(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 2 tháng 9 mùa Thu năm 1945 là một ngày đẹp nhất, thiêng liêng nhất đối với dân tộc Việt Nam. Riêng đối với thủ đô Hà Nội còn là ngày vẻ vang trọng đại nhất. Ngày ấy cả Hà Nội rực rỡ màu đỏ, màu cách mạng, rừng cờ, băng, biểu ngữ, đèn lồng, hoa thơm tràn ngập các phố phường, khắp các ngả đường đều thấy các khẩu hiệu bằng tiếng Việt và tiếng Pháp “Việt Nam của người Việt Nam”, “Ủng hộ Chính phủ lâm thời”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Đả đảo chủ nghĩa thực dân Pháp”, “Độc lập hay là chết”, “Hoan nghênh phái đoàn đại diện Đồng minh”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Âm vang lời Bác từ Quảng trường Ba Đình mùa thu 75 năm trước

Ngày 2 tháng 9 mùa Thu năm 1945 là một ngày đẹp nhất, thiêng liêng nhất đối với dân tộc Việt Nam. Riêng đối với thủ đô Hà Nội còn là ngày vẻ vang trọng đại nhất. Ngày ấy cả Hà Nội rực rỡ màu đỏ, màu cách mạng, rừng cờ, băng, biểu ngữ, đèn lồng, hoa thơm tràn ngập các phố phường, khắp các ngả đường đều thấy các khẩu hiệu bằng tiếng Việt và tiếng Pháp “Việt Nam của người Việt Nam”, “Ủng hộ Chính phủ lâm thời”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Đả đảo chủ nghĩa thực dân Pháp”, “Độc lập hay là chết”, “Hoan nghênh phái đoàn đại diện Đồng minh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu)

Từ sớm tinh mơ gần một triệu nhân dân nội thành, ngoại thành và các tỉnh lân cận tay cầm cờ, hoa làm thành một dòng người vô tận chảy vào Vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) tràn ngập ra các đường phố xung quanh.

Một khung cảnh hùng vĩ và trang nghiêm, có lễ đài cao mới dựng, có Quốc kỳ mới, Quốc ca mới, Quân đội mới, Nhân dân mới, Chính phủ mới, chế độ mới. Hơn hai mươi triệu trái tim cùng một nhịp đập. Dưới bầu trời trong xanh, nắng thu vàng đẹp, heo may mát dịu, cờ đỏ sao vàng hiên ngang phấp phới thổi vào lòng người một niềm vui dạt dào bất tận.

Trong không khí trang nghiêm, long trọng của buổi lễ ai cũng náo nức chờ đợi để được thấy một vị Chủ tịch - một lãnh tụ - một người đã bôn ba khắp 5 châu 4 biển để tìm đường cứu nước, phải thay đổi tên họ đến trăm lần, biết nhiều thứ tiếng nước ngoài, đã làm hàng chục nghề khác nhau, bị tù nhiều lần, một lần bị kết án tử hình, một lần có tin là đã qua đời. Nhân dân chờ đợi để được thấy không những là vị lãnh tụ đầu tiên của nước Cộng hòa dân chủ mới mà còn là một nhân vật đặc biệt, khác thường. Trong trí tưởng tượng của mọi người, vị Chủ tịch nước đầu tiên không mặc áo hoàng bào, thắt đai khảm ngọc như một hoàng đế ngày xưa, nhưng nhất định phải ăn mặc chỉnh tề dáng vẻ uy nghi, trang trọng.

Nhưng rồi sự thật đã không như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trên lễ đài là một người giản dị, thân mật, có nụ cười nhân hậu. Chủ tịch đội chiếc mũ đã ngã màu vàng nhạt vì nắng gió, mặc bộ quần áo ka ki bình thường và chân đi đôi dép cao su. Cả biển người trên quảng trường xao động ai nấy đều cố nghển cao lên để mà nhìn, mà reo vui đến chảy nước mắt.

Người bắt đầu đọc “Tuyên ngôn độc lập”. Giọng người sang sảng, khỏe khoắn khiến mọi người nhớ lại những ngày chiến đấu gian lao mà anh dũng của thời chiến tranh du kích trước đó:

“...Pháp chạy, Nhật hàng, Vua Bảo Đại thoái vị, dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa... Chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.

Bỗng Chủ tịch dừng lại và hướng về phía quảng trường đang vang động tiếng vỗ tay hoan hô, Người hỏi:

“Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”

Một câu hỏi đơn giản này đã làm tiêu tan hết tất cả những gì còn xa cách giữa Chủ tịch và nhân dân. Tất cả trào lên lòng kính yêu vô bờ đối với Hồ Chủ tịch. Tất cả mọi người đều thấy Chủ tịch là một con người như mình, gần mình, thân thiết với mình, một người có lòng thương yêu nhân dân vô hạn. Và tất cả đều đồng thanh trả lời câu hỏi của Chủ tịch bằng một tiếng đều rắp: “Có”

Rồi Người đọc tiếp với giọng đanh thép, hùng hồn:

“...Chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và sức lực, tính mạng và của cải để giữ vững quyền độc lập và tự do ấy...”

Hòa với âm thanh vang vọng lời Bác, tiếng hoan hô, reo mừng, tiếng hô khẩu hiệu lại trào dâng khắp quảng trường như tiếng sấm dậy.

Đó là một kỷ niệm đẹp đẽ nhất, sung sướng nhất trong ngày lịch sử, ngày Độc lập của dân tộc ta đó từ 75 năm trước đây.

Văn Như Tước


Văn Như Tước

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]