(vhds.baothanhhoa.vn) - Lịch sử nước ta đã chứng kiến một sự trùng hợp thật diệu kỳ: Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Rồi 24 năm sau cũng ngày 2/9/1969 Người “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê nin cùng các vị cách mạng đàn anh khác”, để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân một bản Di chúc bất hủ với lời khẳng định: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mừng Tết Độc lập, càng thêm nhớ Bác

Lịch sử nước ta đã chứng kiến một sự trùng hợp thật diệu kỳ: Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Rồi 24 năm sau cũng ngày 2/9/1969 Người “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê nin cùng các vị cách mạng đàn anh khác”, để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân một bản Di chúc bất hủ với lời khẳng định: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.

Năm 1969 Bác Hồ bước vào tuổi 79, sức khỏe giảm sút nhiều và hay bị ho, đau tức ngực. Trung ương Đảng và Chính phủ đã phải mời các chuyên gia quốc tế giỏi cùng với các bác sỹ Việt Nam chữa bệnh cho Người. Sau chuyến đi thăm bộ đội phòng không, thăm và trồng cây ở xã Vật Lại (Ba Vì) vào dịp Tết Kỷ Dậu (1969) Bác ít đi các địa phương như trước nhưng vẫn làm việc bình thường với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, gặp gỡ đồng bào, chiến sỹ, các nhân sỹ, trí thức, các cháu thiếu nhi và bạn bè quốc tế. Đến giữa tháng 8 sức khỏe của Bác càng giảm sút nhiều hơn vì bệnh cũng nặng thêm. Tuy vậy Bác vẫn giữ nền nếp làm việc, vẫn nghe đài, đọc báo và sáng suốt minh mẫn. Mỗi khi có các đồng chí trong Bộ Chính trị vào thăm Bác đều nói: “hôm nay Bác thấy khỏe hơn hôm qua” và Người luôn hỏi đến tình hình chiến sự ở miền Nam, tình hình sản xuất, tình hình lũ lụt. Khi nước lũ sông Hồng lên cao các đồng chí Bộ Chính trị đề nghị mời Bác lên “an toàn khu”. Bác nói: “đi thì chỉ được một mình Bác, còn dân thì sao? Bác không thể xa dân, bỏ dân trong lúc này”. Rồi Bác còn dặn: “Không được để vỡ đê, không được để xảy ra chuyện gì đáng tiếc cho dân”. Nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo cáo về những ngày kỷ niệm lớn của năm 1970. Bác đồng ý phải làm lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Lê Nin, 40 năm ngày thành lập Đảng, 25 năm ngày thành lập nước còn việc kỷ niệm 80 năm ngày sinh Bác thì dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu sắp bước vào năm học mới. Chiều tối ngày 1/9, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm, Người nói: “Các chú cố gắng bố trí cho Bác ra gặp đồng bào dăm phút trong buổi lễ mừng Quốc khánh”. Thủ tướng báo cáo với Bác là lễ kỷ niệm đã tổ chức vào tối ngày 31/8. Nghe xong Người lặng đi hồi lâu, chắc do Người linh cảm thấy không còn cơ hội để gặp đồng bào một lần nữa. Sáng ngày 2/9 bệnh của Bác trầm trọng hơn, Bác nhìn khắp mọi người và nắm tay từng đồng chí trong Bộ Chính trị và các đồng chí đại diện cho Đảng bộ, nhân dân miền Nam. Đúng 9h47 trái tim nhân ái bao la, vĩ đại của Bác ngừng đập. Không ai có thể quên được những ngày tháng 9 năm ấy. “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”, một sự mất mát đau thương to lớn nhất. Bác đã đi vào cõi vĩnh hằng.

Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP Thanh Hóa.

Từ sự trùng hợp lịch sử đó đã nhiều năm qua nhân dân ta cứ đến ngày 2/9 lại vừa tổ chức kỷ niệm ngày Quốc khánh (ngày tết Độc lập) và ngày giỗ Bác Hồ. Cái tên tết Độc lập đã xuất hiện sớm nhất từ trên cao nguyên Mộc Châu. Chuyện kể rằng vào đúng ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, cả thị trấn Mộc Châu treo cờ đỏ sao vàng trông thật đẹp mắt, đẹp lòng. Nam nữ thanh niên Mông ở khắp các bản làng từ núi cao đến thung sâu đều đổ về đây để xem cờ và múa hát, tâm tình thâu đêm vui vẻ. Năm sau, rồi nhiều năm tiếp theo người Mông vẫn theo đúng ngày mà tụ hội về đây. Cũng từ đó người ta gọi ngày 2/9 là ngày tết Độc lập hay tết Cờ đỏ sao vàng. Họ bảo không có ngày Độc lập năm ấy thì người Mông ta không bao giờ được ngẩng đầu lên mà nhìn thấy trời xanh, núi cao đâu. Phải làm tết để nhớ ơn Cụ Hồ, ơn Đảng. Tết Độc lập đã có sức lan tỏa nhanh trong cộng đồng người Mông rồi cả đến các dân tộc khác trong cả nước, Tết Độc lập được tổ chức bằng nhiều hình thức: lễ, hội, hoạt động vui chơi, văn hóa, tổ chức mít tinh phát động thi đua... Trong gia đình có bàn thờ Tổ quốc có ảnh Bác Hồ, có hương hoa lễ vật để cúng như cúng gia tiên.

Sau ngày Bác mất thì ngày tết Độc lập cũng đồng thời là ngày giỗ Bác Hồ. Từ đất mũi Cà Mau đồng bào nói: “Bác như cha mẹ mình, bây giờ Bác mất, là con cháu phải lo thờ cúng cho tròn đạo nghĩa”. Vì vậy ngay từ tháng 9 đến tháng 11 năm 1969 ở vùng đất tận cùng Tổ quốc nhân dân đã dựng được hàng chục đền thờ Bác trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước còn bị chia cắt. Khi dựng xong đều phải có dân quân du kích đến bảo vệ, có nơi bị địch ném bom, bắn phá phải dựng lại hoặc chuyển đến nơi khác. Tuy chỉ bằng những cây đước, cây dừa, cây mắm làm cột, kèo, sàn, vách, lợp mái lá đơn sơ nhưng các ngôi đền thể hiện tính trang nghiêm, kính cẩn và tình cảm sâu nặng của nhân dân đối với vị Cha già kính yêu. Tại ngôi đền ở Kinh Can, xã Tân An một số lính ngụy cũng đã gửi đèn hương, bình hoa tới cúng Cụ Hồ.

Đầu năm 1970, ở ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh một đền thờ cũng được xây dựng trong tình hình phải chiến đấu với địch bằng quyết tâm phải xây và bảo vệ được đền để hàng năm làm giỗ Bác. Ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, ông Lê Minh Tâm ở thôn Xuân Dục, xã An Phú đã tự làm nhà thờ Bác bằng gỗ, lợp tranh vách đất (mô phỏng nhà Bác tại làng Sen). Trong nhà có tượng Bác bằng đá, có bức hoành phi đề “yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”. Tại huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam 2 ông bà Tử Vì Dân và Huỳnh Thị Thuyền là cựu chiến binh và cựu TNXP đã dành dụm tiền lương hưu để xây dựng đền thờ Bác với diện tích 200m2 trong khuôn viên của nhà mình. Trong đó tạc dựng tượng Bác Hồ bằng đá xanh non nước Đà Nẵng và 2 nắm đất thiêng lấy từ quê nội, quê ngoại của Bác đặt trên bàn thờ. Ở làng Cao Xá Trung, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) đền thờ Bác được xây trong vườn quả. Cứ đến ngày lễ, ngày tết, ngày sinh, ngày giỗ Bác, cán bộ nhân dân trong làng lại tới đền tổ chức kỷ niệm, báo công, dâng hương cúng Bác.

Di tích cách mạng Rừng Thông (Đông Sơn), nơi ghi dấu Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20/2/1947). (Ảnh: Bùi Trang)

Tại Thanh Hóa, giữa rừng thông reo bạt ngàn, xanh biếc của huện Đông Sơn có một khu di tích lịch sử về sự kiện mùa xuân năm 1947 Bác về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Nơi ấy Bác đã nói chuyện và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân phải xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu. Ở xã Yên Trường, huyện Yên Định cũng có một khu di tích trong đó có xây tượng đài Bác để ghi nhớ những lời Bác dạy vào năm 1961. Trên khu vực núi Trường lệ (TP Sầm Sơn) có bia lưu niệm để nhớ về những ngày Bác về thăm, nghỉ dưỡng tại ngôi đền Cổ Tiên và đi kéo lưới cùng với bà con dân chài xã Quảng Vinh năm 1960. Rồi ngay giữa lòng thành phố Thanh Hóa cũng hiện hữu một khu Văn hóa tưởng niệm Bác mà lúc nào cũng thấy có nhiều người đến dâng hương hoa kính cẩn cúng Bác.

Đặc biệt vào đúng ngày 19/5/2010 tại trung tâm đảo Trường Sa lớn, quân dân huyện đảo Trường Sa, đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân, đại biểu từ tỉnh Nghệ An quê Bác đã long trọng làm lễ cắt băng khánh thành đền thờ Bác Hồ tọa lạc trên diện tích 800m2 giữa biển đảo trùng khơi của Tổ quốc.

Có thể còn nhiều, rất nhiều nơi trong nước có đền thờ Bác với quy mô to, nhỏ khác nhau, nhưng rộng rãi phổ biến nhất là ở các gia đình trong khắp nước nơi nào cũng có bàn thờ Bác. Bàn thờ Tổ quốc trước đây bây giờ cũng là bàn thờ Bác được đặt ở những nơi trang trọng. Nhà ai để bàn thờ Bác bên cạnh bàn thờ tổ tiên thì ảnh Bác được treo cao hẳn lên. Đó là tấm lòng thành kính, biết ơn và yêu thương vô bờ bến của nhân dân ta đối với Bác, vì Bác đã sống trọn đời vì nước vì dân, vì Bác “đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”. Sau khi Bác mất nhiều người dân ở A Lưới (quê hương của anh hùng Can Lịch) vẫn giữ những cái hủ, cái vại đựng muối, đựng gạo mà Bác Hồ đã gửi cho. Hàng vạn người thuộc các dân tộc Pa cô, Cơ Tu, Pa hang, Tà ôi, Vân Kiều đã tự nguyện xin được mang họ của Bác Hồ.

Văn Như Tước


Văn Như Tước

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]