(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc đã có hàng triệu người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật, bệnh tật suốt đời. Để ghi nhớ công lao những người con ưu tú của dân tộc, các thế hệ hôm nay và mai sau sẽ mãi biết ơn sự hy sinh, cống hiến vĩ đại đó.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mãi biết ơn những anh hùng, liệt sỹ, người có công

(VH&ĐS) Trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc đã có hàng triệu người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật, bệnh tật suốt đời. Để ghi nhớ công lao những người con ưu tú của dân tộc, các thế hệ hôm nay và mai sau sẽ mãi biết ơn sự hy sinh, cống hiến vĩ đại đó.

Chăm lo đời sống, vật chất tinh thần đối với người có công

Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu, từng bước giải quyết một cách cơ bản những khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần cho người có công. Việc thực hiện kịp thời có hiệu quả Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách chế độ ưu đãi của Nhà nước ban hành đã có tác dụng to lớn về tư tưởng chính trị, ý nghĩa xã hội nhân văn sâu sắc trong tầng lớp nhân dân.

Một số tồn đọng về chính sách trong các cuộc chiến tranh và những vấn đề mới nảy sinh đã tích cực nghiên cứu giải quyết một cách cơ bản như: Xác nhận liệt sỹ, thương binh, chính sách đối với TNXP, người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, công tác chăm sóc mộ phần liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ và các công trình tri ân liệt sỹ, chính sách ưu đãi về giáo dục đào tạo; chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, phát triển sản xuất, giảm nghèo, tạo việc làm, đào tạo nghề cho người có công đã có ý nghĩa rất quan trọng hỗ trợ, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công với cách mạng vươn lên ổn định cuộc sống. Chúng ta trân trọng, chia sẻ nỗi đau mất mát cùng các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Các đoàn đại biểu, lực lượng vũ trang và nhân dân tới dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Bá Thước.

Hiện nay, số lượng người có công trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1.700 cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa; 3.861 Mẹ Việt Nam anh hùng; 833 ân nhân cách mạng; 124 Anh hùng lực lượng vũ trang; 45.895 thương binh; 16.693 bệnh binh; 15.446 người hoạt động kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học; trên 40.120 TNXP. Những năm qua, cùng với việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã phát triển sâu rộng khắp các địa phương trong tỉnh.

Cách đây 26 năm, ngày 18/7/1990, Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XII đã ra Nghị quyết về xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”. Chủ trương đúng đắn này đã được cả xã hội đồng tình hưởng ứng. Từ đó đến nay, việc tham gia đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành việc làm thường xuyên, tự giác vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, góp phần cùng Nhà nước chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công.

Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã vận động đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” gần 92 tỷ đồng. Số tiền đó đã hỗ trợ xây được 1.110 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 2.094 nhà ở cho đối tượng chính sách, tặng 4.133 sổ tiết kiệm… Nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã tham gia đồng hành cùng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc thương binh, bệnh binh, bố mẹ liệt sỹ già yếu, cô đơn, con liệt sỹ mồ côi, tặng sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách và nhiều hoạt động nghĩa tình thiết thực khác, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và thân nhân người có công với cách mạng.

Tiêu biểu trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” có thể nhắc đến phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa), xã Nga An (huyện Nga Sơn), Công ty TNHH Hoàng Tuấn (xã Hoằng Đại, TP Thanh Hóa), Công ty Điện lực Thanh Hóa, Công ty Cổ phần Tiên Sơn Thanh Hóa… Hằng năm các đơn vị đã dành từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa; phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng; đỡ đầu cho nhiều cháu có hoàn cảnh khó khăn là con hội viên hội cựu chiến binh, những người đồng đội cũ, các gia đình có công với cách mạng…

Trong những năm qua, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ được chú trọng.

Ông Trịnh Ngọc Dũng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Việc xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” với 5 chương trình lớn như: Xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng ở gia đình; phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc bố mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn, con liệt sỹ mồ côi và nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực đã nảy nở trong cộng đồng thôn, xóm, làng, phố và đã trở thành nội dung quan trọng trong cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.

Đến nay, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tranh tre, dột nát cho các gia đình chính sách và người có công với cách mạng, hỗ trợ tư liệu sản xuất và ngày công giúp đỡ các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn do thiếu tư liệu sản xuất, nhân lực lao động, nâng cao mức sống cho gia đình người có công với cách mạng”.

Thương, bệnh binh “tàn nhưng không phế”

Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân, nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình nạn nhân chất độc da cam, gia đình liệt sỹ…đã không ngừng phấn đấu vượt khó vươn lên để vượt qua đói nghèo, làm giàu cho bản thân và góp phần xây dựng quê hương, đất nước, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Tàn nhưng không phế”. Như thương binh hạng 4/4 Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty CP Thương mại Thanh Tâm - Yên Định; ông Lê Đình Khánh, thương binh hạng 4/4, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Khánh Thành, (xã Đông Hưng, TP Thanh Hóa); ông Nguyễn Thăng Tiền (xã Xuân Du, huyện Như Thanh)… dù ốm đau, bệnh tật, sức khỏe giảm sút, song với bản chất người lính cụ Hồ đã vượt qua khó khăn, kiên cường trong cuộc sống, xây dựng và phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời rất quan tâm đến công tác xã hội, công tác từ thiện, góp phần vào công tác giảm nghèo địa phương.

Trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đem lại độc lập, tự do như ngày hôm nay, đã có hàng triệu người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật, bệnh tật suốt đời,… những đứa con không biết mặt cha, hàng vạn cháu sinh ra tật nguyền do di chứng chất độc hóa học mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi biết ơn những người mẹ, người cha, người vợ đã hiến dâng cho Tổ quốc những người thân yêu nhất của mình; trân trọng những nỗ lực cố gắng của những thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam,... đã luôn vượt qua mọi hoàn cảnh, tích cực trong lao động, sản xuất, hoạt động xã hội. Họ thực sự là những tấm gương đi đầu trong phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, mãi mãi là tấm gương đạo đức cho thế hệ con cháu học tập, noi theo.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]