(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong 4 lần về thăm, Bác đã dành cho Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa những tình cảm sâu nặng và sự quan tâm đặc biệt. Bác luôn động viên Thanh Hóa làm tốt nhiệm vụ hậu phương lớn vững chắc của cả nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và mong muốn Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hơn cả một lời thề

Trong 4 lần về thăm, Bác đã dành cho Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa những tình cảm sâu nặng và sự quan tâm đặc biệt. Bác luôn động viên Thanh Hóa làm tốt nhiệm vụ hậu phương lớn vững chắc của cả nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và mong muốn Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu.

Hơn cả một lời thề

“Bác Hồ nói chuyện với cán bộ kháng chiến tại Rừng Thông” (tranh sơn dầu) của họa sĩ Hoàng Hoa Mai.

Trong lần đầu tiên về thăm, bằng tình cảm đặc biệt dành cho tỉnh và tầm nhìn chiến lược đối với công cuộc kháng chiến - kiến quốc, Người đã động viên, cổ vũ Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa tích cực tăng gia sản xuất, tiết kiệm để đóng góp sức người sức của phục vụ kháng chiến. Đáp lại lời Người, dù không nằm trong khu vực chiến sự của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhưng Thanh Hóa đã thể hiện vị trí, vai trò của một tỉnh vừa là vùng tự do, vừa là hậu phương và có lúc trở thành tiền tuyến. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, từ hậu phương lớn Thanh Hóa, 57.000 thanh niên tòng quân, hơn 1 triệu lượt dân công hỏa tuyến được huy động, ngày đêm vận chuyển hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí phục vụ chiến trường, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

10 năm sau, ngày 13-6-1957, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa vinh dự được đón Bác về thăm lần thứ 2. Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa trong kháng chiến chống Pháp, Người đã khen ngợi: “Ngoài việc ủng hộ kháng chiến, có những vùng du kích rất oanh liệt như Phú Lệ, Hải Thanh, chứng tỏ đồng bào ta lương giáo cực kỳ đoàn kết, vì thế ta đã thắng lợi...”, nhiều người con quê hương Thanh Hóa như: Lò Văn Bường, Phạm Minh Đức, Tô Vĩnh Diện, Lê Công Khai... dũng cảm trong chiến đấu, được phong tặng danh hiệu Anh hùng, “chẳng những làm vẻ vang cho tỉnh nhà, mà còn làm vẻ vang cho cả nước” và “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Bác đã về thăm Thanh Hóa lần thứ 3 vào năm 1960 và lần cuối cùng năm 1961, cùng rất nhiều lần gửi thư động viên, khích lệ Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa là một trong những địa phương của miền Bắc phải đương đầu trực tiếp với chiến tranh phá hoại của kẻ thù. Đáp lại lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ kính yêu, quân và dân Thanh Hóa đã dũng cảm chiến đấu 10.158 trận, bắn rơi 376 máy bay, bắt sống 36 giặc lái, bắn cháy 56 tàu chiến của giặc Mỹ. Trong tháng năm hào hùng ấy, những địa danh Hàm Rồng, Đò Lèn, Lạch Trường, Phà Ghép... đã đi vào lịch sử với những chiến công vang dội, lẫy lừng. Những tấm gương chiến đấu quên mình của dân quân Nam Ngạn, Yên Vực, của lão dân quân Hoằng Trường, nữ dân quân Hoa Lộc, Thanh Thủy, Hoằng Hải, Hà Phú, Hà Toại... và biết bao người con ưu tú khác của quê Thanh có mặt trên khắp các chiến trường, đã trở thành những biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

Trải qua những chặng đường lịch sử, ở mỗi giai đoạn cách mạng, những lời căn dặn, chỉ bảo sâu sắc, mang tầm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những lần về thăm Thanh Hóa đã là kim chỉ nam soi đường chỉ lối để Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đoàn kết, phấn đấu vượt qua bao gian khó, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hơn cả một lời thề

Tác phẩm của họa sĩ Lê Thị Thanh đạt giải Nhì triển lãm tranh cổ động “50 năm thực hiện di chúc Hồ Chí Minh” do Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức năm 2019.

Sau sự ra đi của Người năm 1969, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây lăng mộ của Người”. Ngày 2-9-1973, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức khởi công trên nền đất cũ của lễ đài Quảng trường Ba Đình, nơi diễn ra sự kiện ngày 2-9-1945, trước toàn thể quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Được Trung ương giao nhiệm vụ, Thanh Hóa đã lựa chọn hàng trăm khối đá quý đưa về thủ đô để xây lăng. Tư liệu ghi lời kể của chính những người tham gia làm công trình lăng cho biết: Đá ốp tường của lăng là loại đá đen lấy từ núi Nhồi (Đông Sơn), đá ốp cột lấy từ núi Bền (Vĩnh Lộc). Riêng hai lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc nơi đặt linh cữu Bác, nền cờ đỏ được làm bằng đá Hồng Bảo Ngọc ở xã Điền Lư (Bá Thước), hình ngôi sao và biểu tượng búa liềm được làm đá vàng lấy từ xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy). Không chỉ dâng tặng các loại đá làm công trình lăng, Thanh Hóa còn đóng góp 5.000 khóm hoa mẫu đơn lấy từ huyện Hà Trung, 100 khóm luồng lấy từ huyện Ngọc Lặc để đưa ra trồng quanh lăng Bác.

Thời gian trôi đi, nhưng tình cảm sâu nặng, sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng bộ và Nhân dân xứ Thanh khắc ghi qua những việc làm thiết thực, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Với những người dân xứ Thanh, được gặp Bác Hồ một lần hay nhiều lần, thậm chí chưa từng được gặp thì đều có một điểm chung là tự hào và xúc động mỗi khi nhắc đến Bác. Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Ngô Thị Tuyển, là người không những vinh dự được 3 lần gặp Bác, được chính Người trao tặng huy hiệu, mà được túc trực bên linh cữu khi Người ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng. Nhắc đến Bác Hồ, với bà Ngô Thị Tuyển là nhắc đến một điều vô cùng thiêng liêng, cao cả. Thắp nén hương thơm lên bàn thờ Bác Hồ trong nhà mình, bà Tuyển lặng người trong giây lát. Trong câu chuyện của người anh hùng này khi nói về Bác không chỉ ánh lên niềm vui, niềm tự hào mà ẩn chứa cả nỗi

nhớ thương.

Tình cảm đối với Bác cũng được các văn nghệ sĩ xứ Thanh gìn giữ, phát huy qua từng sáng tác. 3 trong 6 tác phẩm được tham gia tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (5 năm một lần) của họa sĩ Hoàng Hoa Mai là đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm: “Bác Hồ với cây chì đỏ” (năm 1990); “Nguyễn Ái Quốc” (2005), và “Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ” (2010). Ngoài ra, ông còn rất nhiều tranh về Bác Hồ được người xem và đồng nghiệp đánh giá cao. Trong đó, “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ kháng chiến tại Rừng Thông” là tác phẩm tâm nguyện được ông dày công nghiên cứu trong nhiều năm. Bác Hồ cũng là đề tài mà họa sĩ Lê Thị Thanh, giảng viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa yêu thích từ khi còn nhỏ. Chị chia sẻ rất thật: “Ngôn ngữ hội họa, đồ họa, điêu khắc, hay bất kể một bộ môn nghệ thuật nào cũng không thể hiện được hết tầm vóc con người Bác, không thể nói đủ đầy những câu chuyện về Bác. Là một họa sĩ trẻ, không có nhiều vốn sống, không được trực tiếp trải nghiệm những tình cảm của bản thân đối với Bác, song nguồn cảm xúc nuôi dưỡng những tác phẩm của tôi chính là những câu chuyện rất đời thường, gần gũi và sự giản dị của Bác”.

Tình cảm, lòng biết ơn vô hạn đối với vị cha già kính yêu của dân tộc trong Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa sẽ không có lời nào tả hết. Và hôm nay, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân xứ Thanh đã và đang đoàn kết, thi đua học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, quyết tâm sớm đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như lúc sinh thời Người hằng mong muốn.

Bài và ảnh: Chi Anh


Bài và ảnh: Chi Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]