(vhds.baothanhhoa.vn) - Đây là quan điểm chỉ đạo của đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vào chiều ngày 10/7.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những người không xứng đáng

Đây là quan điểm chỉ đạo của đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vào chiều ngày 10/7.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tham gia buổi làm việc, về phía tỉnh Thanh Hóa, có các đồng chí: Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

Nội dung làm việc là về việc thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Kết luận 75 của Ban Chấp hành Trung ương về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và công tác chuẩn bị Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35 - CT/TW của Bộ Chính trị và các chỉ thị của Bộ Chính trị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, cũng như các văn bản hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về công tác đại hội đảng bộ các cấp.

Đồng chí Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, sở dĩ Thanh Hoá đạt kết quả tốt trong thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị là do tỉnh đã triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương nghiêm túc, đồng bộ, có cách làm sáng tạo, kiểm tra giám sát chặt chẽ, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, giải quyết khó khăn, vướng mắc kịp thời. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá đặc biệt coi trọng việc giải quyết các phát sinh từ cơ sở, không để những vướng mắc nhỏ trở thành bất ổn, điểm nóng.

Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thanh Hóa là tỉnh có số lượng tổ chức cơ sở đảng và số lượng đảng viên đông, đứng thứ ba cả nước, thời gian vừa qua, có không ít khó khăn do vừa phải tổ chức phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, ổn định bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ ở các đơn vị cấp xã sau sáp nhập, song với quyết tâm chính trị cao, tỉnh Thanh Hóa đã bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác tổ chức đại hội đảng bộ trên địa bàn như kế hoạch, đặc biệt là tại các đơn vị cấp xã sau sáp nhập tình hình rất êm thuận.

Đồng chí nhấn mạnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 1504- CV/TU lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống chỉ tiêu chủ yếu của Báo cáo chính trị đại hội đảng bộ từ cấp xã, đến cấp huyện, cấp tỉnh, tạo sự thống nhất về các chỉ tiêu kế hoạch trong báo cáo chính trị của các cấp, UBND tỉnh đã định hướng mục tiêu phấn đấu và phương pháp tính các chỉ tiêu chủ yếu trong báo cáo chính trị đại hội đảng cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương biểu dương và đánh giá cao những thành tích của Thanh Hóa đạt được, đã góp phần vào thành tựu chung của cả nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Đồng chí đề nghị Đảng bộ tỉnh tiếp tục duy trì sự đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng cùng nhau giải quyết và vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt một số nhiệm vụ trọng tâm để góp phần thực hiện tốt Chỉ thị 35, Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị và Kết luận 75 của Ban Chấp hành Trung ương.

Theo đó, Thanh Hóa cần hoàn thành đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở đúng tiến độ và quy định, nhất là nâng cao chất lượng góp ý, thảo luận các văn kiện trình Đại hội và thực hiện tốt công tác nhân sự. Chuẩn bị thật tốt báo cáo chính trị để trình xin ý kiến Bộ Chính trị; Báo cáo cần phải có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, bố cục hợp lý, cân đối giữa các lĩnh vực, giữa ưu điểm và khuyết điểm; bảo đảm logic về nội dung, bám sát chức năng, nhiệm vụ, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra để đánh giá khách quan, toàn diện, sát thực tế, làm rõ ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, tổng kết cách làm hay, sáng tạo, thành quả nổi bật để đúc rút những bài học kinh nghiệm bổ ích, sâu sắc, có tính khả thi, mang lại hiệu quả cao và góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng.

Về báo cáo kiểm điểm của BCH Đảng bộ tỉnh cần phải bám sát quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác và quy chế làm việc để kiểm điểm, tránh trùng lặp nội dung với Báo cáo chính trị; phải có tính chiến đấu, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, bảo đảm tính Đảng, tính đoàn kết với thái độ khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe. Chú trọng kiểm điểm việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy, đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc, qua đó xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để đề ra kế hoạch, lộ trình, biện pháp phù hợp nhằm sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm một cách hiệu quả nhất, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.

Về Đề án nhân sự, cần phải tiến hành theo phương châm “Làm từng bước chặt chẽ; từng việc cụ thể, thận trọng; từng khâu, kỹ lưỡng; làm đến đâu chắc đến đó”; bảo đảm đúng số lượng, tiêu chuẩn, cơ cấu, tính kế thừa, đổi mới phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ. Công tác nhân sự phải kết hợp hài hòa giữa chuyên môn đào tạo với sở trường năng khiếu; giữa kinh nghiệm với chiều hướng phát triển, giữa tính phổ biến và tính đặc thù; phải công khai minh bạch, công bằng, dân chủ, khách quan, công tâm. Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng, nhưng cũng không bỏ sót những cán bộ thật sự có đức, có tài, có uy tín; muốn vậy cần phải thực hiện quy trình 5 bước một cách nghiêm túc, chặt chẽ, có hiệu quả.

Đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đối với tỉnh Thanh Hóa, lúc nào, nơi nào cũng phải coi trọng và tập trung cao độ xây dựng khối đại đoàn kết thống nhất trong Đảng và chính quyền các cấp một cách vững chắc ở tất cả địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và trong toàn Đảng bộ tạo sự lan tỏa trong toàn dân và trong xã hội. Tiếp tục coi trọng và đầu tư hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên đủ sức lãnh đạo Đảng bộ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhân dân giao phó; trong công tác nhân sự luôn đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Đồng chí cho rằng, Thanh Hóa cần xác định phát triển “nông nghiệp và xây dựng nông thôn là cơ sở, nền tảng; công nghiệp là trung tâm, dịch vụ là động lực”; với quan điểm phát triển lấy nguồn lực bên trong là chiến lược cơ bản, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá; tăng cường ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội và đời sống của nhân dân; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và là nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước...

Theo báo cáo tại buổi làm việc, đến nay, Thanh Hóa đã hoàn thành 100% đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, cấp cơ sở; tổ chức thành công 2 đại hội điểm cấp trên cơ sở và tổ chức sớm 1 đại hội cấp trên cơ sở. Tổng số bí thư, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn không là người địa phương đã được bố trí sau đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 là 502/559 đơn vị (đạt 89,8%); số lượng cấp ủy viên cấp huyện nhiệm kỳ 2020-2025 giảm 132 đồng chí (10,9%) so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ; đổi mới không dưới 1/3 cấp ủy và cơ cấu 3 độ tuổi trong cấp ủy được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng quy định; nhiều nơi các tỷ lệ này cao hơn so với quy định theo Chỉ thị 35.

Một điểm sáng khác của Thanh Hóa là đại hội ở 1.522 chi bộ thôn, tổ dân phố được thành lập mới (do sáp nhập từ 3.100 thôn) và 67 xã, phường, thị trấn mới được thành lập (do sáp nhập từ 143 xã, phường, thị trấn) theo Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị đều diễn ra tốt đẹp; cán bộ, đảng viên và nhân dân đoàn kết, thống nhất. Ở các xã thuộc diện sáp nhập đã bầu ban chấp hành từ 13 đến 15 đồng chí theo đúng quy định của Chỉ thị 35, không tăng số lượng cấp ủy do sáp nhập. Về cơ bản công tác bố trí, sắp xếp cán bộ chủ chốt sau sáp nhập ở cấp xã cũng đã hoàn thành, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

Thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 14/1/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thanh Hóa đã tích cực xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, bảo đảm đúng đề cương, tiến độ thời gian. Ngày 4/7 vừa qua, Ban Chỉ đạo 218 Trung ương đã tổ chức hội thảo về Đề án với sự tham gia của các ban, bộ, ngành Trung ương và các nhà khoa học. Ngày 7/7, Ban Chỉ đạo 218 Trung ương đã hoàn chỉnh xong các tài liệu gửi Văn phòng Trung ương Đảng để trình Bộ Chính trị vào giữa tháng 7/2020.

P.V


P.V

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]