(vhds.baothanhhoa.vn) - Thế hệ chúng tôi sinh ra khi đất nước đã lặng tiếng súng, tiếng đạn bom, chiến tranh lùi xa, hòa bình lập lại. Điều ấy thật may mắn. Là những máu xương, vất vả, đau thương của bao lớp cha anh đã đổ xuống, thấm đẫm vào lòng đất mẹ. Và tâm huyết dành trọn cuộc đời cho Đảng, cho dân của một người được đồng bào cả nước tôn kính gọi là Cha già dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mãi mãi ghi dấu chân Người

Thế hệ chúng tôi sinh ra khi đất nước đã lặng tiếng súng, tiếng đạn bom, chiến tranh lùi xa, hòa bình lập lại. Điều ấy thật may mắn. Là những máu xương, vất vả, đau thương của bao lớp cha anh đã đổ xuống, thấm đẫm vào lòng đất mẹ. Và tâm huyết dành trọn cuộc đời cho Đảng, cho dân của một người được đồng bào cả nước tôn kính gọi là Cha già dân tộc.

Sinh thời, giữa những bộn bề công việc của đất nước, Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại vẫn dành cho Thanh Hóa sự quan tâm đặc biệt. Để rồi, bốn lần Bác về thăm xứ Thanh là những ân tình lẫn kì vọng mà Người để lại. Đó chính là kỷ niệm - động lực - niềm tin để xứ Thanh vươn mình đi đến tương lai tươi sáng.

Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu

Tháng 2/1947, chỉ chưa đầy hai tháng sau khi Bác ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Giữa những bộn bề công việc của người đứng đầu, cũng là khi cuộc kháng chiến vệ quốc của nhân dân ta rút dần từ trung tâm ra ngoại thành. Đảng, Nhà nước, nhân dân cùng chung sức đồng lòng quyết tâm cho một cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ nhưng chắc chắn sẽ giành thắng lợi. Thì Bác Hồ kính yêu lần đầu tiên về thăm xứ Thanh. Dù rằng, xứ Thanh với xứ Nghệ - quê Người vốn liền một dải. Nhưng chắc hẳn, để có chuyến lần đầu về với xứ Thanh thì Bác hẳn đã dành thật nhiều tâm huyết cùng sự chuẩn bị. Để rồi, ngày 20/2/1947, trong không khí mùa xuân ấm áp, xứ Thanh chào đón Người với tất cả niềm hân hoan, chờ đợi và hãnh diện. Giữa hiện tình đất nước thời chiến, mọi nghi thức cũng thật giản tiện. Duy chỉ có tình cảm trân trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa dành cho Người thì rõ ràng vượt lên tất cả.

Rừng Thông đến ngày hôm nay đã trở thành một di tích lịch sử nổi tiếng của Thanh Hóa. Và, 72 năm về trước, nơi này chính là địa điểm gặp mặt đầu tiên của Bác với hơn 40 cán bộ chủ chốt của tỉnh Thanh Hóa trên núi Rừng Thông. Giữa rừng thông xanh trên đỉnh núi, chẳng bàn ghế cầu kì, không cờ hoa rực rỡ, vị lãnh tụ của dân tộc đã nói chuyện thân tình với lãnh đạo, cán bộ quan trọng của tỉnh. Gọi là nói chuyện, song đó hẳn nhiên là “chuyện quan trọng” liên quan đến cuộc kháng chiến toàn quốc, đến vận mệnh dân tộc, đến sự phát triển của xứ Thanh nói riêng, cả nước nói chung. Vậy nên, đó có lẽ cũng được xem là cuộc nói chuyện lịch sử.

Sau cuộc nói chuyện trên núi Rừng Thông, buổi chiều và tối cùng ngày Bác đã có cuộc gặp gỡ rộng rãi trước cán bộ, phú hào, thân sĩ, trí thức và các tầng lớp nhân dân xứ Thanh tại Trại Phủ Hùng và nhà Bác Cổ. Người nói về kháng chiến, kiến quốc, những vất vả, khó khăn mà nhân dân xứ Thanh và nhân dân cả nước sẽ chung sức, đồng lòng vượt qua để đi đến ngày đất nước toàn thắng. Và Bác còn dành cả sự động viên lẫn kì vọng cho vùng đất “phên dậu” của cha ông trong lịch sử. Người căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu: “Tỉnh Thanh Hóa theo tôi, muốn trở thành tỉnh kiểu mẫu, nhất định được vì người đông đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển, sắp đặt... phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu” Và Người ra lời kêu gọi “đồng bào trong tỉnh xắn tay áo làm đi, lần sau về đây, tôi sẽ thấy mỗi người là một người kiểu mẫu”. Lời dặn dò của lãnh tụ vừa thiết tha nhẹ nhàng, chan chứa yêu thương nhưng cũng thật nghiêm nghị. Để các tầng lớp nhân dân Thanh Hóa cùng nỗ lực, phấn đấu theo lời dạy của Bác.

Bác Hồ kéo lưới với ngư dân Sầm Sơn trong lần thứ ba Người về thăm Thanh Hóa. (ảnh tư liệu)

Như đã hẹn, đúng 10 năm sau đó, vào ngày 13, 14/6/1957, Bác Hồ đã về thăm Thanh Hóa lần thứ hai. Lúc bấy giờ, cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược kéo dài ròng rã 9 năm của nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, đánh dấu bằng âm vang của chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954. Thế giới biết đến một đất nước nhỏ bé trên bán đảo Đông Dương đã đánh cho một trong những tên thực dân mạnh nhất lúc bấy giờ phải chấp nhận thất bại và rút lui. Cái tên Việt Nam vang lên trong những hội nghị lớn trên thế giới với tất cả sự kiêu hãnh và tự hào. Dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhưng đó phải là nền hòa bình “độc lập - tự do”. Dù biết, để thực sự giành được bốn chữ ấy là những mất mát, đau thương của cả dân tộc Việt Nam đã khắc ghi vào lịch sử.

Tại lần về thăm thứ hai, cùng với những thành tựu kiến quốc mà nhân dân Thanh Hóa đã đạt, Bác Hồ đã biểu dương, ghi nhận đóng góp to lớn của Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa trong vai trò hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Và Người đã khen: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa có một phần vinh dự đến đó...”. Chỉ bấy nhiêu những lời khen ngợi giản dị của Người cũng là nguồn cổ vũ, động viên xứ Thanh tiếp tục cố gắng.

“Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng...”

Về thăm Thanh Hóa lần thứ ba khi cả nước đang bước vào công cuộc kiến quốc, xây dựng Chủ nghĩa xã hội, lần này từ ngày 17-19/7/1960, Sầm Sơn là địa điểm lưu dấu chân Người. Được biết, trên đường từ thị xã Thanh Hóa xuống Sầm Sơn, trước cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, Người đã ứng tác hai câu thơ: “Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng/ Ruộng đồng man mác xóm làng liên miên”. Đó là lời khen nhưng có lẽ cũng là lời nhắc nhở đầy ngụ ý. Bởi lẽ, đi thăm, thưởng ngoạn cảnh đẹp của Sầm Sơn, gặp gỡ cán bộ nơi đây, Bác căn dặn đầy kì vọng: “Nếu nơi đây có một hệ thống du lịch khách sạn và phương tiện đưa đón khách nghỉ mát tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây”. Và quả thực, đó là nhận định mang tầm nhìn chiến lược của Người. Ở đây, ta thấy ở Bác không chỉ là con người lãnh tụ chỉ biết đến cách mạng, đường lối mà rõ ràng còn cả góc nhìn của người làm kinh tế - du lịch. Để đến hôm nay, nhìn lại sự phát triển của TP du lịch biển Sầm Sơn, hậu thế lại càng khâm phục vào “dự đoán” của Người.

Những ngày lưu lại ở Sầm Sơn, hình ảnh tư liệu của Bác được nhân dân xứ Thanh giữ lại đến hôm nay là những bức ảnh đen trắng ghi lại hoạt động đời thường của vị Cha già dân tộc cùng với ngư dân biển. Người Cha ấy, khi đó đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, vậy nhưng ở Bác vẫn là tinh thần lao động không mệt mỏi. Ghé thăm Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đường Lê Hoàn (TP Thanh Hóa), ngắm nhìn tư liệu, chúng ta như được cảm xúc dẫn dụ trở về câu chuyện của Bác với Sầm Sơn ngày ấy. Là bộ lưới rồng; chiếc rổ tre... Bác đã dùng để kéo lưới, bắt cá cùng với ngư dân Sầm Sơn. Những hiện vật giản dị tưởng chừng nằm lặng im nhưng đầy sức gợi, giống như một người kể chuyện đặc biệt về Bác. Và rồi kế bên, những bức ảnh đen trắng ghi lại khoảnh khắc vị lãnh tụ dân tộc tham gia kéo lưới cùng bà con xóm Sơn, để rồi sau những giờ lao động mệt nhoài, ngay bên bờ biển, khi hoàng hôn dần buông xuống, người ta lại thấy hình ảnh Bác trò chuyện đầy thân tình với ngư dân.

Về Sầm Sơn hôm nay, giữa những đổi thay, phát triển từng ngày của TP du lịch biển xứ Thanh, vẫn có một “góc lặng” đầy bình yên trên núi Trường Lệ, đó là đền Cô Tiên - nơi nghỉ ngơi của Bác trong những ngày ở Sầm Sơn. Mọi thứ được sắp xếp, giữ gìn cẩn thận trong nhà lưu niệm dưới chân đền như một câu chuyện kể về Bác, vị lãnh tụ thiên tài nhưng cũng thật đời thường đã dừng nghỉ tại nơi này. Đó là kỷ niệm nhưng cũng là lời nhắc nhở đối với hậu thế hiểu, trân quý tình cảm Bác dành cho Sầm Sơn và xứ Thanh.

“Đã Thành Công rồi thì phải Thành Công nữa, Thành Công mãi”

Lần thứ tư Bác về xứ Thanh cũng là lần cuối cùng nhân dân Thanh Hóa vinh dự được đón tiếp, gặp gỡ Người trong hai ngày 11, 12/12/1961. Lúc bấy giờ miền Bắc đang bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, nỗ lực phát triển kinh tế với những điển hình. Và Bác đã đến thăm Nhà máy Cơ khí Thành Công (thị xã Thanh Hóa); HTX nông nghiệp Yên Trường (Yên Định)...

HTX cơ khí Thành Công giờ đây không còn nữa nhưng kí ức của những người đã có dịp gặp gỡ Bác gần 60 năm trước thì dường như vẫn vẹn nguyên. Đó là bác Đoàn Quý Khoáng - Phó Chủ nhiệm HTX cơ khí Thành Công. Khi được biết Bác Hồ sẽ ghé thăm HTX vào buổi chiều ngày 11/12/1961, tất cả cán bộ, nhân viên HTX đều nỗ lực chuẩn bị để buổi đón tiếp Bác Hồ được long trọng nhất. Nhưng, đến 11 giờ sáng, Bác Hồ về đến TP Thanh Hóa (thị xã Thanh Hóa lúc bấy giờ) thì Người đã quyết định đến thăm HTX cơ khí Thành Công luôn. Bác Khoáng nhớ lại: khi thấy Bác Hồ đến, mọi cán bộ HTX hết thảy đều ngỡ ngàng. Nhưng chỉ ít phút, sau khi đi thăm HTX, Bác đã nói với lãnh đạo HTX gọi tất cả cán bộ, công nhân tập trung để Người nói chuyện. Bác Đoàn Quý Khoáng nhớ lại: Bác Hồ nói “các cô, các chú có cái tên đẹp lắm, HTX Thành Công. Đã Thành Công rồi thì phải Thành Công nữa, Thành Công mãi”. Và Người còn nói “các cô các chú là HTX cơ khí, đã là cơ khí thì chỉ có sắt, thép, gang thôi. Do đó, sản phẩm làm ra phải tốt, nhiều rẻ, không được xấu, hỏng. Nếu xấu, hỏng thì thành phế liệu, không ăn được”. Lời nói của Bác Hồ lúc ấy tuy giản dị, trìu mến nhưng cũng là lời nhắc nhở vô cùng nghiêm khắc.

Buổi chiều cùng ngày, Người cùng với các đồng chí lãnh đạo lên thăm HTX nông nghiệp Yên Trường - lá cờ đầu của phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa. Bác trò chuyện thân tình, động viên nông dân tiếp tục cố gắng và trao tặng huy hiệu cho những cá nhân xuất sắc. Đặc biệt, có một kỷ vật mà đến bây giờ đã trở thành hiện vật gắn với lần đến thăm này của Bác Hồ. Đó là “chiếc máy cày” huyền thoại. Khi ấy, nhìn thấy nông dân HTX Yên Trường hăng say lao động song dụng cụ sản xuất quá thô sơ, cũ kĩ nên Người đã quyết định tặng lại“chiếc máy cày vạn năng” cho bà con Yên Trường. Được biết, đây là chiếc máy cày do Ba Lan chế tạo và tặng cho Bác. Bấy giờ, Bác tặng lại cho nông dân Yên Trường cùng những dặn dò, kì vọng, gửi gắm.

Chiếc máy cày vạn năng gần 60 năm trước góp sức vào thành tựu sản xuất của nông dân Yên Trường giờ đây đã trở thành hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Nằm giữa khuôn viên bảo tàng, được che chắn cẩn thận, lớp sơn bên ngoài dù đã bong tróc, cũ kĩ sau những năm “hăng say sản xuất”. Nhưng hiện vật lại như một người kể chuyện đặc biệt, về một giai đoạn lịch sử cùng vị lãnh tụ đáng kính...

Cũng trong lần cuối cùng về thăm Thanh Hóa, giữa hàng vạn đồng bào xứ Thanh, Bác Hồ đã bắt cái hát bài “Kết đoàn”. Lời bài hát là lời kêu gọi, dặn dò, nhắc nhở nhân dân Thanh Hóa cùng chung sức, chung lòng, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Đến hôm nay, nhân dân Thanh Hóa vẫn nhớ và khắc ghi lời dạy của Người, phấn đấu trở thành “Tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác hằng mong muốn. Dù biết, mục tiêu, danh hiệu ấy không hề dễ dàng. Nhưng chẳng phải Bác đã dạy: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”...

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]