(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 28/1/1941, tức ngày 2 Tết năm Tân Tỵ, có một tốp gồm 6 người đã xuyên rừng, vượt núi từ Quảng Tây (Trung Quốc) về Cao Bằng. Cả 6 người đều mặc quần áo chàm - y phục của người Nùng ở địa phương. Có một ông già cầm một cây gậy nhỏ, nhưng chỉ khi xuống dốc ông mới chống. Ông đi nhanh thoăn thoắt khiến mọi người phải ngạc nhiên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bác Hồ ăn tết ở Pác Bó

Ngày 28/1/1941, tức ngày 2 Tết năm Tân Tỵ, có một tốp gồm 6 người đã xuyên rừng, vượt núi từ Quảng Tây (Trung Quốc) về Cao Bằng. Cả 6 người đều mặc quần áo chàm - y phục của người Nùng ở địa phương. Có một ông già cầm một cây gậy nhỏ, nhưng chỉ khi xuống dốc ông mới chống. Ông đi nhanh thoăn thoắt khiến mọi người phải ngạc nhiên.

Sau nhiều ngày vất vả xuyên rừng, vào một buổi chiều, cả 6 người đi về phía một cây si già, to cao, cành lá sum suê. Cách đó không xa, là cột mốc biên giới bằng đá số 108. Trên cột mốc ấy có khắc mấy chữ Trung Quốc và chữ Pháp, chỉ rõ bắt đầu từ đây là địa phận Việt Nam.

Ông già ấy cẩn thận đặt chiếc gậy xuống chân, quỳ xuống vốc một nắm đất, chăm chú ngắm nhìn một cách trân trọng. Những người cùng đi cũng làm theo. Sau đó ông ngẩng lên với đôi mắt nhòa lệ, nhìn đăm đăm về phương Nam, xa xa là làng xóm, quê hương thân yêu, thấp thoáng giữa những nương ngô là những thửa ruộng bậc thang, những ngôi nhà sàn nằm rải rác. Ông già người Nùng đó chính là Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ của chúng ta. 5 người khác trong đoàn là các đồng chí: Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc.

Sau 30 năm bôn ba khắp 5 châu 4 biển, đi tìm đường cứu nước, phải xa quê hương, Tổ quốc, Bác không thể không ngắm nhìn mảnh đất phì nhiêu, xinh đẹp của đất nước thân yêu. Suốt 30 năm chờ đợi Người mong có ngày hôm ấy.

Bác và những đồng chí trong đoàn cùng đi về phía bản Pác Bó, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quàng, tỉnh Cao Bằng. Nơi Bác đến nghỉ chân đầu tiên là nhà ông Lý Quốc Sùng (ông Máy Lỳ), dân tộc Nùng, là cơ sở cách mạng tin cậy của ta. Nhà ông rất nghèo, 2 vợ chồng và cô con gái của ông bà ở trong ngôi nhà không rộng, đơn sơ nhưng thoáng mát. Đứng ở đây có thể nhìn rộng ra được toàn cảnh xung quanh, phía sau có một con suối từ thượng nguồn chảy về, và có thể đi sâu vào rừng rậm, kín đáo, phù hợp với yêu cầu đảm bảo bí mật và công tác bảo vệ Bác.

Ông Máy Lỳ đón khách rất niềm nở, thân mật trong bầu không khí ngày xuân. 5 đồng chí cùng đi với Bác là những người thoát ly sang hoạt động ở Trung Quốc lâu ngày mới có dịp gặp lại nên ông Máy Lỳ rất mừng. Còn với Bác, đây là lần đầu tiên được gặp, nên ông không biết là ai, chỉ biết gọi là ông Ké. Đồng chí Hoàng Văn Lộc giới thiệu với ông đây là lão đồng chí cán bộ Việt Minh từ dưới xuôi lên. Ông Máy Lỳ vui vẻ đón Bác và cả đoàn vào nhà.

Ông Máy Lỳ dọn ra một mâm cỗ tết đầy đủ các loại thức ăn theo phong tục, tập quán của dân tộc ở vùng này. Ông mời Bác và những người cùng đi ngồi vào mâm rồi nói: Biết thế nào Ké và các chú cũng đến nên già phải cố đợi để có cái lộc năm mới to hơn.

Bác ngồi im lặng, nhìn bao quát một lượt, nét mặt đăm chiêu, dường như vô cùng xúc động vì sau bao nhiêu năm phải sống trên đất khách, quê người, bây giờ lần đầu tiên mới được gặp lại cái tết cổ truyền của dân tộc. Chờ cho ông Máy Lỳ nói xong, Bác bảo đồng chí Lộc giới thiệu các món ăn có trên mâm, Bác hỏi cặn kẽ từng món một, trừ bánh tét là Bác không hỏi. Bác còn bảo ông Máy Lỳ nói lại bằng tiếng Nùng. Xong Bác nhắc lại cũng bằng tiếng Nùng rất chính xác và rất đúng ngữ âm. Ông Máy Lỳ rất ngạc nhiên, vô cùng cảm động và khâm phục về cử chỉ đó của Bác. Ông Máy Lỳ vẫn tiếp tục nói chuyện với Bác như người quen đã lâu. Ông rót rượu mời Bác nâng bát trước.

Bác cười và nâng bát chúc ông Máy Lỳ và gia đình năm mới dồi dào sức khỏe, làm ăn phát đạt, tiếp tục ủng hộ cách mạng tích cực hơn. Bác chỉ nhấp một ngụm nhỏ và khen ngon. Ông Máy Lỳ càng phấn chấn và tiếp thức ăn cho Bác. Bác vui vẻ nhận hết nhưng Bác chỉ dùng mấy miếng bánh tét và một cái bánh lá chít, rồi ngồi tiếp thức ăn cho mọi người. Bác động viên các đồng chí cán bộ ăn khỏe, ăn thực lòng cho chủ nhà vui. Ông Máy Lỳ còn gọi cả vợ và con gái ra tiếp khách, ăn tết với Bác cho thêm phần ấm cúng, vui vẻ.

Sáng mùng 4 Tết, ông Máy Lỳ hướng dẫn Bác và đoàn cùng đi tham quan, xem xét địa thế, phong cảnh trong vùng. Đến ngày 8/2/1941 (ngày 13, tháng Giêng, Tân Tỵ), Bác quyết định chuyển ra hang Cốc Bó, vì nhà ông Máy Lỳ chật, người đông, không tiện cho gia chủ.

Sau gần một năm chuyển về ở và làm việc ở Khuổi Nậm, Bác và các đồng chí cán bộ đã xây dựng được mối quan hệ rất tốt với địa phương, được nhân dân giúp đỡ, tạo điều kiện cho cán bộ hoạt động cách mạng. Phong trào Việt Minh do Bác khởi xướng và phát động đã phát triển rộng khắp cả vùng, cả huyện và cả tỉnh.

Bác Hồ trong một lần thăm đồng bào vùng cao (ảnh tư liệu).

Vào hạ tuần tháng Chạp năm Tân Tỵ, Bác gọi các đồng chí Vũ Anh, Đặng Văn Cáp và Lê Quảng Ba đến bảo: Sắp tết rồi, đây là tết cổ truyền của dân tộc, là cái tết thiêng liêng của nhân dân, ở mỗi vùng có phong tục, tập quán riêng, chúng ta phải tôn trọng các phong tục, tập quán đó. Tết này Bác chưa thể xuống bản chung vui và ăn tết với bà con được, các chú sẽ thay mặt Bác đi chúc tết bà con ở Pác Bó. Ngay từ bây giờ các chú phải tìm hiểu để biết trong bản có bao nhiêu cụ già, bao nhiêu trẻ nhỏ, để rồi đến tận từng nhà mà mừng tuổi.

Đồng chí Vũ Anh hỏi lại Bác: Thưa Bác mừng tuổi thế nào ạ?

Bác nói: Thường thì người ta chỉ mừng tuổi trẻ em, năm nay ta phá lệ cũ, mừng tuổi cả các cụ già, kính lão đắc thọ mà!... Cứ một cụ già mừng tuổi 1 xu, một trẻ nhỏ mừng 1 trinh. Cách mạng còn nghèo, ta mừng lấy lộc.

Nghe lời Bác dặn cả 3 đồng chí cùng đi xuống bản Pác Bó phân công nhau vào việc. Đồng chí Cáp đến gặp chị Kim Liên (vợ đồng chí Dương Đại Lâm, một cán bộ cốt cán) nhờ đổi tiền và mua giấy hồng điều. Biết là công việc của cách mạng, chị vui vẻ nhận lời và ngay hôm sau đã cầm tiền lẻ và giấy hồng điều đến Khuổi Nậm.

Bác bảo với các đồng chí cán bộ: Tết năm nay thế nào bà con dưới bản cũng lên chúc tết, ta phải có chỗ cho bà con thắp hương, trong lán thì chật chội không làm được bàn thờ, ta làm ra bên ngoài cúng ông Thần Đất cũng là hợp với phong tục, tập quán của địa phương.

Phải mất một buổi chiều Bác cháu mới sửa soạn, làm xong công việc. Bàn thờ làm ngay dưới gốc cây dâu da cổ thụ bằng một hòn đá to, phẳng. Bác lấy giấy hồng điều viết một chữ “PHÚC” thật to bằng chữ Nho để dán lên hương án.

Chủ Tịch Hồ Chí Minh trồng khóm trúc tại đầu nguồn Pác Bó (20/02/1961) (Ảnh: tư liệu)

Đêm 29 tháng Chạp tức 30 (tháng thiếu) năm Tân Tỵ, 6 Bác cháu ngồi quanh bếp lửa đón giao thừa. Sáng mùng 1 Tết Nhâm Ngọ, 2 đồng chí Vũ Anh và Lê Quảng Ba thay mặt Bác đi chúc tết bà con bản Pác Bó. Khi trở về đến nơi thì đã có một đoàn người trên 10 người gồm các cụ ông, cụ bà, thanh niên nam nữ gồng gánh tiến vào lán. Đó là đoàn đại biểu của bà con bản Pác Bó đến chúc tết Bác. Ông cụ nhiều tuổi nhất tiến vào trước, chắp tay cúi chào và nói: Kính thưa Ké Thu (tên Bác lúc bấy giờ), kính thưa các cán bộ! Ông chỉ vào các thứ mang theo và nói tiếp: đây là quà của nhân dân bản Pác Bó dâng lên Ké và cán bộ để Ké và cán bộ chung vui với bà con. Mong Ké nhận cho thì bà con vui lắm.

Nói xong ông cụ bảo những người cùng đi sắp các thứ lên bàn thờ và xin phép Bác được cúng Thổ Thần. Ông cụ mong Thần Đất, Thần Núi phù hộ cho Ké Thu, cho cán bộ năm mới khỏe mạnh để làm cách mạng thành công, phù hộ cho bà con làm ruộng, làm nương được mưa thuận, gió hòa, lúa ngô mẩy hạt, cây trồng sai trái, trâu bò, lợn gà béo khỏe.

Bác đứng dậy bắt tay từng người, cảm ơn bà con đã đến chúc tết, đã hết lòng ủng hộ cách mạng. Bác nói: Đã mấy chục năm rồi, hôm nay Bác mới được ăn tết với đồng bào, đồng chí trên quê hương, Tổ quốc của mình. Bác mời bà con ở lại ăn tết chia sẻ niềm vui với Bác.

Bữa ăn đầu xuân thật là rôm rả và ấm cúng, có đủ loại thức ăn theo tập quán của đồng bào dân tộc ở địa phương như bánh tét, bánh bao, bún, thịt lợn, thịt gà, khẩu “Sli”, chè lam và rượu nếp. Vừa ăn Bác vừa kể chuyện thân mật với các cụ ông, cụ bà và các cháu thanh niên. Bác còn bàn với các cụ làm tổ đổi công, giúp nhau làm ăn cho tốt, khuyên nhủ các cháu tham gia các đoàn thể, giúp đỡ cách mạng, giữ gìn bí mật…

Cuộc vui đầu xuân cho đến xế trưa, Bác bắt tay tiễn mọi người ra về. Mấy Bác cháu lại ai về công việc nấy.

Văn Như Tước


Văn Như Tước

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]