan đến khán giả ở V.League, chưa bao giờ những nhà làm giải có động thái nhận trách nhiệm trước dư luận. Thậm chí là với các “điểm đen” như nạn đi đêm, “đá bóng trên bàn” hay sự non yếu về năng lực của trọng tài cũng như bạo lực sân cỏ, các quan chức Liên đoàn luôn tỏ ra rất biết “chạy tội” khi quy tất cả trách nhiệm, hoặc cho cá nhân thực hiện, hoặc cho các sân bóng địa phương.

Trở lại lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, đúng là khi xảy ra sự cố, chủ nhân của con trâu chọi phải là đối tượng đầu tiên gánh trách nhiệm nhưng không có nghĩa Ban tổ chức có thể cho mình cái quyền “phủi tay”, đứng ngoài cuộc. Tương tự như vậy, với việc cổ động viên Hải Phòng “thắp lửa” trên khán đài, bên cạnh biện pháp trừng phạt, rất cần đặt ra câu hỏi: trách nhiệm của Ban tổ chức V.League và cao hơn là Liên đoàn bóng đá Việt Nam ở đâu?

Thanh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]