(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong bối cảnh chung của cả nước năm 2016 - tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch và thấp hơn năm 2015, tình hình KT-XH tỉnh Thanh Hóa vẫn duy trì được sự ổn định và có bước phát triển đáng kể. Đây là tín hiệu vui để toàn Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2017 với niềm tự tin và khí thế mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Năm 2016 bội thu các chỉ tiêu KT-XH

(VH&ĐS) Trong bối cảnh chung của cả nước năm 2016 - tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch và thấp hơn năm 2015, tình hình KT-XH tỉnh Thanh Hóa vẫn duy trì được sự ổn định và có bước phát triển đáng kể. Đây là tín hiệu vui để toàn Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2017 với niềm tự tin và khí thế mới.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo Tập đoàn Sun Group chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Thanh Hóa và Tập đoàn Sun Group. (ảnh: Phạm Ngọc)

GRDP đạt mức 9,05% với nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế

Kết thúc năm 2015 người dân Thanh Hóa từng được nghe nhiều về cụm từ “bội thu về các chỉ tiêu KT-XH” thì năm 2016 các chỉ tiêu đó còn tiếp tục được nâng cao hơn nữa. Dễ thấy và có tính tổng quát nhất là tốc độ tăng trưởng GRDP, năm 2015 đạt 8,39% thì năm 2016 tiếp tục tăng thêm và đạt mức 9,05%. Trong đó, cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng hợp lý và tích cực, giảm tỷ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản, tăng hoặc giữ nguyên tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, thuế sản phẩm... GDP bình quân đầu người tuy chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng mức thu nhập 1.620 USD/người/năm vẫn có thể xem là mức khá cao đối với một tỉnh đông dân và so với mặt bằng chung cả nước cũng như so với các năm gần đây.

Các ngành nông lâm thủy sản tuy giảm tỷ lệ trong cơ cấu ngành nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất. Tổng sản lượng lương thực, năng suất lúa, tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Điều đó cho thấy phần nào mức độ chuyên canh, thâm canh trong sản xuất nông nghiệp. Việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi những năm gần đây đang đem lại hiệu quả rõ nét, góp phần đưa nền nông nghiệp truyền thống sang một nền nông nghiệp hiện đại, tập trung, năng suất, chất lượng cao.

Chủ trương cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ngày càng được đẩy mạnh. (Ảnh: Ngọc Huấn)

Phát triển nền nông nghiệp và thay đổi diện mạo nông thôn còn phải nói đến cuộc vận động “Toàn dân tích cực tham gia phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM)”. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, trong năm 2016 tỉnh Thanh Hóa đã công nhận 1 huyện, 45 xã, 248 thôn, bản đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn của toàn tỉnh lên 158 xã. Tính chung toàn tỉnh, bình quân mỗi xã đạt 14,2/19 tiêu chí.

Trong khi đó, các ngành công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 64 nghìn tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ vị trí đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ. Hầu hết sản lượng công nghiệp đều tăng so với cùng kỳ, một số sản phẩm tăng khá như: Clinker, quần áo, giày thể theo, ô tô tải, điện sản xuất... Sản xuất tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, vừa giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập vừa đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất ngành công nghiệp.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chuẩn bị đi vào hoạt động.

Xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,737 tỷ USD, vượt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ, đồng thời đạt mục tiêu hướng tới tốp 14/63 tỉnh, thành phố của cả nước xuất khẩu đạt trên 1,5 tỷ USD. Một số mặt hàng xuất khẩu chính ngạch tăng cao như xi măng, dưa chuột muối, hàng may mặc...

Diện mạo du lịch tỉnh ngày càng thay đổi mạnh mẽ với sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn. Ngành du lịch năm vừa qua ước đón 6,3 triệu lượt khách trong đó có 150 nghìn lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch ước đạt 6.280 tỷ đồng, tăng 21,2%.

Năm 2016, ngành Du lịch Thanh Hóa tiếp tục bội thu.

Dịch vụ vận tải cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đi lại của nhân dân. Tổng lượng khách qua Cảng Hàng không Thọ Xuân năm 2016 ước đạt 800 nghìn lượt, gấp 1,6 lần 2015 và đã mở mới đường bay Thanh Hóa - Nha Trang. Hiện đang xúc tiến mở thêm một số đường bay khác, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.

Năm vừa qua, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện hiệu quả hơn. Các hoạt động xúc tiến đầu tư được tổ chức với nhiều hình thức quy mô đã đưa các nhà đầu tư về với Thanh Hóa. Năm 2016 chỉ tính đến hết tháng 11, tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 199 dự án (11 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 27.745 tỷ đồng và 155 triệu USD. Trong đó có một số dự án quy mô lớn như: Dây chuyền 2 xi măng Long Sơn, quần thể du lịch cao cấp Bến En, tái chế chất xúc tác thải tại KKT Nghi Sơn... Huy động vốn đầu tư đạt 125.100 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Trong năm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều dự án lớn như: Dây chuyền 1 - Xi măng Long Sơn, Dự án cải tạo không gian ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương (TX Sầm Sơn), Đại lộ Nam Sông Mã giai đoạn 1, Quốc lộ 217 giai đoạn 1, khu hàng không dân dụng Cảng Hàng không Thọ Xuân... Đồng thời, một số dự án mới tiếp tục được khởi công trong năm. Với số vốn đầu tư cao, các công trình này không những tăng thêm nguồn vốn đầu tư rót vào địa bàn tỉnh mà còn thay đổi quy mô, diện mạo nền kinh tế, tác động nhiều tới sự phát triển chung trên tất cả các lĩnh vực.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại diện nhà đầu tư phát lệnh khởi công dự án Trung tâm Thương mại Vincom và trụ sở làm việc của Thành ủy, HĐND, UBND TP Thanh Hóa.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội soán nhiều ngôi đầu

Thực tế, năm 2016 chính là năm các lĩnh vực văn hóa - xã hội ghi dấu ấn với nhiều vị trí đầu bảng. Hoạt động văn hóa, thông tin tập trung tuyên truyền và làm tốt nhiệm vụ tại các kỳ Đại hội Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Phong trào thể dục thể thao quần chúng được duy trì. Đặc biệt, Hội khỏe Phù Đổng khu vực III, Thanh Hóa xếp thứ nhất toàn đoàn. Thể thao thành tích cao đạt 662 huy chương tại các giải quốc gia và quốc tế trong đó có 226 Huy chương vàng.

Ngành giáo dục năm học 2015 - 2016 được hoàn thành với niềm vui đem lại từ kết quả tốt nhất trong suốt những năm qua về giáo dục mũi nhọn. Tại các Kỳ thi Olympic quốc tế, kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia khối THPT, các em học sinh đã mang về nhiều huy chương cho tỉnh nhà. Đặc biệt là 1HCV, 1HCB, 1HCĐ Olympic quốc tế các môn Hóa học, Toán học, Sinh học.

5.jpg

Năm 2016, giáo dục Thanh Hóa giành 1 HCV, 1 CHB, 1HCĐ trong các kỳ thi Olympic Quốc tế. Trong ảnh là học sinh Nguyễn Khánh Duy (đứng thứ 2 từ phải sang) giành HCV kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế.

Công tác y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được tập trung chỉ đạo. Trong năm đã giải quyết việc làm mới cho 64 nghìn lao động, trong đó xuất khẩu 10 nghìn lao động, đào tạo nghề cho hàng chục nghìn lao động khác, nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh đáp ứng nhu cầu của thị trường và các nhà đầu tư.

Đặc biệt, công tác giảm nghèo tiếp tục được chú trọng và thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo giảm thêm 2,5% so với đầu năm xuống còn 11% là kết quả đáng mừng dành cho những nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện mục tiêu “không để một ai ở lại phía sau” theo tinh thần kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Những thành quả trên là tiền đề, nội lực để Thanh Hóa tiếp tục đón đầu thời cơ, vận hội trong giai đoạn tiếp theo nhằm thực hiện những định hướng lớn, các chương trình trọng tâm, khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Tuy nhiên, năm 2017 trước mắt được xác định nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. “Hoàn thiện thể chế - tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính - tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển” là tinh thần lớn, quyết tâm cao nhất mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa đề ra trong thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị được giao.

Nguyên Mai



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]